Đồng chí Hoàng Văn Thụ có tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1909, trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Người ở làng thường gọi ông là Hoàng Hảo Do[1], khi đi học trường làng mới có tên là Hoàng Văn Thụ; đến khi tham gia cách mạng, đồng chí mang thêm nhiều bí danh như Lôi Minh Hạ, Giáo, Vân… Thân phụ của đồng chí là cụ Hoàng Khải Lan (1844 - 1961) – nổi tiếng là người hay chữ ở châu Văn Uyên, đức tính thẳng thắn, cương trực và thân mẫu là bà Hà Thị Mùi (1879 - 1957) – người phụ nữ giàu lòng nhân ái, chú trọng việc dạy dỗ con cái.
Từ nhỏ đồng chí đã được cha dạy học chữ Nho và chữ Quốc ngữ; vốn thông minh và nhanh nhạy, cụ Hoàng Khải Lan đã xin cho con vào học trường làng tại đình làng Đon Đình Biên. Trong những năm tháng học tại đây, Hoàng Văn Thụ được giảng dạy về lịch sử, bài học thực tiễn về tình cảm của người dân quê hương, cảnh đồng bào và cả dân tộc đang rên xiết dưới sự thống trị của thực dân, đế quốc, phong kiến… từ đó nung nấu ý chí tham gia cách mạng, giải phóng nước nhà. Tháng 8 năm 1923, học xong lớp sơ đẳng ở trường làng, đồng chí tiếp tục được gia đình cho theo học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn (thị xã Lạng Sơn).
Năm 1924 - 1925, hưởng ứng cuộc vận động cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri cùng một số học sinh ở Trường đã bí mật tiếp nhận, phân phát sách báo và tài liệu của Hội, vận động tổ chức Nhóm học sinh yêu nước rồi tìm cách liên lạc với các cán bộ. Năm 1926, đồng chí tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh; căng biểu ngữ, dán khẩu hiệu, dự các buổi tuyên truyền về thân thế, hoạt động yêu nước của hai cụ.
Mùa hè năm 1927, Hoàng Văn Thụ tốt nghiệp Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn về quê nghỉ hè và nung nấu ý định tìm đường sang miền Nam Trung Quốc hoạt động cách mạng. Tháng 1 năm 1928, trong bộ quần áo dân tộc Tày, Hoàng Văn Thụ cùng bạn thân là đồng chí Lương Văn Tri qua biên giới tới bản Cốc Nam (một bản thuộc Long Châu, Trung Quốc). Cũng tại đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thời gian hoạt động, gây dựng cơ sở ở Long Châu, đồng chí đã gặp gỡ một số đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và được tiếp xúc, nghiên cứu tài liệu, sách báo về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin do Đảng Cộng sản Trung Quốc ấn hành.
Cuối năm 1929, Hoàng Văn Thụ được lãnh đạo Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử ra Nam Ninh liên lạc với cán bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Trong dịp này, cùng các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Tri… Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản, nhà hoạt động cách mạng phấn đấu vì độc lập dân tộc.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; thực hiện nhiệm vụ do Chi bộ Long Châu phân công, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình và hệ thống kiểm soát của chính quyền địch ở khu vực biên giới Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ nhiều lần bí mật về nước hoạt động. Để đảm bảo bí mật, đồng chí được bố trí ở hang Áng Cúm gần làng Lũng Nghịu – một làng bên kia biên giới. Thời gian ở đây, do gần gũi và nắm bắt được nguyện vọng của quần chúng hai bên biên giới, đồng chí đã giác ngộ và tổ chức nhiều nhóm quần chúng tích cực. Sau đó, đồng chí quyết định về tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên gây dựng cơ sở, mở rộng địa bàn ra các vùng xung quanh, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đứng chân hoạt động bí mật, tuyên truyền và tổ chức phong trào cách mạng vùng biên giới.
