Những bậc kỳ lão địa phương cũng chỉ biết loáng thoáng rằng, từ thuở rất xưa có một bà công chúa đã lên núi Chứa Chan cất chùa qui ẩn rồi qua đời. Không ai biết đó là chùa nào, công chúa tên gì, thuộc vương triều nào, nấm mộ nằm ở đâu. Họ chỉ biết rằng, trên lưng chừng núi, phía sau ngôi chùa cổ Bửu Quang vẫn còn một linh miếu thờ "bà công chúa".
Những giai thoại và sự thật về "bà công chúa"
Núi Chứa Chan nằm trên địa phận Xuân Lộc, Đồng Nai. Núi còn có tên gọi khác là núi Gia Lào, núi Gia Ray hay đỉnh Miệng Rồng. Là một ngọn núi đá cao 837m đứng thứ hai ở Nam bộ, sau núi Bà Đen (Tây Ninh). Ngọn núi này ẩn chứa rất nhiều câu chuyện linh thiêng, huyền bí. Suốt hàng trăm năm nay, cứ mỗi dịp tết đến, hàng triệu lượt khách hành hương từ khắp mọi miền đổ xô lên núi khấn "bà công chúa" cầu tài, xin phước. Dù khần cầu sùng kính nhưng hầu hết khách hành hương đều không biết "bà công chúa" là ai. Họ tin rằng, "bà công chúa" rất linh thiêng, cầu gì được nấy.
Giai thoại kể rằng, từ thuở rất xưa có một vị công chúa xứ Lèo chán ghét cảnh tranh ngôi đoạt báu đã chọn đỉnh núi thâm sơn cùng cốc làm nơi tu hành lánh trần. Những người thổ dân địa phương biết công chúa hiện diện trên núi nên hàng ngày gùi gạo, muối đem lên cung phụng cho công chúa. Khi vị công chúa từ trần do tuổi cao, những người thổ dân hỏa thiêu rồi xây miếu phụng thờ. Hàng ngày họ vẫn gùi gạo, muối lên cúng cho hương linh công chúa.
Hàng trăm năm sau, người Kinh nghe đồn "bà công chúa" linh thiêng nên đi theo những thổ dân gùi gạo muối lên cúng, lâu dần thành lệ hành hương hàng năm.
Cách nay khoảng hơn 200 năm có một vị sư đi hành hương viếng "bà công chúa" thấy cảnh núi thơ mộng, yên bình đã chọn một hang đá làm nơi ẩn tu. Khi tuổi cao sức yếu, vị sư biết mình sắp mãn kiếp đời đã ngồi tịnh thiền rồi viên tịch. Xác rũ tọa thiền của sư tổ tồn tại hàng chục năm vẫn không hư mục. Những thổ dân địa phương quá sùng kính ngài đã dùng đất sét đắp xung quanh xác rũ tạo thành một mộ tháp.
Sư trụ trì đời sau là Thích Trừng Ngộ (viên tịch năm 1950), tục danh là Trương Văn Đó vốn là một đồng đảng của Phan Xích Long.
Có lẽ sau khi phong trào kháng Pháp của Phan Xích Long bị tan rã, ông đã về chùa lẫn trốn sự truy lùng của quân Pháp trong vai nhà sư. Trong thời gian trụ trì ở đây, sư Ngộ chiêu nạp đệ tử luyện võ phục quốc. Trong số đệ tử của ngài có nhà văn tướng cướp Sơn Vương - Người bị Pháp kêu án 67 năm khổ sai trên đảo Côn Sơn. Ông đã mở rộng xây dần ngôi chùa thành một quần thể điện thờ bao quang hang cũ. Hiện nay, hang đá chánh điện chùa Bửu Quang vẫn còn lưu giữ ngôi mộ tháp chứa xác rũ của sư tổ ngôi chùa.
