Đờn ca tài tử ra đời lúc… nửa đêm

17/11/2015 10:53

Theo dõi trên

Không ai biết chắc, nhưng nhiều người có thể suy đoán đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời vào lúc... nửa đêm - một ngày khoảng giữa thế kỷ XIX.

Từ phong trào văn nghệ quần chúng

Hôm ấy, các nghệ sĩ bỗng dưng nổi hứng, cùng ngồi lại “chơi ráng” luôn tới sáng hôm sau khi đã hoàn tất phận sự tấu nhạc mà họ đảm trách trong buổi lễ truyền thống, ở đình làng chẳng hạn. Sẵn trong tay có mấy cây cò, nguyệt, họ luân phiên kẻ ca người đờn, chơi tự do trong điều kiện nhàn nhã, không quá ồn ào, tất có cái thú vị rất riêng. Do vậy mà thành nếp, dần dần phát triển “vượt khung” và... định hình.

Hàng ngàn, rồi hàng vạn tài tử nổi lên cùng khắp. Phải chăng vì thế, người ta phải thống nhất gọi lại những người nghệ sĩ chuyên nghiệp là “nghệ sĩ” hoặc “diễn viên” để dễ phân biệt? Thế là từ ấy hai tiếng “tài tử” đã nghiễm nhiên trở thành danh từ đặc hữu của phong trào văn nghệ quần chúng: ca nhạc tài tử.

“Tài tử” là người có đủ tài đức hoặc văn học lỗi lạc - một tầng lớp phong lưu mà các tác gia thường dùng sóng đôi với “giai nhân” như Nguyễn Du từng viết trong Kiều:“Dập dìu tài tử giai nhân”. Vì vậy, nguyên thuỷ “tài tử” mặc nhiên hiểu là “giống đực”. Nhưng về sau, trong một số loại hình nghệ thuật, nhất là điện ảnh và sân khấu, người ta không còn hiểu theo nghĩa hẹp ấy. Mọi diễn viên có tài, nhiều người ngưỡng mộ, đều được xem là “tài tử”. Đặc biệt và phóng khoáng hơn, trong lĩnh vực đờn ca, xưa những người chuyên về cổ nhạc, dù thuộc hạng nghiệp dư, nghĩa là chỉ chơi cho vui chứ không lấy đó làm sinh kế đều được dân gian “phong” là “tài tử”. Thật sát đúng như thế, vì đờn ca tài tử hàm chứa cả hai dòng nhạc truyền thống: dân gian và bác học.




Các câu lạc bộ sinh hoạt Đờn ca tài tử dân dã bên bờ kinh, làng lúa hay dưới bóng cây. Ảnh: Ngọc Thạch.

Nhạc tài tử được hình thành trên cơ sở phát triển từ nhạc lễ cổ truyền - nhạc chủ đạo lúc bấy giờ và dân ca, tức ca ngâm theo lối khẩu chiếm, dần dần hoàn chỉnh qua quá trình trung chuyển của bộ môn hát bội. Nó được một số tác gia dân gian dựa theo những “lòng bản” truyền thống để soạn thành lời, gọi “bản” hoặc “lớp”, ký âm bằng những tiếng quy ước như hò, xự, xang, xê, cống, líu (nhái theo âm bực tiếng đờn chứ không có nghĩa chữ), ngâm nga theo ba giọng hơi chính là: hơi Bắc, hơi Nam và hơi oán. Rồi từ đó mà “phăng” mà nhấn nhá, luyến láy để biến “âm chính” thành “âm già”, tạo nên một hệ ngôn ngữ âm nhạc mang tính thính phòng, phù hợp với lối chơi tao nhã của những người nặng tình tri kỷ, tri âm. Do tiếng đờn của nền âm nhạc đặc trưng ấy luôn gắn với hồn thiêng sông núi, với sắc thái quê hương nên cũng “rất Việt Nam”, và người đờn người ca đều thể hiện phong cách “tài tử” nên lối chơi tao nhã này sớm được định danh là “nhạc tài tử” hay đúng hơn là “đờn ca tài tử Nam Bộ”.