Tháng 4 năm 1932, từ Lạng Sơn, đồng chí đến tham dự lớp huấn luyện ngắn ngày về mục đích của các mạng tư sản dân quyền cùng những nội dung chủ yếu trong xây dựng Đảng thật sự, chống tư tưởng cơ hội… tại căn nhà ở phố Nam Thành (Trung Quốc) do đồng chí Lê Hồng Phong tổ chức. Căn cứ vào tình hình công tác và cán bộ, khoảng cuối năm 1932 đầu năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong quyết định thành lập Đảng bộ đặc biệt Long Châu[2], cử đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư và đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Phó Bí thư. Đầu năm 1933, đồng chí Hoàng Đình Giong về hoạt động gây dựng phong trào, khôi phục tổ chức Đảng ở Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc; đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử làm Bí thư và nhận nhiệm vụ về Lạng Sơn tuyên truyền vận động thanh niên sang dự các lớp huấn luyện ở Long Châu. Giữa năm 1933, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được thành lập, do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư.
Tại Ma Cao, từ ngày 16 đến 21 tháng 6 năm 1934, Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tổ chức; thực hiện các quyết định của Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng các đồng chí trong Đảng bộ đặc biệt Long Châu đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng, tuyên truyền, vận động cách mạng tại vùng biên giới và phát triển vào nội địa các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Trong hoàn cảnh cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng ở trong nước chưa được thành lập, Đảng bộ đặc biệt Long Châu được xem là một cấp ủy đặc biệt, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách mạng, Đảng bộ đặc biệt Long Châu cho xuất bản báo Tranh đấu, phân công đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Chủ nhiệm.
Tháng 8 năm 1934, tại hang Áng Cúm, thay mặt Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn và phân công đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp phụ trách. Dưới sự chỉ đạo, tổ chức của đồng chí, phong trào cách mạng trong tỉnh ngày càng phát triển, đến cuối năm 1934, Đảng bộ Lạng Sơn đã có 25 đảng viên[3]. Cuối năm 1934, đầu năm 1935, đồng chí nhiều lần từ Long Châu trở lại hoạt động ở các địa phương biên giới Lạng Sơn. Trước sự tiến triển của quần chúng cách mạng, nhằm gây dựng tổ chức và phong trào có trọng điểm, đồng chí Hoàng Văn Thụ quyết định thành lập một tổ chức cơ sở đảng ở châu Văn Uyên làm nòng cốt cho phong trào cả tỉnh Lạng Sơn. Cũng trên địa bàn tỉnh này, đồng chí cùng Ban Cán sự Đảng đã thiết lập một hệ thống trạm liên lạc bí mật ở Tân Yên, Thụy Hùng, Phú Xá… tạo đường giao liên an toàn cho các cán bộ của ta đi lại và hoạt động vùng biên giới.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần I của Đảng từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 1935 tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí được giao nhiệm vụ in tài liệu gửi về nước để tuyên truyền nghị quyết của Đại hội. Đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng một số đồng chí khác đã tổ chức thành lập Nhà in Nam Hưng ngũ sắc thạch ấn, ban ngày in các loại bao hương, giấy quảng cáo; ban đêm in văn kiện Đại hội và tài liệu tuyên truyền của Đảng. Năm 1936, cách mạng Việt Nam lại gặp những khó khăn mới, để khôi phục các cơ sở đảng và tổ chức quần chúng, đồng chí bí mật trở về núi Khau Bay. Nhận thấy vị trí quan trọng của địa bàn Bắc Sơn, đồng chí đã trực tiếp kiểm tra tình hình và phát triển cơ sở đảng tại đây. Ngày 25 tháng 9 năm 1936, đồng chí quyết định thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng Bắc Sơn.
Cuối năm 1936, tại một cơ sở bí mật ở Gia Lâm, Đảng ta quyết định thành lập Ủy ban sáng kiến có nhiệm vụ tổ chức, xây dựng lại các cơ quan lãnh đạo đảng ở Bắc Kỳ và các địa phương. Hội nghị đã thống nhất phân công đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục hoạt động và chỉ đạo công tác ở vùng biên giới phía Bắc, phụ trách các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang; đồng thời giữ liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.
