Đức Phật, Nữ chúa, Điệp viên và những biểu tượng đối lập

14/08/2022 20:02

Theo dõi trên

Một cuộc “lang thang” của tác giả với những biểu tượng đối lập như đẳng cấp sang và hèn, chân tu và thế tục. Đó là những gì có thể nhận thấy khi tiếp cận tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và Điệp viên của Hồ Anh Thái.

duc-phat-nu-chua-va-diep-vien-2-2022-07-13-16-41-34-1660471017.jpg
Đức Phật, Nữ chúa và Điệp viên là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái

Mỗi lần ra sách, nhất là tiểu thuyết, Hồ Anh Thái luôn gây chú ý. Đôi khi còn tạo cảm giác bối rối, chẳng hạn trong Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên, nhà văn hoài nghi về khả năng khai sáng của vĩ nhân đối với nhân loại. Tiểu thuyết mới nhất của nhà văn lão làng này cũng đang được đón nhận. Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu năm 2022.

So với nhiều tiểu thuyết trong những năm qua của Hồ Anh Thái thì Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên có dung lượng khiêm tốn hơn, chỉ hơn 200 trang sách. Mạch truyện dễ nắm bắt. Ba nhân vật chính đã được nhắc đến ngay ở nhan đề sách đó là Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên Govinda dưới lốt nhà sư.

Ba con người với vị thế đẳng cấp khác nhau và số phận vì thế mà có những nỗi éo le riêng. Ngay cả Đức Phật khi đến truyền giáo tại vương quốc Vamsa cũng phải bỏ đi vì những xung đột do sân hận mang đến khiến ngài phải phiền lòng. Govinda, nhà sư - điệp viên vì muốn được ở gần người mình yêu, thầm lặng bảo vệ nàng mà phải làm điệp viên cho vương phi. Éo le nhất là Nữ Chúa Manju, con gái của một gia đình đẳng cấp thấp trong hệ đẳng cấp Bà La Môn. Từ mười sáu tuổi đã phải chịu tủi nhục, hai lần bị tên phó lý hãm hiếp, người chồng bị đám sai nha sát hại ngay trong ngày cưới đến nỗi phải tham gia một băng cướp và trở thành Nữ Chúa. Nhưng rồi nhờ sự cảm hóa của giáo lý nhà Phật, nàng đã từ bỏ hòn đảo giữa sông Hằng để trở thành một Phật tử.

Những sự kiện lịch sử liên quan trên việc truyền giáo của Đức Phật và sự xung đột các pháp hữu với nhau trong sự kiện cái gáo nước ở nhà vệ sinh công cộng của giáo đoàn đã được nhắc lại một cách khéo léo nhưng không khiến người đọc có cảm giác tác giả kể lại lịch sử..

ho-anh-thai-nvtp-1660471133.jpg
Với một giọng văn trẻ trung, Hồ Anh Thái được đánh giá là hiện tượng của văn chương Việt Nam sau 1975. Ông có những đóng góp để tiếng Việt thêm màu sắc, đa nghĩa và khả năng biểu đạt phong phú hơn

Đọc tiểu thuyết của Hồ Anh Thái như “Tranh Van Gogh mua để đốt”, “Dấu về gió xóa”, “Đức Phật, nàng Savitri và tôi"… có thể thấy ông sử dụng các biểu tượng tôn giáo, nghệ thuật đặc biệt là văn hóa Ấn Độ một cách ảo diệu. Còn với tiểu thuyết mới nhất này, ông cũng tỏ ra không kém phần tài tình trước những biểu tượng. Ta có thể thấy nàng Manju từ một người đẳng cấp thấp trở thành “quan tòa” luôn đi thiến những kẻ ác như hành động triệt hạ tận gốc mầm mống của cái ác. Đẳng cấp cũng là một thứ mong manh. Một cô gái nông thôn bên bãi ngô bỗng chốc thành quý phi quyền quý. Chỉ cần bị cắt mất sợi dây thiêng, những kẻ đẳng cấp cao cũng trở nên tầm thường. Gián điệp Govinda khi trong vai nhà sư quả là một cực hình. Chàng ta luôn phải lén lút tìm đến món cá rán ưa thích của mình. Đây như một biểu tượng về sự mong manh giữa chân tu và thế tục. Hai vấn đề nhiều khi khó có được ranh giới rạch ròi.

Câu chuyện về đẳng cấp, cao sang và thấp hèn, tu hành và thế tục, thiện và ác được Hồ Anh Thái lấy bối cảnh từ 2.500 năm về trước vẫn mang màu sắc đương đại. Nhất là khi những vấn đề này được đan cài trong một tiểu thuyết với những câu văn sắc gọn. Câu văn, đoạn văn nhiều khi bị băm nhỏ ra nhưng vẫn nhuần nhuyễn tài tình như bàn tay người đầu bếp ở những dãy quán cá bên sông Hằng vậy.

Trung Bình
Bạn đang đọc bài viết "Đức Phật, Nữ chúa, Điệp viên và những biểu tượng đối lập" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.