Hàng trăm hộ dân sóc Tà Pò (ấp Tô An, xã Cô Tô, Tri Tôn) vẫn hàng ngày nhìn thấy một cây dầu sừng sững, tỏa bóng mát. Gần 700 năm tồn tại và phát triển, nó đã trở thành chỗ dựa tinh thần, nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng cho người dân nơi đây. Cây cao khoảng 30 m, bề hoành gần 9 m, tán rộng, trên phần đất ông Chau Bonl.
Những vị cao niên sống gần cây cổ thụ này kể, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây dầu từng bị giặc đem cưa đến đốn làm gỗ. Nhưng kỳ lạ là lưỡi cưa không cách nào cưa được thân cây. “Bà con nơi đây rất tin tưởng vào sự linh thiêng của cây cổ thụ nên thường xuyên đến cúng viếng, cầu thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu. Vào các dịp lễ, Tết thường đến dưới tán cây vui chơi, sinh hoạt văn hóa. Họ cho rằng, cây có thần linh phù hộ nên phải ra sức giữ gìn, không phá hoại”- ông Chau Kune, người dân địa phương cho biết.
Hiện, cây dầu 700 tuổi này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản (Viet Nam Heritage Tree) và có những chính sách bảo vệ.
Cây dầu con rái trên 300 năm tuổi ở Tịnh Biên
Cùng được công nhận là cây Di sản, cây dầu con rái (ấp Chơn Cô, xã An Cư, Tịnh Biên) có tên tiếng Anh là Dipterocarpus alatus Roxb, tuổi thọ trên 300 trăm năm. Theo những cao niên trong vùng, cây đã có từ lúc con người chưa đặt chân đến vùng đất này định cư lập nghiệp. Cây cao khoảng 20m, dáng đứng, thân cây rất khỏe mạnh và phát triển tốt. Cây dầu con rái này có giá trị về mặt văn hóa, gắn với lịch sử khai phá và phát triển của vùng đất Tịnh Biên, khẳng định chủ quyền của người dân Việt Nam đã có mặt tại vùng đất này.
Cây me cổ thụ trên 500 tuổi
Góp mặt trong danh sách những cây Di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận tháng 7- 2013, còn có cây me chua cổ thụ hơn 500 năm tuổi. Cây me có bề hoành hơn 6m, cao trên 20m, tán rộng che mát cả một vùng rộng lớn ấp Tô Trung, xã Núi Tô (Tri Tôn). Cây me cổ thụ này không chỉ có giá trị của một cây cổ thụ, mà còn được coi là báu vật chung của cộng đồng nơi đây.
Ông Chau Phi (74 tuổi) giải thích: “Người dân rất quý cây me này vì nó đã có từ rất lâu đời, cứ truyền từ đời này qua đời khác, vì tin vào sự linh thiêng của nó nên không ai dám chặt dù chỉ một nhánh nhỏ. Bà con nơi đây rất ý thức trong việc bảo vệ, giúp cây phát triển bằng cách thường xuyên dọn bỏ các loại chùm gửi sống ký sinh trên cây….”.
Trong nét văn hóa, đời sống tâm linh, đồng bào Khmer xem cây cổ thụ như một chỗ dựa tinh thần, nên vào những ngày rằm, lễ, Tết, bà con nơi đây thường tổ chức đông vui, cúng tại cây me này để cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình khỏe mạnh, mùa màng bội thu.
Cây đa An Phú
Ngoài 5 cây được công nhận là cây Di sản Việt Nam, tỉnh còn có những cây cổ thụ được xác lập kỷ lục An Giang. Chẳng hạn như cây đa trên 300 tuổi ở huyện An Phú), 18 thanh niên ôm mới giáp vòng; cây bồ đề ngay trung tâm TP. Châu Đốc là cây bồ đề chánh tông của cây bồ đề tại Bồ Đề đạo tràng (Ấn Độ) – nơi Đức Phật hành thiên và đắc đạo; cây lâm vồ ở xã Thới Sơn (Tịnh Biên) đã có từ rất lâu đời, cao trên 10m, phần thân từ gốc lên 3-4 người ôm mới giáp…
Trên địa bàn tỉnh có 5 cây cổ thụ khủng được công nhận là cây Di sản Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở Tri Tôn và Tịnh Biên. Cụ thể, tại Tri Tôn có 4 cây gồm 2 cây vải thiều, mỗi cây trên 300 tuổi ở chùa Svay Ta Hon (xã An Tức); cây dầu rái trên 700 tuổi ở xã Cô Tô, cây me chua trên 500 tuổi ở xã Núi Tô; Tịnh Biên có cây dầu con rái trên 300 tuổi ở xã An Cư.
Theo Tin Tức Miền Tây