Hậu Giang tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

13/09/2023 14:20

Theo dõi trên

Sở VHTTDL Hậu Giang vừa có báo cáo kết quả 01 năm thực hiện Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

chol1-1694589595.jpg
Đồng bào Khmer đến cúng chùa ngày Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo đó, trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích, thực hành sai lệch di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát huy vai trò của cộng đồng và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở cơ sở; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ chuyên môn và người trực tiếp trông coi di tích; chuẩn bị kỹ hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể khi trình cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về nội dung, tính khoa học, pháp lý của hồ sơ.

Hiện nay, tổng số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 17 di tích, trong đó: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích quốc gia, 08 di tích cấp tỉnh, các di tích trên địa bàn tỉnh đều được trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử, văn hóa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Thực hiện tốt việc tuyên truyền phổ biến về Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết được triển khai đồng bộ, thông qua nhiều hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức nhân hoạt động trên lĩnh vực này. Từ đó, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng. Trong những năm qua không có xảy ra tình trạng việc vi phạm như lấn chiếm, xâm hại tại di tích trong tỉnh; an ninh trật tự luôn được đảm bảo tốt. Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực di sản văn hóa được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ việc phức tạp về văn hóa làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương. Năm 2022 đã thực hiện 01 hồ sơ khoa học di tích đề nghị cơ quan có thẩm quyền xếp hạng 01 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Di tích Trận chiến Pháo binh Vịnh Chèo năm 1974, ấp 6 xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Hậu Giang (Quyết định số 1787/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của UBND tỉnh Hậu Giang). Cử công chức tham dự Lớp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải, xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và hướng dẫn triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa tại khu vực phía Nam theo yêu cầu của Cục Di sản văn hóa. Từ năm 2022 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có lập và gửi hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội: Lễ hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được rà soát, thống kê và phân loại như sau: Đối với lễ hội lịch sử cách mạng: Lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; Lễ hội Mừng Đảng - Mừng Xuân; Lễ kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5; Lễ dâng hương viếng Bác nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; Kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7; Kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công 19/8; Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Ngoài ra còn có các ngày lễ kỷ niệm khác của các ngành, các đơn vị được tổ chức bằng nhiều hình thức như mit-tinh, họp mặt truyền thống…

Đối với lễ hội dân gian, tôn giáo: Lễ Chol chơ nam Thơ mây, lễ Đol Ta, lễ hội Ocombok, Giỗ tổ Nguyễn Trung Trực, lễ Kỳ yên Thượng điền, lễ Kỳ yên Hạ điền, lễ Nguyên Tiêu, lễ Bà Chúa Xứ, lễ đón Giao thừa, Tết Trung thu; Lễ Giáng Sinh, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Đản Sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ, giỗ tổ Đức Tông sư Minh Trí, cúng Rằm Hạ Ngươn, cúng Rằm Trung Ngươn, cúng Rằm Thượng Ngươn, lễ Phchum Bon, lễ hội Chanh Pré Quasa, vía Đức Chí Tôn, lễ vía Quan ông Thánh miếu, lễ vía Đức Diệu Trì Kim Mẫu, giáng sinh Đức Giatô Giáo chủ. Thời gian qua, văn minh trong lễ hội trên địa bàn tỉnh có bước phát triển về nhiều mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của Nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy, các giá trị mới đang hình thành và phát triển, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Nhân dân.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Hậu Giang tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.