Dinh Sơn Trung - Nơi ghi dấu một thời oanh liệt của hào khí khởi nghĩa Bảy Thưa

15/09/2016 11:46

Theo dõi trên

Cứ vào ngày 21- 22 tháng 2 âm lịch hàng năm, Dinh Sơn Trung có gần 10 ngàn người từ khắp nơi đổ về để chiêm bái tưởng nhớ công lao của Quản cơ Trần Văn Thành. Việc tổ chức lễ tưởng nhớ Quản cơ Trần Văn Thành nhằm nhắc lại hào khí Bảy Thưa giúp người dân biết và hiểu rõ về tinh thần yêu nước của những người đi trước.

Ghi nhớ công ơn bằng những hành động thiết thức

Trước đây, di tích này chỉ là một ngôi nhà sàn. Đến năm 2000, Dinh Sơn Trung được xây mới và hằng năm được trùng tu, kiến tạo và sửa chữa với tinh thần đóng góp tự nguyện của các tín đồ và người dân trong và ngoài huyện Châu Thành.

Đến nay, các công trình tại Dinh Sơn Trung đã hoàn thành. Và hiện nay, người dân từ khắp nơi về đây phúng viếng và tưởng nhớ Đức Quản cơ - Trần Văn Thành cùng nghĩa quân Láng Linh – Bảy Thưa, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Dinh Sơn Trung. Dinh Sơn Trung tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành là đồn Hưng Trung xưa, là nơi tổng hành dinh của nghĩa quân do Trần Văn Thành trực tiếp chỉ huy.

 


Dinh Sơn Trung ngày nay (nguồn internet)

 
Dinh được xây dựng trên diện tích trên 4 hecta với cấu trúc khá đơn giản gồm: Khu chánh điện, nơi thờ cúng Đức Cố Quản Trần Văn Thành, bàn thờ tổ quốc, bàn thờ các anh hùng liệt sĩ,.....; Bên trái chánh điện là Đông Lan chánh điện, bên phải chánh điện là Tây Lan chánh điện, là hai nơi để cho người dân tham quan nghĩ ngơi và ăn uống.

Ngoài ra, tại Dinh Sơn Trung còn dàn dựng lại khu Lò rèn, nơi mà xưa kia Đức Cố Quản Trần Văn Thành đã rèn giáo, mác và gựa để khai hoang và đánh giặc. Những năm gần đây, Dinh còn xây dựng thêm nhà ăn, nhà xe, đền thờ Tam hoàng và các công trình khác nhằm để phục vụ tốt cho bà con xa gần đến tham quan khu di tích Dinh Sơn Trung.

Trở về miền kí ức

Ông Nguyễn Văn Cư (71 tuổi), người đã gắn bó với Dinh Sơn Trung từ ngày còn bé kể lại, Láng Linh- Bảy Thưa xưa thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang là cánh đồng trũng phèn bát ngát, sậy mọc um tùm dày đặc, sình lầy nước đọng quanh năm, lại có thú to rắn độc. Phía Bắc giáp vùng biên giới núi Sam, phía Tây dựa Thất Sơn, phía Đông cặp sông Hậu, phía Nam giáp núi Ba Thê và Long Xuyên. Hàng năm, vào mùa bước nổi, vùng này lại trở thành một biển nước mênh mông. Mùa khô, nước không cạn hẳn mà biến thành những ao, đìa, mương, rạch, đầm lầy với vô số đỉa, vắt; lau sậy mọc mịt mù, che khuất rất khó để vào sâu bên trong.

Dựa vào địa thế này, Quản cơ Trần Văn Thành đã chọn nơi đây để xây dựng căn cứ và quy tụ khá đông các nhân sĩ là nông dân có lòng yêu nước từ khắp nơi trong nước về Bảy Thưa lập nên nghĩa binh Gia Nghị. Tại đây, Quản cơ Trần Văn Thành đã tổ chức các đội quân, đặt bộ chỉ huy tại trung tâm Bảy Thưa, dựng đồn lũy, trạm canh gác với phạm vi rất rộng, số lượng nghĩa quân chống pháp lên đến hơn 1.200 người. Tại đây, Quản cơ Trần Văn Thành còn xây dựng hệ thống đồn phòng vệ, có cả lò rèn đúc súng đạn, sản xuất khí giới, tích trữ lương thực cho cuộc chiến lâu dài.

Lúc bấy giờ, căn cứ địa Bảy Thưa là một cái gai nhọn trong mắt thực dân Pháp. Nhiều lần chúng đưa quân tấn công nhưng đều thất bại vì không chịu nổi cách đánh du kích của nghĩa quân cùng với sự giúp sức của “địa lợi”: Sình lầy, bốn phía lau sậy, đỉa, vắt. Trước tình hình đó, chúng tìm mọi cách để mua chuộc Trần Văn Thành, nhưng với tấm lòng son sắt cùng đất nước và Nhân dân nên ông quyết “không hợp tác”. Cùng với bản lĩnh, khí phách của người chỉ huy, nghĩa binh Gia Nghị cũng không hề chùn chân khi gặp gian nan, không hề run sợ trước súng đạn kẻ thù.

Cuộc khởi nghĩa kéo dài 6 năm. Thực dân Pháp dốc toàn lực kiên quyết tiêu diệt nghĩa binh Gia Nghị, chúng càn quét nghĩa binh từ nhiều hướng với vũ khí tối tân và lực lượng hùng hậu. Dù quân Bảy Thưa trên dưới một lòng quyết tâm chống giặc, chiến đấu với tinh thần yêu nước nhưng với giáo mác, vũ khí thô sơ nên cuộc khởi nghĩa thất bại.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Dinh Sơn Trung - Nơi ghi dấu một thời oanh liệt của hào khí khởi nghĩa Bảy Thưa" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.