Đình Tân Chánh: Nơi thờ phụng một vị quan triều Nguyễn có nhiều công trạng

26/08/2021 08:46

Theo dõi trên

Mỗi khi nói về đình Tân Chánh, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An mọi người vẫn thường nhắc đến lăng mộ ông Nguyễn Khắc Tuấn như một quần thể không thể tách rời, mặc dù 2 công trình thuộc 2 ấp khác nhau của xã. Trong tâm tưởng người dân Tân Chánh, đình Tân Chánh là nơi thờ phụng một vị quan có công, một người con của làng Nhơn Hòa xưa, nay là xã Tân Chánh, huyện Cần Đước.

22-1629942324.jpg
Hai bên trụ cột mặt trước lăng khắc cặp câu đối do vua Minh Mạng ban tặng ông Nguyễn Khắc Tuấn lúc đương thời: “Xưa trấn nhậm cõi Bắc Thành, quân dân chịu trọng ơn - Nay về quê cũ, có đất trời soi rõ tấm lòng trung”

Ông Nguyễn Khắc Tuấn - một người con Tân Chánh

Theo ghi chép của Hồ sơ di tích đình Tân Chánh, đình được xây dựng khoảng thế kỷ XIX khi người dân đến đây khai hoang, lập ấp. Cũng như những đình làng Nam bộ khác, đình Tân Chánh thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, một biểu tượng tâm linh giúp mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống người dân ổn định và thịnh vượng.

Hai bên trụ cột mặt trước lăng khắc cặp câu đối do vua Minh Mạng ban tặng ông Nguyễn Khắc Tuấn lúc đương thời: “Xưa trấn nhậm cõi Bắc Thành, quân dân chịu trọng ơn - Nay về quê cũ, có đất trời soi rõ tấm lòng trung”

Ngoài thờ Thành Hoàng, đình Tân Chánh còn thờ ông Nguyễn Khắc Tuấn - một vị quan triều Nguyễn có nhiều công trạng. Ông Nguyễn Khắc Tuấn vốn là người Tân Chánh, võ quan có nhiều công lao với đất nước, được triều đình biểu dương, nhân dân tôn kính như một vị thần. Ông Nguyễn Khắc Tuấn còn có tên là Nguyễn Phúc Xuân và Nguyễn Hầu Xuân. Ông sinh năm 1767, tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước ngày nay. Ông là đại thần dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, nhiều lần vâng chiếu vua đi dẹp giặc thành công.

Theo Hồ sơ di tích đình Tân Chánh, năm 1791, ông Nguyễn Khắc Tuấn đầu quân theo Nguyễn Ánh. Khi Nguyễn Ánh lập ra nhà Nguyễn, ông trông coi việc quân ở Bắc Thành và từng mang quân đi dẹp giặc ở Lư Khê. Năm 1822, ông trông coi việc đắp thành trấn Hưng Hóa. Khi ông mất vào năm 1823, nhà vua đã hết sức thương tiếc, trực tiếp ra lệnh cho bộ Lễ truy tặng chức Thống chế, cấp tơ lụa, vàng bạc, quan tiền cho gia quyến. Sau khi mất, ông được đưa về quê quán bằng thuyền. Tại điểm dừng chân đầu tiên ở ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh ngày nay, người dân lập một miếu thờ gọi là miếu Vàm Đình. Vào ngày giỗ ông hàng năm, người dân đều đến thắp nhang, cúng viếng tại miếu.

Khi người dân hướng về ông

Lần này về thăm đình Tân Chánh và lăng mộ ông Nguyễn Khắc Tuấn (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước), chúng tôi thấy đình đang được xây dựng lại bề thế, to đẹp. Công nhân xây dựng đang ráo riết hoàn thành các công đoạn cuối cùng kịp bàn giao trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ông Lương Thành Long - Trưởng ban Quản trị đình Tân Chánh, nói: “Đình được xây mấy tháng rồi, dự kiến qua tết mới xong nhưng vầy là chắc sẽ hoàn thành sớm”. Đình xây lại trên nền đình cũ, kiến trúc cũ với diện tích lớn hơn. Ông Long đưa khách tham quan một vòng quanh đình, kể về đình một cách say sưa và tự hào. Sinh ra và lớn lên ở Tân Chánh, cha ông từng tham gia quản trị đình nên sau này ông Long tiếp tục là người “trụ cột” trong Ban Quản trị đình, cùng người dân gìn giữ, phát huy giá trị của mái đình trên 200 năm tuổi.

Trong hơn 10 năm tham gia Ban Quản trị đình, ông Long cùng Ban Quản trị gìn giữ từng cổ vật, công trình của đình, bảo tồn nguyên vẹn lễ cúng và góp phần cùng người dân mở rộng quy mô lễ hội hàng năm tại đình. Ông cho biết, trong đình hiện có 176 văn bản cổ, trong đó có sắc phong, chiếu chỉ và văn bản do vua ban. Khi đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, các văn bản vẫn chưa được dịch. Sau này, ông Long cùng một số người dân địa phương tự đóng góp kinh phí dịch thuật toàn bộ số văn bản trên, đóng thành tập dày lưu lại để người đời sau biết. Không chỉ vậy, ông Long cùng nhiều người dân địa phương còn đóng góp kinh phí trùng tu đình cũ trước đây. Khi đình Tân Chánh được UBND huyện đầu tư xây mới, ông Long cũng đóng góp kinh phí xây dựng một số hạng mục: Cặp rồng trên nóc võ ca, cặp bình phong trước cổng đình,... Nói về những việc làm của mình, ông Long chia sẻ: “Quê hương mình có một vị tướng tài ba, tất nhiên phải tự hào chứ. Tôi chỉ muốn cùng anh em, bà con giữ gìn và phát huy niềm tự hào đó, để người người biết đến ông Nguyễn Khắc Tuấn, đình Tân Chánh, đất Tân Chánh thôi”.

Theo hướng dẫn của ông Long, chúng tôi rời ấp Đình đến ấp Lăng để thăm lăng ông Nguyễn Khắc Tuấn. Lăng mộ ông cũng được trùng tu với khuôn viên rộng, đẹp, nhiều cây cảnh mát mẻ. Ngôi mộ cổ gần như được bảo toàn nguyên vẹn. Đây là một trong hai công trình kiến trúc lăng mộ cổ của quan lại triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX còn lại ở Long An ngày nay. Hai bên trụ cột mặt trước lăng khắc cặp câu đối do vua Minh Mạng ban tặng ông Nguyễn Khắc Tuấn lúc đương thời:

“Xưa trấn nhậm cõi Bắc Thành, quân dân chịu trọng ơn

Nay về quê cũ, có đất trời soi rõ tấm lòng trung”.

Trước mộ bia của ông Nguyễn Khắc Tuấn còn được bày một chiếc lư cắm đầy chân nhang và dĩa trái cây. Có lẽ, người dân trong vùng vẫn thường xuyên đến thắp hương ở lăng mộ của ông Nguyễn Khắc Tuấn.

Lễ hội Kỳ Yên tại đình Tân Chánh hàng năm ngày càng đông khách đến viếng thăm, cúng. Và lễ hội lần nào cũng có hoạt động rước sắc đến mộ ông làm lễ cúng. Ngôi miếu nhỏ ở ấp Bà Nghĩa cũng được thắp nhang. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để hiểu người dân trân trọng đức ông Nguyễn Khắc Tuấn đến mức nào.

Theo Báo Long An
Bạn đang đọc bài viết "Đình Tân Chánh: Nơi thờ phụng một vị quan triều Nguyễn có nhiều công trạng" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.