Diên Khánh: Làng nghề rộn rã vào vụ Tết

21/01/2016 15:36

Theo dõi trên

Tại thôn Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), các làng nghề làm bánh tráng, bánh in, đúc đồng đang vào vụ sản xuất để cung ứng kịp sản phẩm cho thị trường Tết.

Những ngày này, trên khắp các nẻo đường vào các thôn Phú Lộc Tây 1, 2, 3, đâu đâu cũng thấy màu trắng lấp lóa của những liếp bánh tráng đang phơi nắng. Bên bếp lửa, chị Lê Thị Hồng (thôn Phú Lộc Tây 3) thoăn thoắt tráng bánh, vớt bánh. Đứng cạnh chị Hồng, cô em dâu Trần Ngọc Lan cũng không ngơi tay, hết đổ trấu vào lò lại đưa bánh ra liếp mang đi phơi. Chị Hồng cho biết: “Làng làm bánh tráng quanh năm, nhưng khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch, cả làng chính thức bước vào vụ Tết và làm đến hết ngày 20 tháng Chạp. Ngày thường, gia đình tôi làm khoảng 40kg gạo, dịp này tăng thêm khoảng 20kg. Để có hàng kịp giao cho bạn hàng, cả nhà đều thức dậy từ 3 giờ sáng làm đến 8 giờ tối mới nghỉ”. Chị Nguyễn Thị Cát Phượng ở một lò bánh gần đó cho biết, những ngày này, gia đình chị sản xuất khoảng 4.000 bánh/ngày, tăng gần 40% so với ngày thường. Trừ chi phí, mỗi ngày, chị lời hơn 300.000 đồng. Tại nhà chị Phượng, 2 bếp tráng bánh đang đỏ lửa, 4 người thợ thay nhau tráng, vớt bánh và đem phơi. Hai người cháu được huy động gỡ bánh, xếp bánh từng ràng để giao cho khách hàng. Cứ thế, mỗi người một việc, ai nấy đều làm không nghỉ tay.
 
 
Bánh tráng được phơi trên liếp
 
Hiện nay, tại thôn Phú Lộc Tây 3 có khoảng 50 hộ làm nghề bánh tráng. Dịp Tết, người dân ở đây phải tăng công suất lên gần gấp đôi ngày thường mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Giá bán tại lò đối với bánh tráng nhúng 25.000 đồng/ràng (30 cái), bánh nướng mè 10.000 đồng/ràng (10 cái).
 
Các hộ làm bánh in ở làng nghề Phú Lộc Tây cũng đang tất bật với công việc. Tại nhà anh Trần Thanh Huy - gia đình có 3 đời làm nghề bánh in, gần chục người thợ tất bật nhào bột, vô khuôn, cán, cắt bánh, gói bánh không ngơi tay. Anh Huy cho biết, nghề này chỉ làm vào dịp Tết, từ khoảng cuối tháng 11 đến 20 tháng Chạp âm lịch. Thời gian này là cao điểm các mối tới lấy hàng nên thợ hay chủ đều phải xắn tay vào làm, có ngày tăng ca đến tối mới nghỉ. “Năm nay, gia đình tôi sản xuất khoảng 20.000 lốc (mỗi lốc 6 cái) bánh in với đủ kích cỡ bé, trung, lớn. Tùy theo kích cỡ, giá bán mỗi lốc từ 20.000 đến 50.000 đồng” - anh Huy nói.
 
Kế nhà anh Huy, chái nhà sau rộng gần 80m2 của gia đình chị Ngọc Hà xếp đầy các mẻ bánh in thành phẩm. Mẫu bánh in của gia đình chị là các cặp bánh hình trụ có in nổi hình rồng, phụng trên thân bánh. Chị Hà cho biết: “Mỗi ngày, tôi bán khoảng 2.000 cái, đủ kích cỡ. Giá một cặp đã bọc giấy kiếng màu, gắn hoa từ 40.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng tùy kích cỡ”.
 
Được biết, hơn 15 năm trước, ở làng nghề Phú Lộc Tây có rất nhiều người làm bánh in, nhưng vài năm trở lại đây, chỉ còn 5 hộ theo nghề. Nguyên nhân do nghề này vất vả nhưng lời ít, giá bột nếp, giá đường, nhân công mỗi năm đều tăng, trong khi nghề này chỉ “sống” được vào dịp Tết nên nhiều hộ phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống.
 
Không khí khẩn trương của làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 trong mùa Tết cũng không khác mấy so với 2 làng nghề làm bánh tráng, bánh in. Ông Biện Cư, một trong những nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề cho biết, trung bình mỗi tháng, gia đình ông làm khoảng 50 bộ đồ thờ cúng (gồm: chân đèn, lư hương, cổ bồng, đài hoa). Dịp Tết, gia đình ông làm gấp đôi. “Đồ thờ cúng là mặt hàng được tiêu thụ quanh năm, nhưng từ tháng 11 âm lịch, các cơ sở đúc đồng mới thật sự vào mùa. Năm nay, do giá đồng, chất đốt tăng nên mỗi bộ đồ thờ cúng tăng khoảng 5 - 7% so với năm ngoái. Mỗi bộ hiện nay có giá bán từ 2,5 triệu đồng trở lên tùy loại và kích cỡ”, ông Cư nói.
 
Cơ sở đúc đồng của ông Trần Minh Nguyên cũng đang tất bật. Ngày thường, ông Nguyên làm 1 buổi, ngày Tết làm cả ngày và đêm. Ông Nguyên cho biết: “Dịp Tết, gia đình tôi làm khoảng 4 - 5 bộ đồ thờ cúng/ngày, nhiều gấp 3 lần ngày thường. Trừ chi phí, tôi kiếm hơn 500.000 đồng/ngày. Ngoài gia công bộ đồ thờ cúng, từ ngày 23 tháng Chạp, gia đình tôi còn nhận đánh bóng đồ thờ cúng cũ (giá 50.000 đồng/bộ)”.
 
Theo các chủ cơ sở đúc đồng, để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ đúc đồng phải trải qua nhiều công đoạn gồm: làm khuôn đúc, nấu đồng, gia công, chùi bóng. Do không đủ điều kiện để làm tất cả các công đoạn nên mỗi nhà đảm nhận một khâu. Hiện nay, làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây có khoảng 40 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm đúc đồng; trung bình mỗi năm cung cấp 5.000 - 6.000 sản phẩm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.
 
T.L (Báo Khánh Hòa)

Bạn đang đọc bài viết "Diên Khánh: Làng nghề rộn rã vào vụ Tết" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.