Đồng Tháp: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá luôn được chú trọng

12/10/2024 22:58

Theo dõi trên

Sở VHTTDL Đồng Tháp vừa có báo cáo công tác VHTTDL 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá luôn được chú trọng quan tâm bảo tồn một cách bền vững và hiệu quả.

khu-di-tich-go-thap0-1728748681.jpg
Khu di tích Gò Tháp - Ảnh: thamhiemmekong.com

Theo đó, Sở tiếp tục chủ động tham mưu triển khai đầu tư xây dựng, quy hoạch, tu bổ nâng cấp các công trình văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là các di tích được xếp hạng: Công trình Bia tưởng niệm rạch Cái Dứa; tu bổ di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ, mộ và tượng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều; Nhà trưng bày Xứ ủy Nam bộ và Văn hóa Óc Eo; dự án Bảo tàng Đồng Tháp Mười, lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp; công trình Biểu tượng – Bia lưu niệm tại Khu di tích Xẻo Quít (bước 2). Xây 6 dựng đề cương trưng bày khu tượng đài tưởng niệm sự kiện Tập kết năm 1954, chi bộ An Nam cộng sản Đảng.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có số lượng di sản như sau: Di sản văn hoá vật thể: có 106 di tích trong đó, có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 88 di tích cấp Tỉnh. Di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT): có 29 di sản văn hoá phi vật thể. Trong đó, có 01 di sản là Nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là DSVHPVT đại điện của nhân loại, đưa vào Danh mục Di sản văn hoá Thế giới; 06 DSVHPVT được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia: Nghề dệt chiếu thủ công truyền thống Định An; Nghề dệt choàng xã Long Khánh; Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu; Hò Đồng Tháp và Nghề làm bột gạo Sa Đéc. Cũng trong đầu năm nay, tổ chức 02 Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nem Lai Vung”, “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”.

Công tác tổ chức lễ hội được thực hiện chu đáo và trang trọng, đúng thuần phong mỹ tục, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, quảng bá hình ảnh và con người Đồng Tháp, qua đó, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đến nay, đã tổ chức Lễ giỗ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng lần thứ 189 và Lễ hội Vía Bà Chúa xứ năm 2024 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (đón tiếp khoảng 350.000 lượt khách tham dự). Tổ chức 03 lớp tập huấn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội; quản lý và tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, nghi lễ dân gian truyền thống và nghiệp vụ nhận diện di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Bích Thuỷ - Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Đồng Tháp: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá luôn được chú trọng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.