Hiệu quả bước đầu từ phát triển chăn nuôi dê lấy thịt

13/04/2016 16:31

Theo dõi trên

Được biết tới với đặc điểm là một xã vùng cao có diện tích đất đồi rừng lớn cùng nhiều bãi chăn thả tự nhiên, những năm gần đây nghề chăn nuôi dê lấy thịt ở xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã phát triển mạnh, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

 
Chăn nuôi dê lấy thịt là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã vùng cao Thàng Tín - Ảnh: QĐ

Với tư duy dám nghĩ dám làm, đầu năm 2010, một số hộ dân ở bản Hoàng Lao Chải bắt đầu đưa dê thịt về nuôi thử nghiệm. Nhờ đặc tính dễ nuôi, thích nghi được với khí hậu địa phương và được người dân chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn dê sinh trưởng khá tốt. Thấy rõ hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân ở các bản khác cũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn dê. Đến nay, nuôi dê lấy thịt đã dần trở thành mô hình có hiệu quả cao trong phát triển kinh tế hộ gia đình trên cơ sở tận dụng tối đa những nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có ở Thàng Tín. Bà Giàng Thị Pin, một trong những hộ đầu tiên nuôi dê lấy thịt ở bản Hoàng Lao Chải vui vẻ cho biết: “Con dê này nuôi không khó đâu, quan trọng nhất là bảo đảm thức ăn sạch và giữ ấm cho nó vào mùa lạnh”. Được biết, trước đây, gia đình bà Pin thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Sau lần đi thăm mô hình nuôi dê của người bà con ở xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), bà đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 20 triệu đồng để làm chuồng trại và mua dê giống để nuôi. Do chăm sóc tốt nên từ 10 con ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình bà Pin đã lên tới gần 40 con. Bình quân mỗi năm, gia đình bà Giàng Thị Pin có thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng từ tiền bán dê thịt.

Cũng vươn lên thoát nghèo từ chăn nuôi dê lấy thịt, đầu năm 2011, anh Lù Văn Tho ở bản Coóc Rác đã đầu tư con giống, chuồng trại nuôi dê sau khi giành thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người. Từ số vốn ban đầu là 15 triệu đồng, anh Tho mua được 6 con dê giống (5 con cái, 1 con đực), đến nay đàn dê của gia đình anh đã tăng lên 24 con với giá trị khoảng trên 100 triệu đồng. Nguồn thu từ tiền bán dê đã giúp vợ chồng anh có thêm điều kiện lo cho các con ăn học. Theo anh Lù Văn Tho, từ khi nuôi đến nay, đàn dê nhà anh chưa bị dịch bệnh, việc tiêu thụ dê thịt cũng thuận lợi khi thương lái thường xuyên vào tận bản thu mua. Do vậy, cùng với việc bán dê thịt, anh sẽ lựa chọn những con giống bảo đảm chất lượng để có thể mở rộng thêm đàn dê trong thời gian tới.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, so với các loại vật nuôi truyền thống khác, nuôi dê ở Thàng Tín mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn do chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn vì dê chủ yếu ăn các nguồn thức ăn có sẵn như lá keo, dâm bụt, lá mít, rau cỏ và các loại nông sản. Chuồng trại nuôi dê đơn giản, có thể tận dụng chồng bò, chuồng lợn cũ rồi làm giát tre, để dê không nằm trên nền đất hay nền gạch, xi măng. Việc nuôi dê sinh sản để tăng đàn cũng không quá khó khăn. Bình quân mỗi năm 1 con dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Hơn nữa, giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định và nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá lớn. Hiện nay, giá thu mua của thương lái trung bình vào khoảng 120 - 150 nghìn đồng/kg thịt dê nên nhìn chung bà con rất yên tâm phát triển nuôi dê lấy thịt.
 
Hiện nay, tổng đàn dê ở xã Thàng Tín đang vào khoảng gần 700 con, tập trung chủ yếu tại các bản như Hoàng Lao Chải, Coóc Rác, Tả Chải, Ngài Trố. Hộ ít thì 8 - 10 con, nhiều hộ có đàn dê lên tới 30 - 40 con. Ông Bùi Tuyên Hùng, Chủ tịch UBND xã Thàng Tín cho biết: Tận dụng tốt nguồn thức ăn và diện tích bãi chăn thả sẵn có của địa phương, mô hình nuôi dê lấy thịt trên địa bàn xã đã thực sự giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Tuy nhiên, hiện nay việc chăn nuôi dê lấy thịt ở xã Thàng Tín cơ bản vẫn mang tính tự phát; mong mỏi chung của bà con là được hỗ trợ nhiều hơn cả về kỹ thuật chăn nuôi cũng như vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.
 
Được biết, trong thời gian tới, nhằm nhân rộng hiệu quả của mô hình chăn nuôi dê lấy thịt, xã Thàng Tín sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chức năng của huyện Hoàng Su Phì, trực tiếp là Trạm Khuyến nông huyện Hoàng Su Phì để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê; đồng thời hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để bà con có điều kiện tăng số lượng đàn dê. Phát huy những hiệu quả bước đầu, với sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền và các cơ quan chức năng, hy vọng nghề chăn nuôi dê lấy thịt ở xã Thàng Tín sẽ tiếp tục phát triển bền vững, từ đó góp phần phát triển đời sống người dân, nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
 
Quang Đạo (Báo điện tử Đảng Cộng Sản)

Bạn đang đọc bài viết "Hiệu quả bước đầu từ phát triển chăn nuôi dê lấy thịt" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.