Garage Tự Lực: Cơ sở cách mạng nằm trong hệ thống các “căn cứ bảo đảm” của Biệt động Sài Gòn

26/01/2023 09:59

Theo dõi trên

Đó là nhận định của PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Thư ký Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, khi nói về Garage Tự Lực tại địa chỉ 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10. Nhiều ý kiến của các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học cũng khẳng định giá trị lịch sử của cơ sở cách mạng này trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

24-01-2023-garage-tu-luc-co-so-cach-mang-nam-trong-he-thong-cac-can-cu-bao-dam-cua-biet-dong-sai-gon-4082bfc4-details-1674701796.jpg
Hai hiện vật của những năm 1968 là chiếc ôtô chở vũ khí, chất nổ và các chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập và ôtô chở các lãnh đạo từ Củ Chi ra vào Sài Gòn để làm nhiệm vụ là các hiện vật đang trưng bày tại 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10

Những sử liệu trung thực về một di tích dân tộc

Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn tại nhà số 499/20 đường Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10 là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú của cách mạng, do ông Dương Văn Đức (tự Hai Diện, sinh 1928), là chủ nhà trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, nơi đây cũng là cơ sở sửa chữa ô tô có tên Garage Tự Lực, được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng, lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung.

Ông Dương Văn Đức đã khôn khéo, mưu trí, thiết kế thùng xe 2 đáy để chứa vũ khí, tài liệu qua mắt địch, sử dụng các phương tiện như xe máy 2 bánh phục vụ công tác bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho lực lượng biệt động Thành. Chính nơi đây, ông Đức thường xuyên giữ 2 chiếc xe ô tô (mang biển hiệu NCE-345 và EC-6045) là phương tiện phục vụ vận chuyển người và vũ khí của cơ sở cán bộ biệt động A30 Trần Văn Lai, cơ sở phục vụ cho mục tiêu Dinh Độc Lập. Ông Đức đã bảo trì, bảo dưỡng, thiết kế xe phù hợp để đi lại công khai giữa nội đô Sài Gòn và ra vào khu giải phóng đưa đón cán bộ lãnh đạo và chiến sĩ biệt động.

Chính 2 chiếc xe này với ông Trần Văn Lai, đơn vị biệt động Đội 5 đã trở thành nhân chứng lịch sử, trở thành cá nhân và tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và cũng chính nhờ ông Đức, nhờ Garage Tự Lực mà 2 chiếc xe lịch sử trên đã được tìm lại để mãi mãi “sống cùng” lịch sử oai hùng của Biệt động Sài Gòn, như một nhân chứng sống động của sự kiện lịch sử vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

“Giá trị lịch sử của di tích và chủ cơ sở là ông Dương Văn Đức - Hai Diện được “xác nhận” bởi các nhân vật lịch sử, đã được Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý như Anh hùng lực lượng võ trang… những bản xác nhận này thực sự là sử liệu chính xác, trung thực về một di tích dân tộc”, PGS.TS Phan Xuân Biên cho biết.

Đánh giá về giá trị di tích, PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM cũng cho rằng, nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám là một cơ sở cách mạng có đặc trưng là một Garage Biệt động Sài Gòn với 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, garage được thiết kế để thực hiện chức năng sửa chữa xe ô tô, đồng thời kết hợp thiết kế theo yêu cầu nhiệm vụ một cơ sở biệt động thành (có hầm bí mật để chứa ém vũ khí, tài liệu, che giấu cán bộ ra vào nội thành...). Thứ hai, garage được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giao nhiệm vụ là cơ sở sửa chữa ô tô cho biệt động. Thứ ba, garage vừa sửa chữa xe ô tô, vừa là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú của cách mạng, do ông Dương Văn Đức, là chủ nhà trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ.

anh-5-5-1674701842.jfif
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại garage Tự Lực (499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám)

Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử

Là đơn vị được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích theo quy định, Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM cho biết, từ tháng 11 đến ngày 8/12/2022, Trung tâm đã phối hợp với gia đình gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi để ghi nhận thông tin, lời kể của các nhân chứng lịch sử. Các cô, chú, nhân chứng lịch sử là cư dân sinh sống lâu đời ở địa phương, có người đã sống và làm việc tại cơ sở này trong một khoảng thời gian…

