Gia Lai: Xây dựng nông thôn mới, cải thiện cuộc sống người dân

28/05/2024 07:54

Theo dõi trên

Diện mạo nông thôn của tỉnh Gia Lai đã có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, đã tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất; hệ thống giao thông nông thôn mở rộng giúp cải thiện thông thương giữa xã với xã, giữa xã với huyện; việc phát triển sản xuất luôn được quan tâm, đẩy mạnh bằng những mô hình, dự án liên kết nhằm tăng thu nhập cho người dân; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao...

images3179056-1ng-i-d-n-kbang-tham-gia-l-m-ng-giao-th-ng-n-ng-th-n-2-1716780153-1716857611.jpg
Người dân huyện Kbang tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy

Sau 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể: năm 2022, có 91/182 xã đạt chuẩn NTM.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, từ đó tỉnh Gia Lai đã cụ thể hóa Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh, với 19 tiêu chí và 57 chỉ tiêu. Các tiêu chí được quy định mức đạt chuẩn cao hơn, có chiều sâu hơn, tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có một số chỉ tiêu cao, khó thực hiện trên địa bàn tỉnh như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 17,32%; tỷ lệ nghèo đa chiều khu vực nông thôn toàn tỉnh là 22,34%; toàn tỉnh có 121 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.235/1.314 thôn, làng đạt tiêu chuẩn Văn hóa theo quy định, đạt 94%; cảnh quan và môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp; tình trạng tảo hôn giảm dần qua các năm. 

Đồng thời, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh Nguyễn Công Sơn, ngoài việc nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục duy trì, giữ vững 4 xã đã được công nhận nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020, huyện Chư Păh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện huy động, lồng ghép các nguồn lực và xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể cho các tiêu chí vẫn còn đạt thấp và tiêu chí bị tụt so với bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí theo chỉ tiêu Nghị quyết của huyện đề ra trong năm 2024.  Đồng thời, huy động toàn bộ nguồn lực hoàn thành các tiêu chí đề nghị xã Ia Mơ Nông vượt khó, hoàn thiện các tiêu chí như quy hoạch, môi trường nhằm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. 

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Vũ Ngọc An nhấn mạnh, cần đẩy mạnh quyết tâm của cả hệ thống chính trị tại các địa phương, nhất là tại các huyện, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Các sở, ban, ngành nâng cao vai trò hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí ngành phụ trách, đảm bảo không vướng mắc về công tác chuyên môn, phát huy vai trò của Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện. Các địa phương rà soát thực trạng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, cụ thể từng nội dung, tiêu chí chưa đạt và đề ra giải pháp cụ thể, chi tiết để tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; huy động bố trí các nguồn lực để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả và mục tiêu, kế hoạch đề ra; kêu gọi thu hút đầu tư các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông lâm sản tại các địa phương; 

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Vũ Ngọc An cho rằng, cần tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; lồng ghép các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tăng thu nhập cho người dân. Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn, các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới phối hợp với địa phương có thể đánh giá một năm 2 lần. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương, để cuối năm đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình, kết quả thực hiện các Bộ tiêu chí nông thôn mới.

Song Anh
Bạn đang đọc bài viết "Gia Lai: Xây dựng nông thôn mới, cải thiện cuộc sống người dân" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.