Vậy là đã rõ, nguồn tín ngưỡng tâm linh tại ngọn núi này xuất phát từ giai thoại thờ "bà công chúa" Lèo.
Tuy nhiên, người dân địa phương đã nhầm nhân vật "bà công chúa" là người Lèo. Bởi, "bà công chúa" ấy chính là công nương Ngọc Vạn - con gái chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Bà đã vâng lời cha chấp nhận lấy vua Chăm Pa (vương triều cổ của Campuchia) để người Việt được mở rộng bờ cõi xuống phía Nam.
Trong lịch sử, cố đô cũ của Chăm Pa nằm ở Nam Lào nên người dân hiểu nhầm "bà công chúa" là người Lèo.
Nhân vật có thật trong lịch sử
Trong mục Công chúa của "Đại Nam liệt truyện tiền biên" của Quốc sử Quán triều Nguyễn chỉ ghi chép: "Chúa Sãi có bốn người con gái: 1/ Công chúa Ngọc Liên, lấy Trấn biên doanh Trấn thủ Phó Tướng Nguyễn Phúc Vĩnh (Phúc Vĩnh là con trưởng Mạc Cảnh Huống). 2/ Công chúa Ngọc Vạn, không có truyện. 3/ Công chúa Ngọc Khoa, không có truyện. 4/ Công chúa Ngọc Đĩnh, lấy Phó Tướng Nguyễn Cửu Kiều. Năm Giáp tỵ (năm 1684, Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa Đông, Ngọc Đỉnh mất. Cũng cần nói thêm rằng, vì là con chúa nên 4 người này phải gọi là công nữ chứ không thể gọi là công chúa (con vua).
Theo đó, chúa Sãi có 4 người con gái nhưng chỉ có 2 người được nhắc tên trong chính sử triều Nguyễn là Ngọc Liên và Ngọc Đỉnh. Còn Ngọc Khoa và Ngọc Vạn không được nhắc tới.
Trong quyển "Généalogie des Nguyen avant Gia Long" (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long - Bulletin des Amis de vieux Huế, xuất bản năm 1920) của đồng tác giả Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân cũng không nhắc đến Ngọc Khoa và Ngọc Vạn.
Sự khiếm khuyết về lịch sử này đã khiến nhiều nhà khoa học lịch sử cất công đi tìm lời giải đáp suốt hàng trăm năm nay. Không uổng công, thân thế Công nữ Ngọc Khoa đã dần sáng tỏ khi các nhà khoa học đã tìm ra được dấu tích trong các thư tịch cổ của người Chăm. Bà đã được gã cho vua Chiêm Thành (Báo An Ninh Thế Giới đã có bài viết).
Còn Công nữ Ngọc Vạn thì được các nhà khoa học tìm thấy trong các tài liệu lịch sử của Campuchia. Lịch sử Campuchia ghi rõ: Năm 1626, vua Chey Chetta II có cưới 1 công nữ con chúa Nguyễn. Bà hoàng hậu này được đặt vương hiệu là Somdach Prea Eaccayo Dey Preavoreac Ksattecey, tên tục là Ngoc Van. Chiếu theo thời gian thì giai đoạn đó ứng vào triều đại chúa Sãi.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã tìm thấy trong quyển hồi ký của một giáo sỹ người Ý tên là Christopho Borri đã từng hành đạo ở Quy Nhơn. Quyển hồi ký này xuất bản năm 1631 có ghi chép rằng: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa để chống lại sự xâm lăng của vua Xiêm.
Bà tổ ngành dệt Khmer
Rất nhiều thư tịch cổ của Campuchia lại ghi: Đầu thế kỷ 17, vua Xiêm La liên tiếp xâm lược Chân Lạp (Campuchia cổ). Khi lên ngôi vua năm 1618, Chey Chetta II, liền dời đô về Oudong đồng thời xin chúa Nguyễn cấp viện binh để chống lại Xiêm La. Năm 1620, Chey Chetta II đã xin cưới một công nữ của chúa Nguyễn tên Ngoc Van, 16 tuổi. Vị công nữ này đem theo sang Chân Lạp nhiều người hầu, quân lính thiện chiến, chiến thuyền. Những người hầu này được vua Chetta II giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình.