Các nhân chứng như ông Trần Văn Chinh (huyện Củ Chi); ông Nguyễn Văn Chính (huyện Hóc Môn); ông Lê Văn Thương (Gò Vấp); ông Phạm Văn Được (Bình Chánh) và ông Châu Văn Nữa (Quận 10) đã có một khoảng thời gian sống và học nghề tại cơ sở này. Các nhân chứng cho biết: Nhà số 499/20 đường Lê Văn Duyệt nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, trước đây là cơ sở sửa xe ô tô của ông Dương Văn Đức và các nhân chứng đến đây học nghề. Tại đây, các nhân chứng thấy ông Dương Văn Đức cung cấp lương thực, thực phẩm cho Chùa Khánh Hưng, Chùa Định Thành và những người nghèo. Bản thân các nhân chứng có tham gia sửa xe, và làm xe hai đáy. Tại căn nhà này có căn gác áp mái bí mật để các anh em thợ làm xe ngủ hoặc là nơi ẩn nấp của những người thợ “trốn quân dịch”. Về vị trí căn nhà hiện nay trước đây là văn phòng làm việc và là nơi sửa xe.

anh-1-1-1674701877.jfif
Các nhân chứng lịch sử và khách mời gặp gỡ và nhắc nhớ những ký ức về garage Tự Lực, hay còn gọi là “Garage Biệt động Sài Gòn”

Những đồng đội, đồng chí là chiến sĩ cách mạng của lực lượng biệt động như bà Đặng Thị Thiệp (phường Tân Định, Quận 1); bà Vũ Minh Nghĩa (Phường 6, Gò Vấp); ông Phan Văn Hôn (xã Trung Lập Thượng, Củ Chi) cho biết: Bản thân có đến cơ sở sửa xe của ông Dương Văn Đức và thấy ông Đức gặp gỡ, trao đổi với một số cán bộ cách mạng như ông Nguyễn Thanh Xuân (còn gọi là Bảy Bê), ông Đỗ Tấn Phong, ông Trần Hải Phụng, ông Nguyễn Văn Tăng, ông Nguyễn Ngọc Lộc, ông Nguyễn Văn Trí hoặc cho biết hai chiếc xe chở cán bộ, chiến sĩ Đội 5 đánh Dinh Độc Lập là xe của ông Trần Văn Lai. Tuy nhiên, các nhân chứng cũng nói thêm, lúc này chưa biết đây là cơ sở của cách mạng. Sau khi cơ sở sửa xe của ông Dương Văn Đức được phục dựng lại, qua thông tin từ gia đình thì mới biết cơ sở sửa xe của ông Dương Văn Đức trước đây là cơ sở của cách mạng, đây là cơ sở cách mạng thầm lặng, dùng để sửa xe, nơi liên lạc của lực lượng Biệt động…

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, qua nghiên cứu tài liệu sưu tầm, tiếp xúc và ghi nhận lời kể của các nhân chứng lịch sử, đã cho thấy nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, là một trong những cơ sở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trung tâm đang tiếp tục liên hệ với Bảo tàng TPHCM, Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II để sưu tầm các tài liệu có liên quan đến địa điểm này.

Đồng chí Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 10 cho biết, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan từ phía gia đình và vai trò quản lý của địa phương, địa điểm 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, chưa được ghi nhận và đề xuất xếp hạng di tích lịch sử. Với những thông tin quý báu cung cấp từ gia đình và sự nỗ lực của các ngành từ Thành phố đến địa phương, hy vọng địa điểm này sẽ sớm được xếp hạng và được bảo tồn phát huy đúng với giá trị lịch sử - văn hóa.

anh-4-4-1674701931.jpg
Một góc “Garage Biệt động Sài Gòn” trong quá trình phục dựng nguyên trạng di tích

Theo lãnh đạo địa phương, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền Quận 10 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, nhằm góp phần giữ gìn giá trị di sản truyền thống của cha ông và góp phần phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

“Quận ủy, UBND Quận 10 và cả hệ thống chính trị đều đồng tình, ủng hộ và thống nhất quan điểm về việc xem xét, công nhận, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám và đề xuất Thành phố giải quyết theo quy định. Chính quyền địa phương ghi nhận sự nỗ lực của gia đình và các tổ chức, cá nhân hữu quan đang cố gắng hết sức sưu tầm tài liệu, hồ sơ khoa học và từng bước khôi phục, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cơ sở Garage xe Biệt Động Sài Gòn. Hy vọng cơ sở cách mạng sẽ sớm được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa và được đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị, hình thành các cụm di tích của Quận 10 nói chung và cụm di tích Thành phố nói riêng, đặc biệt là sẽ trở thành một điểm quan trọng trong Cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa của Biệt động Sài Gòn, góp phần chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”, đồng chí Bùi Thế Hải nhấn mạnh.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Garage Tự Lực: Cơ sở cách mạng nằm trong hệ thống các “căn cứ bảo đảm” của Biệt động Sài Gòn" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.