“Dở khóc, dở cười” câu chuyện gắn biển gia đình văn hóa trước cổng nhà ở Thanh Hóa

31/10/2022 09:19

Theo dõi trên

8/8 thôn với hơn 1.400 biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” được UBND xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa gắn trước cửa cổng nhà dân. Xung quanh việc gắn tấm biển công nhận “Gia đình văn hóa” này có nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười”…

20221028-075929-1667178477.jpg
Tất cả gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" của xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đều được treo biển trước nhà

Biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” treo trước cổng nhà

Nhìn vào tấm biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” gắn trước cửa nhà mình, bà Nguyễn Thị L. thôn 2, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa cho biết: Cuối năm ngoái, gia đình đủ các tiêu chí nên được bà con nhân dân trong thôn bình xét là gia đình văn hóa. Sau khi được bình xét, gia đình bà được UBND xã về đóng tấm biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” trước cửa nhà. “ Đóng biển cũng được, không đóng cũng không sao” - Bà L. nói.

Bà Lê Thị N. thôn 4, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa cho rằng thực sự không cần thiết phải “trưng” tấm biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” ra trước cổng nhà. Theo bà N. xã cứ cấp giấy chứng nhận như cũ, gia đình nào nhận thấy gia đình mình thực sự đã đủ điều kiện là Gia đình văn hóa thì họ treo trong nhà thể hiện trang trọng còn gia đình nào chưa đủ các tiêu chí họ có thể cất đi, khi phù hợp thì mang treo.

“Thực tế là cứ 5 hộ thì có 3, 4 hộ là gia đình văn hóa. Tuy nhiên các gia đình này vẫn có nhiều trường hợp con cái, vợ chồng sống chưa hòa thuận, có gia đình có người ăn cắp vặt, vướng phải các tệ nạn xã hội… Đó là danh hiệu trên giấy tờ. Điều quan trọng là mỗi gia đình, mỗi người dân ý thực được gia đình, bản thân đã thực sự “văn hóa” hay chưa? Còn việc treo biển hay không không quan trọng” - Bà N. thôn 4, xã Hoằng Ngọc nói thêm.

20221028-075841-1667178477.jpg
Xung quanh câu chuyện gắn biển danh hiệu "Gia đình văn hóa" tại vùng quê này có nhiều ý kiến trái chiều

Theo ông Ứng Xuân H. thôn 2, xã Hoằng Ngọc, biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” treo trước cổng nhà là rất cần thiết, nó là niềm động viên, khích lệ cho các gia đình. Gia đình đạt gia đình văn hóa rồi thì phát huy, còn những gia đình chưa được thì phấn đấu.

“Trong làng ngoài xã họ cũng đánh giá gia đình nào đủ điều kiện mới đóng biển. Nói chung đóng tấm biển này tôi cũng không thắc mắc gì” - Bà Nguyễn Thị C. thôn 1, xã Hoằng Ngọc cho biết.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại các thôn trên địa bàn xã Hoằng Ngọc, những gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đều được UBND xã gắn tấm biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Tấm biển này có hình chữ nhật, màu đỏ, bên trong có ghi dòng chữ: “Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Việc gắn biển không có trong quy định

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Hắc Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc cho biết: Cuối năm 2021, các thôn họp triển khai, bình xét Gia đình văn hóa. Khi bình xét xong thì công khai thông báo trên hệ thống truyền thanh của thôn. “Đầu năm 2022 xã triển khai gắn biển và đây là sáng kiến của Chủ tịch UBND xã thay cho giấy chứng nhận trước đó” ông Đồng thông tin.

Ông Đồng giải thích thêm, lâu nay là cấp giấy chứng nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” cho các gia đình. Cấp giấy xong có nhà thì cất có nhà thì bỏ tủ, thực quan để thành tính lan tỏa của phong trào là không có. “Đóng biển này không có trong quy định, song qua quá trình thực hiện thì thấy thực quan tốt. Ví dụ như, trước khi xảy ra xô xát, cãi vã thì có thể nhìn lại cái biển. Hoặc là khi bạn bè đến chơi thì người ta nhìn vào cái biển là họ hiiểu…” - Ông Đồng nói.

a-dai-dien-bien-van-hoa-1667178477.jpg
Việc treo biển này là ý tưởng của Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc với mục tiêu muốn đẩy mạnh phong trào văn hóa của xã đi lên

Theo ông Đồng, trong đợt bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” vừa rồi ở xã đạt 80% với 1.405 hộ gia đình đạt danh hiệu này. Tất cả các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đều được UBND xã cấp và gắn biển. Kinh phí để triển khai mô hình được xã hội hóa, tính ra là 35 nghìn đồng/ biển.

Ông Trương Đình Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hoằng Hóa cho biết: Mục tiêu của xã Hoằng Ngọc là muốn phong trào văn hóa ở xã đi lên. Cái biển này không hay ở chỗ là nó đánh vào tâm lý, vào suy nghĩ của người dân.

“Phòng cũng trao đổi với Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc là sẽ xây dựng phong trào văn hóa bằng các phương pháp khác. Việc treo biển danh hiệu “Gia đình văn hóa” trước cổng nhà này không có trong quy định và không có chuyện nhân rộng mô hình này ra toàn huyện” - Ông Thịnh khẳng định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó nhiều địa phương trên cả nước như Hà Tĩnh, Hà Nội có việc thôn, xã treo tấm biển công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” trước cổng nhà. Trước thực trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Công văn 785/BVHTTDL-VHCS ngày 15/3/2010 yêu cầu không gắn biển Gia đình văn hóa tại nhà.

Công văn nêu rõ: Thực hiện Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT thời gian qua, các địa phương đã tiến hành bình xét, công nhận, cấp giấy chứng nhận theo quyết định, góp phần tích cực nâng cao chất lượng danh hiệu Gia đình văn hóa. Tuy nhiên, một số địa phương đã thực hiện không đúng Quy chế và đã gắn biển “Gia đình văn hoá” lên tường trước cửa mỗi hộ gia đình. Việc làm này có nhiều ý kiến khác nhau gây phản cảm và không tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.

Hồng Hạnh
Bạn đang đọc bài viết "“Dở khóc, dở cười” câu chuyện gắn biển gia đình văn hóa trước cổng nhà ở Thanh Hóa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.