Hồ Kẻ Gỗ trong ký ức phủ bụi

17/07/2024 22:43

Theo dõi trên

Những con người trẻ tuổi năm đó mỗi lần có dịp về thăm lại hồ Kẻ Gỗ chỉ biết thốt lên trong ngỡ ngàng. Có lẽ khi họ dùng sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình xây dựng hồ cũng không nghĩ đến sẽ có ngày hôm nay. Ngày mà từng cành cây, tấc đất họ gieo xuống năm xưa trở thành một phần không thể thiếu làm nên vẻ đẹp tựa chốn bồng lai.

z5642511908281-8848c3712c28f37b2374214266dd60cd-1721212913.jpg
Du khách đến với hồ Kẻ Gỗ ngày càng đông. Ảnh: VH

Hồ Kẻ Gỗ trong ký ức phủ bụi

Với ánh mắt mơ màng xa xăm mẹ kể tôi nghe về những ngày tháng dữ dội trong tuổi xuân của mình gắn liền với hồ Kẻ Gỗ. Hồi đó cô gái có ánh mắt to tròn, gương mặt bầu bĩnh và mái tóc ngả màu vàng cánh gián, bà được gọi “cô gái lai tây” mặc dầu là con nhà nòi cách mạng. Vừa qua độ tuổi măng non, mới gia nhập hàng ngũ thanh niên, bà ghi tên mình vào đội đi xây hồ Kẻ Gỗ đã bị gián đoạn trước đó do chiến tranh kéo dài. 

Sáng sớm mọi người tập trung lại trên hội trường xã. Nữ mang gióng, gánh, còn mấy chàng trai người cầm theo kéo đào đất, người cầm xẻng, cuốc rồi “hành quân chân bộ” thẳng tiến hồ Kẻ Gỗ. Đi từ sáng sớm đến trưa mới tới địa điểm tập kết. Khi đến nơi đã có rất đông người của các xã khác ở đó. Có tốp tụm năm, tụm bảy nói chuyện, tốp khác lại tranh thủ kiểm tra dụng cụ đầy đủ hay chưa... Không khí hồ hởi, tấp nập khiến ai cũng háo hức mong chờ những ngày sắp tới. 

Sau khi đông đủ, tất cả cùng nhau tiến vào công trường, nghe phân công nhiệm vụ và bắt tay vào làm việc ngay trong ngày. Ai có sức khỏe được phân công vào đội cắt đất, đào, vét - đội này hầu như là nam. Ai nhỏ con thì đắp bờ, gánh đất hoặc đội hậu cần… Bà được phân công vào đội hậu cần vì đâu anh đội trưởng nghe nói “ O Hương nấu ăn ngon lắm”. 

Hồi đó cả đất nước còn nghèo, hầu như mọi công việc đều được làm bằng sức người. Trên cả công trường rộng lớn chỉ xuất hiện máy ủi, máy xúc là thiết bị được điều khiển tự động dùng để đào, khoét mở rộng lòng hồ. Còn xung quanh và lưng chừng đâu đâu cũng chỉ thấy người và người. Những chàng trai sức dài vai rộng bê từng tảng đất to, dày vừa được cắt lên, những cô gái “da nâu tươi màu suy nghĩ” cứ thay nhau di chuyển đất đá nhỏ còn vương vãi đưa ra bên ngoài. Từng gánh đất được truyền vai nhau vượt qua những cung đường quanh co, dốc đứng bổ khuyết vào vùng trũng, rồi đưa lên trên cao để đắp bờ. 

Ngày ấy mỗi lần bà đi lấy đồ về ngang qua cứ thích đứng trên cao nhìn xuống để nhìn ngắm khung cảnh rộn ràng, tấp nập người qua kẻ lại. Mấy anh đang làm phía dưới ngước lên thấy lại gọi với lên: “Hôm nay, O Hương cho bọn anh ăn gì đó?”, “Nấu cho anh ăn bữa sau phải theo anh về nhà làm du nhà anh nha.”

