Đường tới Bờ Rạ, cuốn mở đầu của tủ sách Đường mòn lịch sử

04/09/2021 13:14

Theo dõi trên
duong-toi-bo-la-1625184949-1630735933.jpg

Đường tới Bờ Rạ (Sur le chemin de Bờ Rạ) là cuốn sách của một người Anh (tiến sĩ Andrew Hardy), từ nhiều năm nay là đại diện tại Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (L’Ecole francaise d’ Extrême-Orient). Đây cũng là cuốn mở đầu của tủ sách Đường mòn lịch sử (Collection Pistes d’histoire) do Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội (Centre de L’EFEO à Hà Nội) thực hiện.

Đường tới Bờ Rạ thực ra là một tiểu luận được viết bằng tiếng Anh với nhan đề The Road to Bờ Rạ mà tác giả đã cho đăng lần đầu trên Journal of Southeast Asian Studies tháng 9 năm 2000. Bản dịch tiếng Việt ở đây do bà Nguyễn Thị Thu Trang, một học giả Pháp gốc Việt thực hiện, còn bản dịch tiếng Pháp là của chính tác giả. Chỉ với khoảng 200 trang (khổ 14,5 x 20,5 cm) in song ngữ Việt - Pháp, gồm cả hình ảnh, phụ lục, bản đồ,…, song, đó là 200 trang sách rất đáng đọc, vì ở đây chúng ta được làm quen, hay đúng hơn là đối thoại với một thử nghiệm tiếp cận lịch sử Việt Nam theo khuynh hướng “của thế hệ Andrew Hardy”, nhằm “khám phá ra những dự định, những hy vọng của những người đàn ông và phụ nữ, những người đã ấp ủ chúng thành hình và đã để lại vết tích ở những nơi đó”, như cách nói quá chính xác của Franciscus Verellen - Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ, trong Lời giới thiệu cuốn sách.

Như thế, mặc nhiên chúng ta hiểu, cuộc đi tìm Bờ Rạ của A. Hardy và của chính chúng ta - những người đọc, là đi tìm những “vết tích” còn để lại của một “Bờ Rạ” hư hư, thực thực trong quá khứ. Nhưng “Bờ Rạ” là gì? Đó là tên gọi một vùng đất đã chìm nghỉm dưới đáy hồ Núi Cốc cách nay hơn 3 thập kỷ. Những gì có thể biết được về cái mảnh nhỏ đã chìm khuất (trong lòng hồ và trong quá khứ) ấy của trung du Bắc Việt chỉ là những mẩu tư liệu ít ỏi, gián tiếp và hình ảnh khúc xạ mơ hồ từ lời kể của những con người mà chính bản thân họ sự hiểu biết về “Bờ Rạ” cũng quá đỗi mong manh.

duong-toi-bo-la1-1625184949-1630735918.jpg
A. Hardy và tác giả bài viết tại Quảng Ngãi (2006)

Bờ Rạ, nghe thật gần với những Bờ dâu, Bờ đất, Bờ đậu,… nghĩa là rất rơm rạ, nhà quê, ai hay lại là cái địa danh có gốc từ tên cúng cơm của một ông Tây thực dân, gã Henri de Mongpezat, người đã (hoặc đã có ý đồ) chiếm hữu vùng đất này. Theo tài liệu của người Pháp mà nhà nghiên cứu Đào Hùng dẫn lại trong bài viết được in ở phần phụ lục của cuốn sách, H. De Mongpezat đến Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, qua đời năm 1929 và được an táng tại một nghĩa trang ở Hà Nội. Ông ta, và sau này là 2 người con trai (cũng sinh sống tại Hà Nội), sở hữu nhiều xưởng công nghiệp và đặc biệt chiếm hữu khoảng 40.000 ha đất đồn điền, nằm rải rác ở nhiều tỉnh Bắc kỳ, trong đó có Thái Nguyên, nơi xuất hiện địa danh Bờ Rạ. Đào Hùng giải thích khá chính xác nguyên nhân và cách thức xuất hiện địa danh Bờ Rạ, như sau: “Một cái tên Tây dài như vậy rất khó cho người Việt Nam ghi nhớ, vì vậy theo thói quen, người ta thường Việt hóa bằng cách lấy có mấy âm cuối. De Mongpezat chuyển thành Pezat là giản tiện nhất. Nhưng người Việt không phát âm được chữ “p”, nên phải chuyển thành “b”. Như vậy Pezat biến âm thành Bờ Rạ là hợp lý”.  Có cách giải thích khác của một người địa phương tên là Ba về địa danh Bờ Rạ mà có vẻ Andrew Hardy và những người khác chưa thật sự chú ý, rằng: “Nó không bắt nguồn từ tên một người Pháp, cũng không phải là tiếng Sán Dìu”, và rằng “thực tế nó là một từ tiếng Việt, “Bờ” nghĩa là “bờ ruộng”. “Rạ” là “lúa rạ”. Andrew đã nghi ngờ cách giải thích của ông Ba và nghi ngờ đó là có cơ sở. Bờ ruộng, bờ đất, bờ ao,… nhưng bờ rạ thì thậm vô lý, nếu “rạ” được hiểu là “lúa rạ”! Tuy vậy, ở đây lại có điều nhắc chúng ta lý do tồn tại lâu dài trong ký ức người dân về hai từ Bờ Rạ: Nó tồn tại như vậy vì dù bắt nguồn từ tên một ông Tây, nhưng khi được Việt hóa lại có âm hưởng rất nhà quê, rất rơm rạ, ruộng đồng.

