Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc và khảo sát tại Công ty Nhôm Lâm Đồng

27/05/2024 07:33

Theo dõi trên

Vừa qua, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc và khảo sát tại Công ty Nhôm Lâm Đồng trực thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.

quang-canh-buoi-lam-viec-20240523080434-1716517400-1716769956.jpg
Quang cảnh tại buổi làm việc. Ảnh Báo Lâm Đồng

Dự buổi làm việc, về phía lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có đồng chí Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc. 

Tại buổi làm việc, Công ty Nhôm Lâm Đồng báo cáo kết quả vận hành Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng và tình hình sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024. Để có được hiệu quả trong quá trình hoạt động, Công ty luôn chú trọng áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế như: Thực hiện quản lý tốt theo định mức kinh tế kỹ thuật trong các công đoạn sản xuất; tối ưu hóa các mô hình vận hành; đẩy mạnh tin học hóa, tự động hóa trong quản lý và sản xuất... Nhờ đó, các chỉ tiêu về sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiêu hao vật tư chủ yếu đều tốt hơn rất nhiều so với thiết kế. Công suất sản xuất của Tổ hợp năm đầu đạt 75% so với công suất thiết kế và đến năm 2023 sản lượng alumin sản xuất đạt hơn 748.000 tấn, đạt 115% công suất thiết kế.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2024, Công ty đã sản xuất 243.500 tấn alumin quy đổi đạt 37,5% kế hoạch; tiêu thụ alumin 233.500 tấn, đạt 38,3% kế hoạch; doanh thu đạt 1.293 tỷ đồng đạt 38,1% kế hoạch; lợi nhuận đạt 11,2 tỷ đồng đạt 31,1% kế hoạch; tiền lương bình quân 16 triệu đồng/người/tháng, đạt 113,6% kế hoạch. 

Đặc biệt, Công ty rất chú trọng đảm bảo công tác an toàn môi trường, an toàn lao động. Các chỉ số quan trắc môi trường tốt không vượt ngưỡng quy định của các quy chuẩn hiện hành về môi trường.

Ngoài ra, Công ty đã triển khai xây dựng mô hình “Nhà máy - Công viên” đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch. Công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả nổi bật, bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý điều hành, tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. 

Kể từ khi Nhà máy đi vào vận hành thương mại đến nay, Công ty đã nộp ngân sách cho địa phương là 2.846 tỷ đồng. Với công tác đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương, Công ty tích cực hỗ trợ cho địa phương khu vực Dự án, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế, đường giao thông...), đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo,... thông qua việc ủng hộ kinh phí trên 19,3 tỷ đồng. 

Cùng với đó, Công ty Nhôm Lâm Đồng cũng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án. Đồng chí Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng đã báo cáo làm rõ với Đoàn công tác liên quan việc đầu tư dự án thải khô bùn đỏ trong thời gian tới để đảm bảo công tác môi trường trong quá trình vận hành, phương án sử dụng đất sau khai thác và các vấn đề liên quan công tác tái định cư.

Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đánh giá cao, ghi nhận những đóng góp của Công ty cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nộp ngân sách và các đóng góp đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, cũng có đề nghị với đoàn công tác chấp thuận phương án sử dụng đất sau khai thác, hỗ trợ doanh nghiệp về phí truyền tải điện để thuận lợi nâng công suất và nâng cao hiệu quả của dự án.

Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao về hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian qua. Đoàn công tác ghi nhận và sớm có đề xuất với các bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết các kiến nghị tại buổi làm việc về cơ chế chính sách như giá điện, phương án sử dụng đất sau khai thác; tháo gỡ khó khăn và đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng, giao thông và các nội dung liên quan nâng công suất dây chuyền Nhà máy. Đồng thời, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng phát triển, phối hợp với Công ty hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

P.V
Bạn đang đọc bài viết "Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc và khảo sát tại Công ty Nhôm Lâm Đồng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.