Độc đáo tục kết nghĩa của người Jrai

21/10/2015 15:59

Theo dõi trên

Mỗi tộc người trên dải đất Việt Nam đều có những phong tục tập quán riêng vô cùng độc đáo. Mới đây, trong một chuyến về miền cao nguyên thượng ngàn, tôi có dịp được tam dự nhiều lễ hội của người Jrai mà ở đó cuộc sống và tình người cứ đọng lại mãi không nguôi khi lễ kết nghĩa anh em của người Jrai đã diễn ra trong sự đầm ấm và cả niềm tin tưởng lẫn nhau giữa cuộc sống bộn bề gian khó này.

Nguồn gốc của những ân tình

Người Jrai, cũng như cộng đồng người Tây nguyên bản địa chốn đại ngàn này vốn sống với nhau thật như cây rừng, như bàn tay nắm. Chính vì thế, mỗi năm có hàng trăm lễ kết nghĩa anh em đã diễn ra. Người Jrai gọi đó là lễ Iapo. Người ta kết nghĩa với nhau vì nhiều lý do: vì đền đáp ơn nghĩa vì những việc tốt đã làm cho nhau, vì muốn thân mật hơn hay để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Người Jrai vốn sống rất tình cảm, họ trân trọng những niềm vui giản dị với nhau. Khi hai bên thực sự mến thương nhau và cả hai bên ưng thuận thì họ sẽ tổ chức kết nghĩa và từ đó sẽ trở thành anh em một nhà. Buổi hôm ấy là lễ kết nghĩa của anh Rơ Châm Bul và ông Đặng Văn Giỡ diễn ra trang trọng tại sân nhà rông của làng Kép II (xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai).

Già làng Kép II Siu Phụng hồ hởi: “Lâu lắm rồi làng mới làm lễ kết nghĩa cho một người anh em Jrai với một người Juan (người Kinh) đấy. Chúng nó kết anh em với nhau, cùng giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, cùng nhau làm kinh tế, nuôi con cái khôn lớn. Chúng nó không phân biệt Kinh - Thượng hòa hợp yêu thương nhau như con nai yêu giọt nước, như cái cây yêu rừng, cùng sống với nhau trên mảnh đất này làm già và người trong làng vui lắm!” Già Siu Phụng đã rất nhiều lần đứng ra làm người chứng kiến cho những mùa Iapo như thế này. Lần nào già cũng rất vui, cả làng cũng rất vui vì như thế mọi người sẽ gắn kết với nhau hơn.



Ông Đặng Văn Giỡ (áo trắng, phải) và anh Rơ Châm Bul (áo đỏ) trong lễ Iapo cùng mọi người.

Chuyện ông Giỡ và anh Bul kết nghĩa anh em với nhau khiến nhiều người trong làng rất mừng. Ông Giỡ vốn là công nhân xây dựng nhà máy Thủy điện Yaly, sau khi công trình hoàn thành ông ở lại lập nghiệp tại chốn này rồi cùng đưa vợ con vào đây sinh sống với hơn 1 ha cà phê. Còn anh Rơ Châm Bul sống nơi đây rất được lòng bà con, lại hay giúp đỡ mọi người không nề hà khó khăn. Nhiều lần anh đã một mình chống lại cả một nhóm trộm cà phê nhà ông Giỡ nên bị thương, mọi người và cả ông Giỡ đều rất cảm kích. Tuy không sống gần nhau, nhưng mỗi khi có chuyện gì, ông Giỡ vì có điều kiện kinh tế hơn nên vẫn thường qua lại giúp đỡ gia đình anh Bul.

Có một lần, con trai anh Bul mới hơn 6 tuổi bị ngã vào nồi nước sôi bỏng khắp người, lúc ấy lại giữa đêm vắng nên không có xe đưa đến bệnh viện. Nghe tin, ông Giỡ vội chạy đến cùng anh Bul đưa thẳng cháu bé ra bệnh viện huyện cấp cứu, bao nhiêu tiền viện phí chữa trị ông cũng giúp anh Bul. Đến lúc đưa con ra viện, anh Bul mang heo, gà đến tạ ơn ông Giỡ nhưng ông không nhận. ông bảo nhà Bul nghèo, cứ giữ lấy mà nuôi rồi bán đi lấy tiền cho con cái đi học chứ ông không nhận. Cảm kích trước tấm lòng của ông, từ đấy hai bên gia đình thường qua lại giúp đỡ nhau nhiều việc quan trọng. Nhiều khi con cái anh Bul đến trường thiếu sách vở, thiếu quần áo, vợ chồng ông Giỡ lại cho tiền mua, coi như con cháu trong nhà. Còn anh Bul cứ đến mùa dù ông Giỡ không nhờ vả, nhưng anh vẫn lăn vào làm giúp. Anh Bul bảo: “Mình sống với nhau bằng cái tình, cùng giúp đỡ nhau trong khó khăn, cùng chIa nhau những miếng ăn. Cái đó quý lắm. bụng người Jrai mình nó thế!”.

