Làng Bảo An
Bảo An là làng cổ của Điện Bàn, nằm ở trung tâm của vùng Gò Nổi nay là thôn Bảo An Đông và thôn Bảo An Tây của xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Theo một số tài liệu thì làng được thành lập từ giữa thế kỷ thứ XV, gồm tổ tiên của 5 tộc họ chính Nguyễn, Phan, Ngô, Phạm và Thái có quê gốc ở huyện Nghi Xuân, thừa tuyên Nghệ An theo vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm vào năm 1471, sau đó được phân công ở lại khai phá vùng đất mới của Thừa tuyên Quảng Nam.
Lúc đầu 5 tộc họ chính đến khai khẩn ở vùng Hòa Đa, nằm ở phía bắc sông Thu Bồn, sau mới vượt sông đến khai phá vùng Bảo An này. Từ khi thành lập đến nay làng đã trải qua nhiều tên, đầu tiên làng có tên là Phi Phú (có phải đây là làng Thi Phụ trong Ô châu cận lục?). Sau được đổi thành làng Phú An, Phú An Đông, Phú An Tây (dưới thời chúa Nguyễn). Dưới thời Tây Sơn, làng có tên là Tây Nhị xã. Theo Địa bạ triều Nguyễn soạn năm Gia Long thứ mười, làng có tên Bảo Đông, Bảo Tây nhị xã. Sau Cách mạng tháng Tám làng mang tên danh nhân Hoàng Diệu. Sau năm 1954, Bảo An thuộc xã Phú Tân. Từ năm 1948 đến nay, Bảo An thuộc xã Điện Quang (bị gián đoạn thời kỳ 1954 - 1975).
Nằm ở vị trí đặc biệt, kẹp giữa hai nhánh của sông Thu Bồn, làng Bảo An có phong cảnh rất đẹp. Ngày trước dân gian đã truyền tụng câu ca dao: Cây da mô cao bằng cây da Bàn Lãnh/ Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An.
Bảo An lại là làng nghề đường, nghề dệt nổi tiếng với nhiều cô gái đẹp và khéo tay: Tiếng đồn con gái Bảo An/ Sáng mua vải sợi, tối đan mành mành.
Bảo An cũng là làng văn vật hàng đầu của Quảng Nam. Sách Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn cho biết làng có 2 phó bảng, 16 cử nhân, 27 tú tài. Làng nổi tiếng không những là quê của Phan Khôi (tác giả bài thơ Tình già), Nguyễn Bá Trác (tác giả bài thơ Hồ trường) mà còn của Phan Thành Tài, Lương Khắc Ninh, Xuân Tâm, Nguyễn Đình, Phan Thanh, Phan Bôi…
Câu đối ở đình làng
Đình Bảo An được xây dựng đầu tiên vào năm 1702, đã nhiều lần bị phá hoại và được xây dựng lại vào các năm 1848, 1955, 2013. Ngôi đình này đã được công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp tỉnh từ năm 2013 (cùng một lượt với lễ khánh thành đình làng).
Trước đình có hai trụ biểu với cặp vế đối rất hay. Nhiều người lớn tuổi ở Bảo An vẫn cho rằng Nguyễn Bá Trác và Phan Khôi là đồng tác giả của vế đối này. Thực ra đây là cặp câu đối Nguyễn Bá Trác đã cúng cho làng và đã được Phan Khôi chỉnh sửa.
Chuyện kể: Khi Nguyễn Bá Trác làm Tổng đốc Thanh Hóa, lúc ghé về thăm nhà gặp dịp có lễ tế ở đình làng. Các chức sắc của làng đã mời ông đến dự. Quan Tổng đốc đã đi cho làng một câu đối để treo ở đình với nội dung:
Bảo ngã tử tôn lê dân, tam xã phồn xương Diên Phước chỉ/ An như Thái Sơn bàn thạch, song giang hoàn nhiễu hộ thần cư
Thấy câu đối, Phan Khôi lúc này đang ở đình làng liền nói với Nguyễn Bá Trác:
-Theo tôi hai câu này chỉ treo ở nhà ông, không nên treo ở đình làng là nơi đại diện cho cả làng Bảo An.
Nguyễn Bá Trác ngạc nhiên hỏi:
-Sao vậy?
Phan Khôi chậm rãi nói:
-Vế thứ nhất có chữ tử tôn là cháu con. Vậy cháu con ai? Vế thứ hai đã có Thái Sơn lại còn bàn thạch là thừa chữ. Vế trước nên bỏ chữ tử tôn, vế sau bỏ chữ Thái Sơn thì câu đối vừa hợp vừa gọn, vừa chỉnh mới có thể treo ở đình làng được.
Nghe thế, các vị túc nho và chức sắc trong làng đều tái mặt vì lời góp ý quá đúng nhưng lại gây… khó xử cho cụ Tổng. Nên nhớ ngày trước, chức Tổng đốc rất lớn, hàm Chánh nhị phẩm, tương đương với Thượng thư ở triều. Mặt khác, về khoa bảng, Phan Khôi chỉ là anh tú tài quèn trong khi Nguyễn Bá Trác đã đỗ cử nhân. (Nguyễn Bá Trác và Phan Khôi không những là đồng hương Bảo An mà còn là đồng môn với nhau tại trường của Trần Quý Cáp ở Bất Nhị. Mặc dù Phan Khôi nhỏ hơn Nguyễn Bá Trác 6 tuổi nhưng học giỏi hơn, được đánh giá cao hơn nhưng trong khoa thi Hương năm 1906, Phan Khôi chỉ đỗ tú tài còn Nguyễn Bá Trác đỗ cử nhân. Hai ông cũng từng tham gia Phong trào Duy tân và bị kết án tù).
Nguyễn Bá Trác là người rất hiểu tính cách và tài năng của Phan Khôi nên dù trước mặt chức sắc của làng cũng đã chấp nhận đề nghị của Phan Khôi. Chính vì vậy ngày nay ở hai bên trụ biển trước đình làng vẫn còn hai câu đối rất hay
Bảo ngã lê dân, tam xã phồn xương Diên Phước chỉ/ An như bàn thạch, song giang hoàn nhiễu hộ thần cư. Tạm dịch: Hãy giúp dân ta, ba xã giàu sang Diên Phước ở/ Vững như tảng đá, đôi sông ôm kín giữ gìn nơi.
Nghe chuyện này người ta cứ nghĩ Nguyễn Bá Trác ngoài mặt chiều theo Phan Khôi nhưng trong lòng rất ấm ức vì bị mất mặt. Nhưng sự thực dù không được Phan Khôi đánh giá cao nhưng Nguyễn Bá Trác luôn quý trọng Phan Khôi. Con gái của Phan Khôi là Phan Thị Mỹ Khanh trong tác phẩm Nhớ cha tôi Phan Khôi (NXB Đà Nẵng, 2001) có cho biết mỗi khi vợ Nguyễn Bá Trác về Bảo An đều ghé thăm Phan Khôi, mặc dù không được ông tiếp đãi nồng hậu; năm 1945 Nguyễn Bá Trác đã đích thân mời Phan Khôi tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng Phan Khôi không nhận lời.
Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác, hai nhân vật với hai tính cách và số phận khác nhau nhưng đã tình cờ gửi lại quê hương Bảo An một kỷ niệm đặc biệt, ghi dấu theo thời gian, nhưng lại ít người biết!
(Theo Báo Đà Nẵng)