Khi đó bà vẫn còn là cô gái mới lớn, hay thẹn thùng nên mỗi lần như vậy đều đỏ hết mặt, vội vã chạy trốn khiến mấy anh cười vang. Các chị lại lên giọng trách móc: “Mấy đứa bây đừng trêu hắn. Mảy nựa lại về ăn cơm chan nước mắm đó”.

Trong không khí lao động hăng say đó, chẳng biết ai cất đầu tiên mà sau đó từng tiếng hát thi nhau vang lên rộn rã. Khi thì hào hùng bi tráng, lúc đằm thắm dịu dàng, xen lẫn vào đó là tiếng hò ơ ngọt lịm. Ngày xưa tiếng hát át tiếng bom còn tại thời điểm đó tiếng hát xua đi giọt mồ hôi chực rơi trên khuôn mặt rạng ngời của những người trẻ tuổi. 

Thời gian dần trôi, từng hạng mục chậm rãi hoàn thành, nhìn hồ ngày một nên hình nên dạng ai ai cũng vui mừng như chính đứa con của mình đã đến ngày trưởng thành. Qua một tháng cùng nhau lao động, cùng ăn, cùng ở, cùng trải qua bao khó khăn, gian khổ khiến mọi người hiểu nhau hơn. Có lẽ vì thế nên biết bao câu chuyện tình yêu đã được viết nên hòa vào bản hùng ca mừng ngày hồ Kẻ Gỗ đón nhận dòng nước đầu tiên từ sông Lam thơ mộng trữ tình của mảnh đất Hà Tĩnh kiên cường, bất khuất.

Vị thế của hồ Kẻ Gỗ ngày nay

Ngày nay hồ đã không còn chỉ sử dụng với mục đích ban đầu là giải quyết nguồn nước cho cả tỉnh khi hạn hán kéo dài và cải tạo địa hình mà đó còn là địa điểm du lịch nổi tiếng của địa phương. Cứ mỗi dịp tết đến hè về từng đoàn khách từ mọi miền tổ quốc lại nghe danh mà đến. 

Du khách bị hút hồn bởi khung cảnh thiên nhiên trữ tình đậm chất thơ của nơi đây. Hai bên bờ những hàng cây xanh mướt mát thi nhau rầm rì kể về chiến công hào hùng của bậc cha chú thời chống Pháp, đánh Mỹ. Phía dưới tàng cây lác đác vài ba con người đang thư thả ngồi chờ cá cắn câu. Xa xa giữa hồ từng con thuyền đang lững thững trôi đưa du khách khám phá lòng hồ, hòa mình vào làn nước mát trong lành. Và điểm nhấn của cảnh đẹp nơi đây là cây cầu chữ C nối liền với mô đất nhỏ nơi có đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn và 62 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong quá trình xây dựng sân bay Libi cùng các các hạng mục phù trợ. Chính khung cảnh tựa chốn tiên bồng đó sẽ là liều thuốc chữa lành hiệu quả cho biết bao tâm hồn đang bị tổn thương sau ngày tháng vất vả, bon chen và cũng là nơi để chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước thế hệ cha ông đi trước đã đổ máu xương của mình cho cảnh đẹp bình yên của ngày hôm nay. 

z5642515852921-519be3d39f11d016cd1659e43538e084-1721212914.jpg
Dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Những con người trẻ tuổi năm đó mỗi lần có dịp về thăm lại Hồ Kẻ Gỗ chỉ biết thốt lên trong ngỡ ngàng. Có lẽ khi họ dùng sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình xây dựng hồ cũng không nghĩ đến sẽ có ngày hôm nay. Ngày mà từng cành cây, tấc đất họ gieo xuống năm xưa trở thành một phần không thể thiếu làm nên vẻ đẹp tựa bồng lai. 

Để có được thành quả như hiện tại, cùng với sự cải tạo không ngừng nghỉ của con người là một chút may mắn của tạo hoá do thiên nhiên ban tặng. Chính những yếu tố đó đã góp phần giúp hồ Kẻ Gỗ đã vươn lên, phát triển theo kịp bước tiến của xã hội để góp sức mình vào nền kinh tế địa phương, để những người bạn lâu năm gặp lại nó tựa lạ, tựa quen.  

Trang Nguyễn - Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Hồ Kẻ Gỗ trong ký ức phủ bụi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.