Sau nhiều năm, đến hôm nay ông Giỡ và anh Bul mới quyết định làm lễ Iapo kết nghĩa, coi nhau như người một nhà. Anh Bul mừng rỡ khoe: “Người Jrai không quan trọng anh em mình sắp kết nghĩa giàu hay nghèo mà chỉ cần hai bên ưng thuận rồi tổ chức cúng Yàng, xin Yàng phù hộ cho anh em kết nghĩa được sống hòa thuận, mạnh khỏe để cùng nhau làm việc, cùng nhau sống ở làng thôi!”. Với lễ kết nghĩa anh em, họ tin rằng khi được thần linh phù hộ thì tình nghĩa anh em sẽ thêm bền chặt.

Một ý nghĩa cao đẹp

Để thực hiện việc kết nghĩa thì hai người muốn kết nghĩa sẽ trực tiếp gặp nhau bàn bạc và đi đến thống nhất việc làm lễ. Lễ kết nghĩa được tổ chức trong gia đình, tùy theo hoàn cảnh của người kết nghĩa mà tổ chức lớn hay nhỏ. Già Siu Phụng cho biết, với lễ nhỏ, người Jrai gọi là Iapo Je (hay Iapo Ia Blăng), lễ vật gồm một con gà và một chum rượu nhỏ (pơlum). Lễ lớn gọi là  Iapo Prong lễ vật gồm một con gà, chum rượu nhỏ và một con heo sữa. Lễ nhỏ thì mời họ hàng thân thích, già làng, những người anh em hay cha mẹ kết nghĩa đến chung vui. Còn lễ lớn họ sẽ mời thêm những người họ hàng xa và dân làng cùng đến chung vui. Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, hai người kết nghĩa sẽ ngồi đối diện nhau bên ghè rượu, nếu hai bên đã có gia đình thì người vợ sẽ ngồi bên cạnh người chồng và bắt đầu lễ cúng. Khác với lễ báo hiếu hay lễ nhận cha nuôi cần có thầy cúng hay người mai mối, lễ kết nghĩa anh em sẽ do hai người kết nghĩa tự cúng Yàng trước sự chứng kiến của bà con trong làng.

Trong buổi lễ, cả anh Bul và ông Giỡ cùng khấn thề để thông báo cho các vị thần linh biết chuyện từ nay hai người sẽ trở thành anh em một nhà, cầu mong các vị thần quan tâm giúp đỡ cho hai anh em kết nghĩa được sức khỏe, sống lâu, sống thuận hòa đến đời con cháu. Xin các thần linh cho hai gia đình kết nghĩa được bền chặt, cùng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, ai làm trái lời khấn sẽ bị thần linh trừng phạt. Sau lời khấn, hai người kết nghĩa cùng nhúng ngón tay vào rượu cúng rồi bôi lên cổ nhau. Ông Giỡ nhiều tuổi hơn nên làm anh, anh Bul ít tuổi hơn làm em. Người anh kết nghĩa uống một ngụm rượu cúng sau đó đến lượt người em uống một ngụm, rồi cả hai cùng ăn thịt đã cúng. Với người Jrai, thịt đã cúng cho Yàng thì người khác không được ăn mà chỉ để cho hai anh em kết nghĩa ăn. Kết thúc nghi lễ cúng Yàng, một con heo sẽ được giết thịt, mọi người cùng ăn uống, trò chuyện vui vẻ với nhau.

Già làng Siu Phụng còn cho biết thêm, lễ kết nghĩa của người Jrai được tổ chức hai lần. Sau nghi lễ kết nghĩa vài tháng, người anh em còn lại sẽ tổ chức tiệc đãi lại người anh em đã kết nghĩa với lễ vật bắt buộc phải bằng hoặc hơn lễ vật  của người anh em đã tổ chức trước. Điều này thể hiện thành ý, đáp trả lại tình cảm của người anh em kết nghĩa. Lúc này chỉ mở tiệc đãi họ hàng cùng chung vui với hai anh em kết nghĩa chứ không cần phải cúng Yàng nữa. trong cuộc sống vốn nhiều khón khó và cả những lừa lọc này, lễ iapo giống như một liều thuốc giúp hàn kết những tấm lòng với nhau, để cùng sống chung trên một mảnh đất, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và chia sẻ mọi điều với nhau.


Hữu Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo tục kết nghĩa của người Jrai" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.