Nhưng điều mà chúng ta quan tâm, hay nói chính xác hơn, nhan đề cuốn sách của A. Hardy gợi lên cho chúng ta một câu hỏi theo logic thông thường là: Người viết cuốn sách đã đến Bờ Rạ chưa? Đã tìm được cái gì ở đó? Thì đây, chính tác giả đã trả lời: “… Bờ Rạ là một địa danh trống rỗng trong số những địa danh khác được đặt cho một địa điểm không có ý nghĩa trong lịch sử”. Và rằng “Cái tên Bờ Rạ giờ đây chỉ còn là một tiếng vọng, một tiếng vọng rất thích hợp với nơi không còn tồn tại nữa, ngoại trừ những từ bị đánh vần sai trên bản đồ, những băn khoăn hiện ra từ ký ức, và những gợn sóng trên mặt hồ dưới bóng dãy núi Tam Đảo.”  Vậy thì Bờ Rạ là có hay là không? Trước khi trả lời cho lục vấn nầy, thử đọc Lời Bạt (in ở cuối sách, dĩ nhiên) của một người đọc. Ngỡ như mơ hồ, phiếm chỉ, nhưng A.Hardy đã (vô tình hay cố ý?) để lộ tên người ấy là Đặng Phong, trong Lời cám ơn in ở đầu sách.

“Người đọc” Đặng Phong viết:

“Đọc xong tập sách, cảm giác tức thì của tôi là: Thất vọng!

Tác giả đặt cho nó cái tên hấp dẫn: Đi tìm…

Và cái định tìm cũng có cái tên hấp dẫn: Bờ Rạ!

Là người đọc tôi cũng theo tác giả để… đi tìm Bờ Rạ.

Nhưng đi đến cùng trời cuối đất cũng chẳng thấy gì! Chỉ thấy một mặt nước hồ mênh mông. Còn cái định tìm thì đã vang bóng ở dưới đáy nước!

…Sau thất vọng, là một cảm giác hụt hẩng, pha chút nuối tiếc,…

Tôi gấp sách lại, đi làm việc khác, để tránh cái hụt hẩng khó chịu đó.

Nhưng không được. Càng cố tránh, nó lại càng ngoan cố trở về!

Từng lúc, từng lúc, cứ tái hiện trong đàu tôi, như một cuốn phim phóng sự, không phải về cái nơi định đi tìm, mà về cái chặng đường tác giả đi tìm. Đó quả là một con đường mòn quanh co, đúng như tên của tủ sách nầy: Đường mòn lịch sử. Cái thú vị cùng với sức ám ảnh của nó lại chính là chỗ đó…”

Thực ra, nguyên văn tiếng Việt ở cuối câu thứ hai đoạn trích trên đây với 2 chữ “Đi tìm” và 3 dấu chấm (…), khi chuyển dịch sang tiếng Pháp bằng cụm từ có vẻ đầy đủ “Sur le chemin de Bờ Rạ”, chỉ là bất khả kháng và không mang hết ý tưởng của người viết tiếng Việt. Song le, sự quan chú của chúng ta là ở chỗ: Sau những lời như trên, liệu chúng ta, những người đọc, có còn chờ đợi câu trả lời cho sự có hoặc không của Bờ Rạ? Chờ đợi làm gì khi cái mà chúng ta mong ngóng lại như là ảo ảnh, chỉ còn vang bóng ở dưới đáy hồ!

Đến đây thì con bài tẩy vốn giấu kín trong ván bài poker đã bị /được lật ngửa: Cái đi tìm đích thực, không phải là nơi định đi tìm mà là cuộc hành trình đi tìm, và theo đó, là cách thế đi tìm. Nhưng cũng thật oái oăm, cuộc hành trình đi tìm và cách thế đi tìm chỉ có thể được tiếp cận một cách lý thú khi người đọc cầm cuốn sách của Andrew Hardy trên tay. Và đọc!...

Đọc cuốn ĐƯỜNG TỚI BỜ RẠ (Sur le chemin de Bờ Rạ) của Andrew Hardy; Song ngữ Việt - Pháp; Nhà xuất bàn Tri Thức - HN 2008. Những từ trong ngoặc kép đều trích từ cuốn sách này.

GS Đặng Phong, sử gia kinh tế học, người viết Lời bạt cho cuốn sách Đường tới Bờ Rạ (và chúng tôi cũng may mắn, qua A. Hardy, được diện kiến và nghe lời chỉ giáo) đã về cõi khác. Xin gởi theo đây một nén tâm hương cầu xin siêu độ cho con người thầm lặng và tận lực vì lý tưởng của một trí thức, vì chân lý và vì Tổ quốc.

Lê Hồng Khánh
Bạn đang đọc bài viết "Đường tới Bờ Rạ, cuốn mở đầu của tủ sách Đường mòn lịch sử" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.