Vị công nữ người Việt này được vua Chetta sủng ái đưa lên làm hoàng hậu với tước hiệu là Somdach Prea Eaccayo Dey Preavoreac Ksattecey. Nhờ những đội quân thiện chiến của "cha vợ", vua Chetta II đã thoát được sự xâm lăng của quân Xiêm La. Để bảo vệ con rể, chúa Nguyễn còn cắt cử quan, binh đóng quân ở vùng Mô Xoài (Sài Gòn ngày nay).
Năm 1628, vua Chey Chetta II từ trần. Ông đã có với hoàng hậu người Việt 3 người con: Chau Ponhea To (ở ngôi vua: 1628 - 1630) tức Ang So, Chau Ponhea Nou và một con gái tên là Neang Nhéa Ksattrey.
Nối tiếp giai đoạn lịch sử về công nữ Ngọc Vạn, quyển "L'Indochine du Sud" của nhà sử học người Pháp Cl. Madrolle, xuất bản năm 1926 ghi rằng: Sau khi Chey Chetta II chết, con trai của hoàng hậu người Việt là hoàng tử Chau Ponhéa To lên nối ngôi. Ponhéa To là một vị hoàng tử mang 2 dòng máu rất thông minh và được bà hoàng hậu giáo huấn rất chu đáo.
Khi còn sống vua Chey Chetta II chờ hoàng tử Ponhéa To hoàn thành một khóa tu học ở chùa xong sẽ cưới công nương Ang Vodey cho hoàng tử. Chetta II chưa kịp thực hiện thì qua đời đột ngột. Thấy công nương Ang Vodey xinh đẹp, khi Chey Chetta II vừa qua đời thì phụ chính Prea Outey (em trai vua Chetta II và là chú ruột của Ponhea To) vội vã cướp Ang Voley làm vợ.
Kết thúc khóa tu học 2 năm, Ponhea To trở về triều tiếp nhận ngai vua của cha. Sau buổi chiêu đãi tân vương, Ang Voley trốn chồng hẹn gặp vị vua trẻ ở ven rừng. Préa Outey phát hiện giết chết cả hai người. Sự kiện này xảy ra vào năm 1630.
Ponhea chết, em trai là Ponhea Nou (ở ngôi vua: 1630–1640) được làm vua. Công nữ Ngọc Vạn trở thành hoàng thái hậu đứng sau lưng con trai chống đỡ sự lộng hành của phó vương Prea Outey.
Do rắp tâm cưới ngôi vua, 10 năm sau (năm 1640), Prea Outey đầu độc Ponhea Nou để đưa con trai mình là Ang Non I (sử Việt gọi là Nặc Ông Nộn) lên làm vua. Chính thời gian này, công nữ Ngọc Vạn lánh về núi Chứa Chan ẩn tu.
Năm 1642, một người con của Chey Chetta II (mẹ người Lào) là Chau Ponhea Chan (Sử Việt gọi Nặc Ông Chân) nổi lên giết 2 cha con phó vương Prea Outey và Ang Non I để cướp ngôi vua.
Sau khi cướp được ngôi Nặc Ong Chân, phế bỏ Phật giáo, kết thân với Xiêm La, gây hấn với người Việt. Điều đó khiến lòng dân ta thán.
Năm 1658, cháu nội của Preah Outey là Pon Héa So và cháu nội của công nữ Ngọc Vạn là Ang Tan gác mối thù xưa bắt tay nhau dấy binh chống lại Nặc Ông Chân nhưng thất bại. Họ đã lên núi Chứa Chan tìm Ngọc Vạn xin ý kiến.
Còn tiếp...