Chuyện thường miền sơn cước

Ở đồng bằng Nam Bộ, giữa cà lang lúa, hoặc bên bờ kinh, hay ở miền núi cũng không khác, vào những đêm trăng sáng người ta xúm xích nhau trên mấy chiếc đệm bàng trải bên triền, rồi cùng ngồi đờn ca là chuyện thường tình miền sơn cước.

Không chỉ thế, ở vùng sâu vào mùa nước nổi, khi trời đất mới chập choạng giao hoà, những tay “yêu văn nghệ” rủ nhau cùng bơi xuồng vô láng giữa đồng, cặp xuồng lại, cắm hờ cây sào nhỏ cho có lệ, rồi bày cà ràng ra bắc nồi lên luộc mớ tôm càng, quấn bánh tráng cặp rau sống... tha hồ thưởng thức hương vị đồng quê. Kẻ ngắm trăng lên, nhìn sao lấp lánh, người ôm đờn khảy rao lằng tằng lẳng tẳng rồi ai đó nhái theo “tù ti tú ti, tú tu tì tủ tí tù ti” kết hợp nhịp nhàng với những tiếng “cốc, cốc” từ chiếc song loan dưới bàn chân ai đó, sướng tai, sướng miệng làm sao!. Gió đồng hiu hiu, mặt nước lăn tăn, đọt lúa mùa ngả ngớn, máu văn nghệ lừng lên, có khi xuồng bị tróc sào, gió thổi. Xuồng trôi. Mặc kệ! Bởi lúc ấy kẻ ca, người đờn, ai nấy đều như thả hồn theo mây, theo trăng, theo gió... các tài tử mãi đờn, mãi ca trên “sân khấu xuồng”, không ai vỗ tay tán thưởng, cũng chẳng nhờ men tình, chẳng chất đưa cay, vậy mà vừa hết bài này thì tiếp liền đến bản khác, cứ “liên tục chương trình”. Cuộc vui có khi kéo dài cho đến lúc nghe văng vẳng tiếng gà trong xóm xa, họ mới chịu chống xuồng về.

Giữa trời nước bao la kẻ tài tử làm sao không nổi máu văn nghệ! Đờn ca tài tử phải đâu chỉ quẩn quanh theo những đề tài vui thú gió trăng, hay những nàng thiếu nữ xinh đẹp... mà nó còn thể hiện rất cao lòng dũng cảm, tính cương trực, khí phách và tình yêu đối với quê hương đất nước của người dân Nam Bộ. Ta hãy nghe lại điệu Khóc hoàng thiên (trong Vì nghĩa liều mình, do Trần Văn Khải đặt soạn): Phải lo báo quốc! Phải lo báo quốc!/ Cái nợ mày râu, nam nhi lo đến/ Bốn biển chống vững giang san/ Anh hùng nệ chi/ Chí trung tử sanh chớ sợ,/ Vì nước dầu có lâm nguy/ Tiếc chi giọt hồng/ Tiếng đời ngợi phong/ Chúng ta cháu con Tiên Rồng/ Dễ hòng sợ ai!

Các tay chơi “tài tử” một khi đã “lậm” thì họ không tài nào chịu ngồi yên ở nhà, nên không ít người đã “trốn nhà” đi theo gánh hát cải lương, bởi đó là môi trường tốt nhất để mỗi đêm mỗi đờn, mỗi ca... cho đã. Cũng do cái máu văn nghệ cực kỳ ấy mà khắp các thôn làng Nam Bộ hình thành hàng ngàn Câu lạc bộ đờn ca tài tử. Trong số ấy nổi lên không ít danh ca, danh cầm lừng lẫy, “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân”, soạn giả đa tài…

Theo Nguyễn Hữu Hiệp (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Đờn ca tài tử ra đời lúc… nửa đêm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.