ĐA DẠNG LOẠI HÌNH VHPVT
Hơn 3 thế kỷ khai phá vùng đất phía Bắc sông Tiền, vượt qua những khó khăn, qua quá trình cộng cư sinh sống, giao lưu và tiếp biến với nhiều nền văn hóa khác nhau, bằng sự chọn lọc và tinh thần tự tôn dân tộc đã làm nên diện mạo văn hóa vùng Tiền Giang khá đặc biệt. Trong các loại hình văn hóa thì VHPVT mang đậm nét đặc trưng của con người, vùng đất Tiền Giang. Qua thống kê cho thấy, toàn tỉnh có trên 323 di sản VHPVT, thuộc các loại hình, như: Diễn xướng dân gian, Lễ hội truyền thống, Nghệ thuật truyền thống, Phong tục tập quán, Nghề thủ công truyền thống, Ẩm thực dân gian...
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận trên phương diện tổng thể, có thể thấy, VHPVT ở Tiền Giang có những điểm chung của vùng văn hóa Nam bộ như: Đờn ca tài tử, Lễ hội Kỳ Yên ở đình, Lễ vía Bà ở miễu, ẩm thực… Song với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng nên những đặc điểm VHPVT ở Tiền Giang rất riêng biệt mà hiếm có nơi nào có được.
Ví dụ như ở loại hình Diễn xướng dân gian, Tiền Giang được xem là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và cũng là nơi đóng góp cho cả nước những nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật cải lương, như: Tư Triều, Bảy Triều, Hai Nhiễu, Ba Đắc, Năm Phỉ, Nam Châu, Hai Giỏi, Phùng Há… và các gánh hát đầu tiên như Năm Tú, Đồng Bào Nam, Nam Đồng Ban, Đồng Nữ Ban… để cùng một số địa phương đưa nền nghệ thuật này ra cả nước, làm say đắm lòng người suốt hơn hai phần ba thế kỷ.
Lễ hội truyền thống là một trong những loại hình VHPVT tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, tỉnh Tiền Giang đã có phong phú hình thức các lễ hội mang đậm giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó tập trung ở 2 hình thức lễ hội chính là lễ hội lịch sử và lễ hội dân gian. Đa số các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh do chính quyền địa phương các cấp đứng ra tổ chức trên tinh thần an toàn, văn minh, phát huy được trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân.
Lễ hội Kỳ Yên là một trong những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất nông nghiệp đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay. Ở Tiền Giang, Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức ở huyện Gò Công Tây, huyện Cai Lậy, TX. Gò Công,… Việc nhân dân tổ chức Lễ hội Kỳ Yên nhằm đánh dấu một năm yên ổn, mưa thuận gió hòa, đồng thời cùng nhau cầu phúc cho năm mới bình an, mùa màng thắng lợi, bội thu...
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY
Theo Tiến sĩ Văn hóa Mai Mỹ Duyên, VHPVT là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu văn hóa. VHPVT là một bộ phận không thể tách rời của thực thể văn hóa dân tộc. Nó phản ánh đời sống tinh thần, tâm linh, tâm tư tình cảm của nhân dân Việt Nam ta từ bao đời nay. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập toàn cầu, VHPVT đang gặp phải nhiều trở ngại trong tiến trình phát triển, đặc biệt đó là nguy cơ bị mai một, biến dạng hoàn toàn, việc truyền nghề còn không ít khó khăn; môi trường, không gian diễn xướng di sản bị thu hẹp; sự chuyển giao ở nhiều loại hình di sản bị gián đoạn,… Chính vì vậy, cần có giải pháp bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả đối với các loại hình VHPVT.
Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tổng kiểm kê di sản VHPVT trên địa bàn. Qua đó, giúp tỉnh xác định ưu tiên bảo vệ loại hình nào trước, đặc biệt là đối với các di sản đang có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời. Qua kiểm kê cho thấy, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di tích của các địa phương tăng lên rõ rệt.
Còn đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm, thực hiện các dự án bảo tồn các giá trị VHPVT, từ năm 2011 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã thực hiện các đề tài nghiên cứu, trong đó tiêu biểu “Chương trình nghiên cứu một số loại hình VHPVT tại tỉnh Tiền Giang” do tác giả Nguyễn Ngọc Minh làm chủ nhiệm và tác giả Đồng Hữu Tế Thế đồng chủ nhiệm. Chương trình này là nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh giúp hệ thống hóa tài liệu, đánh giá các giá trị văn hóa của một số loại hình VHPVT tồn tại trong cộng đồng cư dân và là nền tảng cho việc nghiên cứu toàn diện về vùng đất và con người Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa trong công tác giảng dạy lịch sử, địa lý, văn học nghệ thuật… của địa phương, đồng thời là cơ sở cho ngành Du lịch đa dạng hóa các loại hình thương mại, du lịch văn hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang còn nhiều đề tài khác, như: Nghề làm bánh phồng Cái Bè - Tiền Giang; Nghệ thuật xây chầu - đại bội ở Tiền Giang; các món mắm vùng Gò Công; nghề làm hủ tiếu ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho; nghề dệt chiếu Long Định, huyện Châu Thành… Các đề tài nghiên cứu cũng đã đưa ra các khuyến nghị, giải pháp trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị VHPVT ở Tiền Giang. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn làm tốt công tác tôn vinh các nghệ nhân vừa nhằm ghi nhận công lao của họ, đồng thời để khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy trong bảo vệ, phát triển di sản VHPVT.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, VHPVT là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa tỉnh. Để thực hiện tốt hơn công tác giữ gìn và phát huy các giá trị của loại hình văn hóa này, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tình cảm của cộng đồng đối với loại hình VHPVT; có những hỗ trợ thiết thực từ kiến thức, kinh nghiệm đến nguồn lực để việc gìn giữ di sản hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục triển khai điều tra, sưu tầm, nghiên cứu toàn diện các di sản VHPVT của tỉnh, có biện pháp tái tạo và lưu truyền các di sản VHPVT từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn… hạn chế tối đa nguy cơ bị thất truyền. Ngoài ra, tỉnh có các giải pháp phát triển các loại hình VHPVT gắn với phát triển du lịch.