Phong vị quê hương
Trong hơi thở của nhịp sống hiện đại, văn hóa là đặc trưng, là riêng là duy nhất phác thảo bức tranh của thế giới quan thêm sinh động, hấp dẫn. Khi từng vệt nắng dần khuất sau lớp ngói âm dương xếp chồng lên nhau, đình uy nghi, lẫm liệt, bề thế và oai phong.
Được xây dựng vào thời Nguyễn, năm Mậu Thìn (1928) đình được tôn tạo lại với 1 tòa năm gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch đá ong. Đình gồm các hạng mục: Cổng, sân và nhà đình.
Cổng xây với chất liệu chủ yếu là gạch, vôi, vữa tam hợp, hai cột đăng đối nhau. Trụ gồm 3 phần: Đỉnh, thân và phần đế. Tiếp đến là sân và tắc môn. Sân nền được lát gạch đất nung, tắc môn được xây bằng gạch chỉ, vữa tam hợp, mặt trước đắp nổi hình cuốn thư.
Nhà đình gồm 5 gian, 2 chái với 4 bộ vì. Nền nhà lát gạch đất nung. Hai gian cuối cùng ba phía xây tường bao bằng gạch dùng làm nơi bài trí ban thờ.
Hệ mái kết cấu gồm 4 mái (2 mái chính, 2 mái phụ) che phủ kín công trình. Mái lợp ngói âm dương, rải rui bản. Bờ nóc bờ giải không trang trí hình tượng, chỉ đắp bằng chất liệu vôi vữa làm cho hệ mái thêm vững chãi, chắc chắn.
Hệ khung nhà đình được làm bằng gỗ lim, 4 bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyển”. Toàn bộ nhà đình có 24 cột, trong đó có 12 cột cái, 12 cột quân, 4 cột trốn. Tất cả cột quân, cột cái đều được kê trên các chân tảng bằng đá hình tròn. Ở giữa các chân được tạo rãnh để chống mối mọt. Nhà đình được trang trí khá nhẹ nhàng. Họa tiết trang trí chủ yếu là hoa lá, vân mây cách điệu tập trung chủ yếu trên bẩy hiên và đầu rường....
Di sản của cha ông ta để lại từ ngàn xưa
Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả. Trong tác phẩm “phát huy giá trị đình làng Nghệ An trong đời sống văn hóa hiện đại” của tác giả Ngô Thị Lâm (BQL di tích Nghệ An), thì việc bảo tồn, phát triển các giá trị của đình làng là một trong những nội dung quan trọng để phát huy các giá trị của văn hóa làng.
Và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được tiến hành rầm rộ hiện nay, cần phải chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các không gian văn hóa làng, như cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng, điếm canh…
Dù có một số không gian văn hóa làng không còn được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống mới, nhưng chúng cũng cần được bảo tồn như những biểu tượng, mang giá trị văn hóa làng, đặc biệt là giá trị cố kết cộng đồng. Đình làng cũng như vậy, cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị, mà trước hết là giá trị biểu tượng, sau đó là giá trị hữu dụng trong sinh hoạt văn hóa, giáo dục của làng.
Một công trình kiến trúc truyền thống không thể chỉ tồn tại trong sự bảo lưu thụ động. Nếu di sản văn hóa nào đó không được người đương thời quan tâm đến, mặc dù là sự quan tâm dưới góc độ bảo lưu thuần túy “như một di sản văn hóa của quá khứ”, nếu không có một sự liên hệ với đời sống thực tại, thì di sản đó thực sự đã bị “đóng băng”.
Tại đình Phúc Xá, hàng năm đều diễn ra các hoạt động truyền thống: Lễ khao vọng, yến lão, lễ tế thần linh, cầu an... với sự tham gia của đông đảo mọi người. Trong tâm thức của mỗi người, cây đa, giếng nước, sân đình luôn hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Đình Phúc Xá không có giếng nước, nhưng dù có ngàn đời sau, khi trở về cố hương, người dân Nghệ An nói chung, Ngọc Sơn (Thanh Chương) nói riêng có quyền tự hào về hồn cốt của mình.
“Đình tôi bóng ngả về chiều
Khói lam vương nhẹ, bao nhiêu tự tình...”
Việc trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử đình Phúc Xá có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định giá trị của di tích, nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Thời gian trôi đi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn khốc của chiến tranh và cả sự thờ ơ, thậm chí cả sự triệt phá con người đã làm cho nhiều ngôi đình không còn giữ được vẻ bề thế thuở ban đầu, nhiều Đình làng không còn tồn tại. Nhưng sự hiện diện của những ngôi đình còn lại vẫn đủ để khẳng định, Đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ.