Giải mã di tích 5 "Ông Thẻ" ở An Giang (Kỳ II)

02/10/2021 14:18

Theo dõi trên

Giai thọai kể rằng, vào khoảng năm 1870, người dân địa phương phát hiện trong lùm cây ven bờ rạch một cây trụ gỗ có chạm khắc búp sen. Vốn là con cháu những nghĩa quân kháng chiến thuộc quyền Quản cơ Trần Văn Thành nên họ biết đó là Ông Thẻ.

04-1633151999.jpg
“Dinh Ông Thẻ” tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang.

Dinh Ông Thẻ Láng Linh

Dinh Ông Thẻ thứ ba ở ven rạch Cây Gáo thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang. Đó là địa phận căn cứ kháng chiến Láng Linh – Bảy Thưa của Đức Quản cơ Trần Văn Thành ngày xưa.

Trong dinh thờ này vẫn còn một đoạn gỗ được phủ vãi đỏ được cho là phần còn lại của Ông Thẻ.

Giai thọai kể rằng, vào khoảng năm 1870, người dân địa phương phát hiện trong lùm cây ven bờ rạch một cây trụ gỗ có chạm khắc búp sen. Vốn là con cháu những nghĩa quân kháng chiến thuộc quyền Quản cơ Trần Văn Thành nên họ biết đó là Ông Thẻ. Họ đã lấy nón lá đội cho Ông Thẻ để che nắng mưa và thay nhau hương khói. Lúc đó, hương cả làng là ông Trần Văn Mỹ thấy người dân tôn thờ Ông Thẻ nên xuất ngân quỹ làng lập miếu thờ.

Đến năm 1956, miếu Ông Thẻ này được trùng tu nâng cấp xây dựng kiên cố thành 3 công trình: Nhà bát quái, chánh điện và hậu điện.

Nhà bát quái xây bao trùm, che nắng mưa cho Ông Thẻ trở thành nơi người dân chiêm ngưỡng, cúng bái, khấn lạy. Ông Thẻ được quấn vải đỏ, lắp tủ kính bảo vệ đặt trên bàn hương án. Chánh điện thờ Bác Hồ, Phật Thầy Tây An, lãnh tụ kháng Pháp Nguyễn Trung Trực, Quản cơ Trần Văn Thành và phu phu nhân ông là bà Nguyễn Thị Thạnh, ông Trần Văn Nhu (con trai Quản cơ Trần Văn Thành...

Hàng năm, vào ngày 16 và 17 tháng 8 (âm lịch), người dân địa phương tổ chức lễ cúng Ông Thẻ. Các ngày 20, 21, 22 tháng 2 (âm lịch) người dân tổ chức lễ cúng giỗ Quản cơ Trần Văn Thành.

Miếu Ông Thẻ Vĩnh Điều

Vào năm 2012, hầu như rất ít người biết rõ vị trí Ông Thẻ thứ tư nằm ở đâu.

Theo các tài liệu liên quan thì mọi người chỉ biết Ông Thẻ thứ tư nằm ở một cánh rừng tràm thuộc xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Nơi này, vào thời điểm đó là một cánh đồng lúa bao la, chưa có đường đi. Muốn đến được nơi đó phải đi bằng xuồng vài giờ đồng hồ.

08-1633152228.jpg
Nơi phát hiện “Ông Thẻ thứ 5” ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

Trong quá trình truy tìm Ông Thẻ này, tác giả bài viết đã may mắn gặp được ông Tám Tăng - một nông dân ngụ ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Ông Tám Tăng kể rằng, vào năm 1997, khi đi thăm ruộng ở một khu vực có tên gọi là Gò Dưới đã nhặt được một cây kiếm cổ.

Ngay sau đó, người dân đổ xô đến băm nát hai khu vực Gò Dưới, Gò Trên để tìm báu vật cổ. Ngoài những vật dụng cổ, người ta còn nhặt được cả vàng thỏi, tiền xưa có chỉ dấu triều Nguyễn. Cuộc đào bới tìm báu vật diễn ra rầm rộ hàng tháng trời mà không có sự kiểm soát của các nhà khoa học nên tất cả các cổ vật đều chui vào các tay buôn đồng nát hoặc các tiệm vàng thiếu kiến thức lịch sử. Những báu vật cổ theo tay những người buôn đồng nát trôi dạt khắp nơi và mất dấu tích.

