Hà Nội: Chùa Thanh Nhàn bị lấn chiếm và xuống cấp nghiêm trọng

22/06/2015 08:29

Theo dõi trên

Chùa Thanh Nhàn là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lê, với diện tích rộng gần 5.000m2. Hiện nay , di tích này bị xuống cấp nghiêm trọng và có tới 22 hộ dân lấn chiếm và sinh sống trên đất chùa.



Nhà thờ Tổ chùa Thanh Nhàn bị lấn chiếm và xuống cấp nghiêm trọng– Nguồn: baoxaydung.com.vn

Theo thống kê của Thanh tra Văn hoá, Bộ VH-TT&DL, trong số 2.000 di tích được xếp hạng của thành phố Hà Nội thì có tới hơn 400 di tích bị xâm phạm nghiêm trọng, đặc biệt là thường rơi vào các ngôi chùa nằm trong khu vực nội thành. Trong đó, Chùa Thanh Nhàn - Hà Nội là một điển hình.

Sư thầy Thích Đàm Nguyên, trụ trì chùa Thanh Nhàn cho biết: Hiện tại có 22 hộ dân sống trên đất của nhà chùa, trong đó có 13 hộ sống trong nội tự, cạnh nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Nhà thờ Mẫu, 5 gian thì 2 đầu là dân ở. Họ còn cho cả người vào thuê làm nơi để đồng nát. Nhà thờ Mẫu xuống cấp, dù đã được đầu tư gỗ, vật liệu để khôi phục, nhưng 8 lần động thổ đều phải dừng lại vì những hộ dân sống trong nội tự đứng ra ngăn cản.

Không những vậy, nhiều hạng mục tại chùa Thanh Nhàn đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau những cơn mưa lớn, nền nhà thờ Tổ ngập úng nước, tưởng bị ố nước chảy ròng ròng từ mái xuống. Nhiều xà, kèo, cột đã bị mối mọt lâu ngày, các phật tử cùng với nhà chùa gia cố bằng cách chống các cột tre để giữ không bị đổ sập. Hiện nhà thờ Mẫu của chùa đã phải đóng cửa 4 năm nay vì hư hỏng, mái ngói sắp sập nhưng các phật tử cùng nhà chùa không dám tu sửa. Vì sửa nhà thờ Mẫu sẽ làm đổ nhà dân trong chùa.

Thường thì có ba loại hình lấn chiếm di tích, đó là dạng những người ở trong di tích từ trước khi di tích được xếp hạng; lấn chiếm sau khi di tích đã được xếp hạng; và xây dựng các công trình mới lấn át cảnh quan di tích. Thế nhưng chùa Thanh Nhàn đã bị lấn chiếm ở cả 3 loại hình trên, thậm chí còn bị những hộ dân trong khuôn viên ngang nhiên xẻ đất bán và xây nhà mới.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, chính quyền cơ sở và nhà chùa dường như bất lực và vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Được biết, vừa qua, Bộ VHTTDL đã có Văn bản số 2275/BVHTTDL-DSVH ngày 09 tháng 6 năm 2015 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thỏa thuận chủ trương lập dự án tu bổ di tích chùa Thanh Nhàn, chùa Cổ Miễu, đình Trung Tự, đình Nam Đồng, TP Hà Nội.

Chùa Thanh Nhàn có tên chữ là "Thanh Nhàn Tự" ở số 68, ngõ 318 đường La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa được xây dựng khoảng giữa thế kỷ 17 .Sang thế kỷ 18, chùa bị hư hại, Thái bảo họ Đỗ triều Lê đã đứng ra chữa chùa, nay còn bia và tượng quan Thái bảo họ Đỗ này ở chùa. Năm 1810, chùa được tu sửa, đúc chuông, 1895 chữa tam bảo, 1901 chữa hậu đường, 1946 sửa chữa từ vũ. Chùa hiện nay còn tòa tam bảo hình chuôi vồ, tiền đường và chân dung hai vị tướng họ Đỗ tạc phù điêu. Chùa Thanh Nhàn đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1989.

B.T
Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội: Chùa Thanh Nhàn bị lấn chiếm và xuống cấp nghiêm trọng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.