Cách thể hiện của fan Mỹ Tâm.
Fan Việt.
Trải qua nhiều sự cố, các fan hiện tại đã biết cách thể hiện tình cảm của chính mình, chịu khó kiểm soát cảm xúc, hoàn thiện các tư duy văn minh như những bạn bè quốc tế. Có những bức ảnh chụp từ các sự kiện đình đám nếu không nói ra, chúng ta không nghĩ nó được chụp ở Việt Nam. Nói để thấy được rằng, thế hệ trẻ đã biết tiếp thu những nền văn minh nhân loại, kế thừa các giá trị truyền thống để nuôi dưỡng tình cảm một cách đầy chuẩn mực.
Không chỉ biết “yêu thương bất chấp những người xung quanh”, các fan trẻ hiện nay khá chín chắn và khách quan trong mọi hành động của mình. Họ sẵn sàng chấp nhận cái sai của thần tượng, điều không dễ dàng chấp nhận trước đó, thể hiện lối sống văn mình, “biết điều” và không ngang ngược.
Điều đó được thể hiện qua sự việc của Mỹ Tâm. Khi vướng “lùm xùm” về tác quyền bài hát “Anh thì không”, Mỹ Tâm điêu đứng khiến các fan cũng lo âu. Trên khắp các trang mạng và diễn đàn, họ bỏ qua câu chuyện tác quyền và kêu gọi dư luận thôi chỉ trích Mỹ Tâm. Hành động cho thấy các fan đã biết việc làm của thần tượng là không đúng, chấp nhận sự dèm pha của dư luận nhưng cũng đừng vùi dập quá đáng bởi con người ai cũng có sai và cần sửa sai để làm lại chính mình. Các fan lan truyền câu nói “chị Tâm đã nhận sai và xóa bỏ đi tác phẩm gây tranh cãi, mọi người cũng đừng quá khắt khe với một người nghệ sĩ thực tài”.
Từng hành động, câu chữ, cách viết… thể hiện sự nhất quán trong tư duy và hành động, sai thì phải nhận nhưng cũng không vì thể bỏ rơi thần tượng của mình bơ vơ. Thay vì chấp nhận u buồn, hứng chịu búa rìu dư luận, các fan lan truyền thông điệp tha thứ và tiếp tục ủng hộ Mỹ Tâm. Họ dẫn chứng ra những bài báo, tác phẩm, việc làm… cho thấy Mỹ Tâm có tài và tâm với nghề, rằng chuyện đó chỉ là một sự cố đáng tiếc.
Những lời động viên của các Fan dành cho nghệ sĩ hài Việt Hương.
Một fan của Việt Hương chia sẻ đồng cảm.
Việc làm của các fan Mỹ Tâm thể hiện thái độ bênh vực thần tượng của mình vô điều kiện nhưng rất văn hóa và “chấp nhận được”. Fan thương thần tượng nhưng “thương cho roi cho vọt”, không phải thương là nâng niu mà thương là phải phải chấp nhận cả sự đau thương. Điều đó giống cách giáo dục mà ông bà xưa đã dạy, không được chiều con nhỏ, sai thì phải phạt để con thấy sai lầm của mình mà khắc phục. Đó cũng là một phép văn hóa để thành người. Và rõ ràng, các bạn fan của Mỹ Tâm đã thể hiện được tinh thần ấy trong tình yêu của mình dành cho thần tượng.
Còn đối với các fan, được yêu thương, được khóc cười, được san sẻ… là lẽ sống của họ. Đối với mỗi người, lẽ sống được bắt nguồn từ nhiều điều khác nhau, có thể đó là tình yêu, tình bạn, gia đình, sự nghiệp… Mỗi người đều có quyền sống vì lẽ sống và coi đó là mục tiêu của cả đời, không lẽ sống nào là đáng lên án nếu như nó phù hợp với tình và lý.
Khi thấy một ai đó bật khóc hay nở nụ cười với thần tượng của họ thì cũng là lúc, lẽ sống trong họ đã quá mãnh liệt rồi đấy. Việc đó cho thấy họ tự coi mình là một phần tế bào sống tồn tại trong con người của thần tượng nên khi thấy người ấy buồn, suy sụp tự động họ cũng có cảm giác như thế. Đó chính là điều mà các fan của Việt Hương vừa trải qua khi chị vô tình mắc phải sự cố tại Mỹ cách đây không lâu.
Họ đồng loạt chia sẻ bài báo bênh vực thần tượng mình. Họ đồng loạt thay hình đại diện trên trang cá nhân, lấy những cái tên “na ná” thần tượng mình (Con Má Hương, Hương Thùy, Quỳnh Hương Tuyết…) như cách tiếp thêm cho Việt Hương sức mạnh trong lúc khủng hoảng.
Đó là một việc làm dễ hiểu và chấp nhận cho tình cảm ấy, không chửi bới, không tục tĩu, không la ó… rất nhẹ nhàng và xúc tích. Trong từng dòng chia sẻ hay bình luận về bài viết, các fan chỉ dùng các câu như “thương chị nhất, dù gì chị vẫn là thần tượng trong lòng em” hay “Ai nói sao thì nói chỉ có chúng tôi hiểu chị là được. Chúng tôi vẫn yêu chị như trước đó vẫn làm”…
Thay vì lên mạng chửi bới Hương Lan, ném đá những phóng viên, bài viết lên án Việt Hương… họ âm thầm lặng lẽ dõi theo những bài viết tích cực về thần tượng của mình. Họ chia sẻ nó trên trang cá nhân bằng những câu chữ do chính mình soạn ra, vốn là những lời nói từ đáy lòng mà họ đang chất chứa. Việt Hương đang ở Mỹ, họ không gặp được chị nên chỉ biết dùng ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc ấy. Đáng mừng thay, từng chữ họ viết ra bằng cảm xúc khá lịch sự, thắm đượm tình cảm và vô cùng văn minh. Không quá đanh thép nhưng cũng không nhẹ nhàng, không quá ngắn gọn nhưng cũng không rườm rà. Vừa có tình vừa có lý để thấy được rằng Việt Hương đáng thương hơn đáng trách.
Đừng lên án khi họ khóc, đừng giễu cợt khi họ cười với thần tượng mình… nếu không, bạn sẽ bị cho là vô duyên. Bởi không ai được quyền chỉ trích hay dèm pha một hành động yêu thương đúng mực nào cả. Chê cười việc làm của họ đối với thần tượng cũng giống như việc bạn đang tự nói mình không theo kịp thời đại. Tình cảm nào cũng đáng trân trọng nếu như nó nằm trong giới hạn cho phép, và tình cảm của fan dành cho thần tượng cũng không ngoại lệ.
Đừng mãi ca ngợi fan Hàn, fan Mỹ mà vùi dập fan Việt. Fan nào cũng là fan, cũng là những con người sống có khối óc và trái tim nhiệt thành. Cách thể hiện tình yêu của fan ở mỗi quốc gia là khác nhau, nó tùy thuộc vào văn hóa vùng miền và nhiều yếu tố khác nữa. Vậy nên đừng thắc mắc sao fan nước người ta như thế mà fan mình lại như này… rất khấp khiễng và thiếu khách quan. Họ yêu thương và truyền tải thông điệp yêu thương một cách “rất Việt Nam” chân thành, mãnh liệt, da diết nhưng cũng không kém phần văn minh.