Tác giả chiếu theo tọa độ trên bản đồ thì vị trí Đồng Dưới có khoảng cách tương đương với  3 ngôi miếu thờ “Ông Thẻ” kia. Tác giả đã thuê xuồng đến tận nơi thì phát hiện có một ngôi miếu thờ được cất tạm bằng gỗ tạp và tôn trên một gò đất cao bất thường. Người dân địa phương cho biết, đó là ngôi miếu thờ linh vật của Quản cơ Trân Văn Thành. Căn cứ vào sự mô tả các cổ vật của người dân địa phương, tác giả tin chắc đó là vị trí cắm Ông Thẻ thứ tư của Quản cơ Trần Văn Thành.

Hang Ông Thẻ núi Cấm

05-1633152325.jpg
Di vật “Ông Thẻ” trên núi Cấm.

Năm 1927, một nhà khoa học địa chất tên là Lưu Văn Lang (Bác Vật Lang) quê quán ở Sa Đéc tổ chức thám hiểm địa chất núi Cấm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Tại đây, Bác vật Lang đã phát hiện ra một hang đá có cắm một “Ông Thẻ”. Hiện nay, nơi đây được người dân gọi là “Hang Ông Thẻ”. Bên cạnh “Hang Ông Thẻ” có một hang đá sâu bí ẩn. Khi phát hiện ra hang đá này, Bác Vật Lang đã rời đoàn thám hiểm, một mình xuống hang suốt 3 ngày đêm. Khi rời khỏi miệng hang, ông không hé răng một lời về những gì đã chứng kiến dưới lòng hang cho đến khi qua đời. Sau năm 1975, một số người tò mò cũng tự tổ chức thám hiểm lòng hang đã phát hiện một vài mẫu cổ vật.

Dù bí ẩn lòng hang chưa được khai phá nhưng Bác Vật Lang đã phát hiện nếu chiếu theo phương thẳng đứng thì tọa độ hang Ông Thẻ Núi Cấm có khoảng cách bằng nhau với 4 ngôi Dinh thờ Ông Thẻ. Điều đó có nghĩa là Hang Ông Thẻ Núi Cấm là vị trí trung tâm của 4 Ông Thẻ.

07-1633152597.jpg
Trong  lòng “Hang Ông Thẻ” Núi Cấm.

Trận đồ Ngũ Long Trấn Phục

Theo các tài liệu của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương thì Quản cơ Trần Văn Thành có truyền lại cho con cháu một tấm “họa trận mật đồ” được gọi là “địa huyệt Ngũ long Trấn phục” gồm 5 yếu huyệt. Yếu huyệt trung tâm được gọi là Trung ương Huỳnh Đế. 4 yếu huyệt khác có tên gọi là: Đông phương Thanh Đế, Bắc phương Hắc Đế, Tây phương Bạch đế, Nam phương Xích Đế.

Tấm “họa trận mật đồ” này do Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên phác họa rồi giao cho đồ đệ là Quản cơ Trần Văn Thành dùng gỗ lào táo đi cắm ở 5 vị trí yếu huyệt. Yếu huyệt Trung ương Huỳnh Đế được cắm ở núi Cấm (nay là hang Ông Thẻ). Đông phương Thanh Đế được cắm ở Cần Đăng (này là Dinh Quan Thẻ Số Một). Bắc phương Hắc Đề cắm ở Vĩnh Thạnh Trung. Tây phương Bạch Đế cắm ở Bài Bài (Nay là chùa Bài Bài), Nam phương Xích Đế cắm ở Vĩnh Điều.

10-1633152694.jpg
Trong  lòng “Hang Ông Thẻ” Núi Cấm.

Với những người tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo thì các vị trí của họa trận mật đồ đó mang ý nghĩa thánh địa. Tuy nhiên căn cứ vào các sử liệu thì họa trận mật đồ đó chỉ là sự đánh dấu lãnh địa kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Trần Văn Thành.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Giải mã di tích 5 "Ông Thẻ" ở An Giang (Kỳ II)" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.