Giữa lúc phong trào cách mạng các tỉnh miền núi phía Bắc trên đà phát triển, do đòi hỏi của tình hình mới, Trung ương điều động đồng chí về Hà Nội, công tác tại Xứ ủy Bắc Kỳ. Cuối tháng 4 năm 1938, Xứ ủy Bắc Kỳ được lập lại gồm các đồng chí Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ… do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Đến đầu tháng 9, để củng cố, phát triển phong trào cách mạng mỏ than vùng Đông Bắc, Xứ ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí tới chỉ đạo và tổ chức phong trào đấu tranh của công nhân nơi đây.
Ngày 8 tháng 9 năm 1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thông báo việc Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Hoàng Văn Thụ thay đồng chí Lương Khánh Thiện làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Thành ủy Hà Nội và vùng phụ cận[4]. Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, Xứ ủy đã quyết định xuất bản báo Giải phóng do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Chủ nhiệm.
Từ ngày 6 đến 9 tháng 11 năm 1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ thay mặt Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai. Đồng thời, Hội nghị đã nhất trí cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt là Ủy viên Thường vụ. Theo quyết định của Hội nghị này, cuối tháng 12, đồng chí sang Trung Quốc liên lạc với Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình phong trào cách mạng trong nước và kế hoạch tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng, tháng 10 năm 1942, Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ Giải phóng – cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách.
Tình hình cách mạng ngày càng cam go, ngày 25 đến 28 tháng 2 năm 1943, tại làng Chài, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương đã họp và quyết định giao nhiệm vụ mới, địa bàn hoạt động cho đồng chí chủ yếu ở Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Phúc Yên, Bắc Ninh, Hà Đông, Sơn Tây; phụ trách công tác công vận và địch vận… Song, đây là khu vực các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng ta hoạt động sôi nổi, nên mật thám truy lùng rất gắt gao. Ngày 25 tháng 8 năm 1943, đang trên đường từ đền Voi Phục đến liên lạc với cơ sở binh vận ở ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (nay là khu vực Nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội); đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt[5] và giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Không ít lần địch dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt vừa dụ dỗ, mua chuộc hay bị tra tấn dã man về thân xác và tinh thần thì vẫn không thể lay chuyển được ý chí sắt đá, kiên định với cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đến sáng ngày 24 tháng 5 năm 1944, chúng đưa đồng chí đến trường bắn Tương Mai (Bạch Mai), hai loạt đạn của bọn địch vẫn không thể át nổi tiếng hô của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ:
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
- Đảng Cộng sản Pháp muôn năm!
- Liên bang Xôviết muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Gần 20 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, dấu ấn hoạt động của đồng chí đã in đậm trên nhiều nẻo đường đất nước. Trên những cương vị trọng trách được Đảng và cách mạng giao phó, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn hoàn thành xuất sắc. Hiên ngang bước ra pháp trường và hy sinh oanh liệt ở tuổi 35, đồng chí là tấm gương người cộng sản mẫu mực, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tên tuổi của đồng chí mãi mãi in đậm trong lịch sử hào hùng của quê hương.
[1] Hoàng Văn Thụ - Người cộng sản đầu tiên của Vân Lãng, Nxb Văn hóa Thông tin và Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt, 2006, tr.149.
[2] Có tài liệu thể hiện là Chi bộ đặc biệt Long Châu.
[3] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Tập 4, tr.185.
[4] Sau khi đồng chí Hoàng Văn Nọn, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ bị bắt (tháng 1-1939), đồng chí Lương Khánh Thiện được Trung ương Đảng cử làm Bí thư.
[5] Theo biên bản thẩm vấn Hoàng Văn Thụ ngày 11-1-1944 của Sở Cảnh sát đặc biệt. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.