Theo các bậc cao niên làng Xuân Phả, hiện không có một văn bản viết nào chính thống về nguồn gốc của trò Xuân Phả mà là câu chuyện được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác. Cũng bởi lưu truyền miệng nên có nhiều ý kiến, quan điểm về nguồn gốc của trò Xuân Phả. Có người cho rằng, trò diễn có từ thời Đinh, có ý kiến lại khẳng định trò diễn ra đời và hưng thịnh thời nhà Lê... Tuy nhiên, theo các bậc cao niên làng Xuân Phả, trò diễn có từ thời Đinh thì đúng hơn, vì trong mỗi làn điệu múa đều có bóng dáng, hình ảnh của đội quân cờ lau.
Tương truyền, vào thời Đinh, đất nước có giặc biên thuỳ sang quấy nhiễu. Bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh với công cuộc “dẹp loạn 12 sứ quân” nhưng mới chỉ dẹp được 11 sứ, còn 1 sứ do Ngô Xương Xí cầm đầu. Lúc này, nhà vua sai sứ giả đi tìm người tài giúp vua dẹp giặc. Sứ giả đi dọc bờ sông Lường (tức sông Chu ngày nay), đến làng Xuân Phả thì trời vừa tối, liền nghỉ lại tại miếu thờ Thành hoàng làng Xuân Phả có tên là Đại Hải Long Vương. Đêm tối, sứ giả nhà vua dâng hương để cầu nguyện thì Thành hoàng làng báo mộng, mách nước cách đánh giặc. Sau đó, sứ giả về tâu với nhà vua, nhà vua hoàn thành sứ mệnh, đất nước trở lại thanh bình.
Để báo đáp công ơn của Thành hoàng làng Xuân Phả, nhà vua tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ và phong cho Thành hoàng làng Xuân Phả là Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân. Từ lễ hội ăn mừng chiến thắng, các nước lân cận đem lễ vật đến tiến cống, chúc mừng nhà vua đất Việt, với cả các điệu múa như Ai Lao (nước Lào), Chiêm Thành (dân tộc Chăm ở phía Nam); Ngô Quốc (bộ tộc của đảo Hải Nam Trung Quốc); Lục Hồn Nhung (bộ tộc Lục Hồn ở phía Bắc nước ta); Hoa Lang (một bộ tộc Cao Ly ở Triều Tiên). Ngay sau đó, để đền đáp công ơn, nhà vua đã ban 5 điệu múa trên cho nhân dân làng Xuân Phả.
Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt. Trong năm điệu múa của trò Xuân Phả, có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung.
Thông qua những trò diễn, điệu múa nhà vua muốn nhân dân Xuân Phả phải biết đoàn kết, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất... Điển hình, điệu múa Hoa Lang người múa dùng những cái quạt, múa những động tác như là tung hoa, thể hiện sự vui mừng. Cùng với đó, người múa sử dụng những bài chèo thể hiện cuộc sống, làm ăn kiếm sống bằng đường sông nước. Hay điệu Lục Hồn Nhung thể hiện cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình, có nhiều thế hệ gồm bà cố, có mẹ và có con... nhằm bảo ban con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, đoàn kết trong gia đình.
Hằng năm cứ đến ngày 9, 10/2 âm lịch, nhân dân làng Xuân Phả lại tụ nhau lại trong ngày hội của làng. Đến nay, lễ hội làng Xuân Phả không chỉ của riêng người trong làng mà lan rộng ra khắp một vùng Thọ Xuân rộng lớn. Có tới hàng nghìn người đến tham dự, xem trò, chúc mừng xuân mới. Chả thế mà, người dân xứ Thanh có câu “Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng (hay làng Xuân Phả)”. Từ những năm 1930, trò Xuân Phả được mời đi trình diễn ở nhiều nơi, điển hình như năm 1935, trò Xuân Phả trình diễn tại hội chợ nông sản huyện Thọ Xuân, có các quan đầu tỉnh người Việt và người Pháp đến dự, “Điệu múa Xuân Phả” được đăng trên báo Tràng An cuối năm 1935. Năm 1936, vua Bảo Đại mời trò Xuân Phả diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó được đưa đi biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội. Sau cách mạng Tháng 8, trò diễn Xuân Phả đã đi phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,...
Vốn được ông cha để lại nên từ xa xưa người dân làng Xuân Phả đã có ý thức bảo tồn bằng việc dạy lại các trò diễn cho con cháu. Cuối thập niên 60 - 70 do điều kiện đất nước chiến tranh, kinh tế khó khăn nên việc duy trì tổ chức trò diễn không được phát triển, chủ yếu là do các làng tự tổ chức. Đến năm 1990, địa phương mới đưa ra chủ trương khôi phục lại các điệu múa, trò diễn. Bấy giờ, khi đó cả xã chỉ huy động được 4, 5 cụ trong làng còn biết múa, biết diễn các trò để dạy lại cho con cháu.
Đặc biệt, sau khi có tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 khoá VIII, kết luận của Nghị quyết TƯ 10 khoá IX về tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa thì trò Xuân Phả được quan tâm hơn bao giờ hết. Ban đầu do điều kiện kinh tế khó khăn, trang phục thiếu, kinh phí khôi phục trò diễn còn hạn chế, nên bảo tồn và nhân rộng gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 2000, UBND huyện Thọ Xuân có đầu tư kinh phí; đội diễn cũng tích cóp được một ít với một phần ngân sách địa phương để mua trang phục, đạo cụ.
Niềm vui trọn đầy nhất với nhân dân Xuân Trường nói riêng, nhân dân Thanh Hóa nói chung khi năm 2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây vừa là niềm tự hào vừa là trọng trách to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Xuân Trường trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.