
Phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương
Diễn đàn nằm trong chuỗi liên kết vùng do UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, nhằm kết nối du lịch giữa Vùng du lịch Bắc Trung Bộ với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương. Đồng thời, tạo cơ sở tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần kích cầu thị trường du lịch; từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết TP Hồ Chí Minh luôn chủ động liên kết du lịch với các vùng từ Bắc vào Nam trong thời gian qua, thu hút hơn 10 triệu lượt khách nội địa, 500.000 lượt khách quốc tế. Do đó, liên kết này được kỳ vọng sẽ tăng doanh thu, định vị du lịch giữa các địa phương Hà Nội, TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng liên kết sẽ tạo sức bật cho các địa phương và du lịch Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị ngay sau diễn đàn, các địa phương cần quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng lượng khách, doanh thu du lịch; chủ động kết nối để doanh nghiệp tạo ra các chuỗi sản phẩm chất lượng. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch/ Sở Du lịch các tỉnh cần chủ động tham mưu cơ chế để việc liên kết nhịp nhàng, hiệu quả. Đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của từng địa phương; trong đó, TP Hồ Chí Minh cam kết phối hợp với các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch...

Mang lại hiệu quả phục hồi bền vững ngành du lịch
Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng mà còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Trước xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, các địa phương cần tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Nghệ An được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với địa hình đa dạng, có biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi - là điều kiện và cơ hội để phát triển ngành du lịch. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Nghệ An cảnh sắc tươi đẹp, kỳ thú, “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, với bờ biển dài 82km, nhiều bãi biển đẹp và hấp dẫn du khách; nhiều hang động, thác nước nên thơ và hùng vĩ. Có khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận ở miền Tây Nghệ An. Vùng lõi có Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi đây đang là điểm đến của du khách ưa thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hoá bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số... ông Trung khẳng định.
Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; tiếp tục hình thành nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và hấp dẫn; tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước, góp phần mở rộng thị trường, trao đổi khách, gia tăng các dịch vụ cung cấp cho khách hàng, từng bước định vị du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch vùng Bắc Trung Bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
“Hôm nay, chúng ta tổ chức Diễn đàn quan trọng, ý nghĩa này để minh chứng cho sự khát khao tìm kiếm những hướng đi mới cho du lịch vùng, mang đến những giá trị hết sức thiết thực cho các tỉnh, thành phố nói chung và cho tỉnh Nghệ An nói riêng; mở ra nhiều cơ hội để nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế cạnh tranh, kêu gọi đầu tư, thu hút khách du lịch, cùng tiến tới những mối liên kết bền chặt, hiệu quả phát triển du lịch trong tương lai” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Với Chủ đề của Diễn đàn “Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến” kỳ vọng sẽ có nhiều ký kết hợp tác mới, đánh dấu một bước phát triển trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là sự liên kết có hiệu quả thiết thực từ các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng cùng các đơn vị, đối tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tin tưởng rằng, Diễn đàn sẽ tạo được động lực lớn, mang lại hiệu quả phục hồi bền vững ngành du lịch và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố nói riêng, cả nước nói chung. Nghiên cứu xây dựng hình ảnh chung, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch hướng đến thị trường quốc tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch bền vững và kích cầu du lịch nội địa giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện, chương trình Không gian kết nối doanh nghiệp du lịch “Business Matching” là nơi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu trực tiếp, giới thiệu sản phẩm, mua bán, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp cung ứng du lịch tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại hai đầu đất nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết hoạt động du lịch ghi nhận sự sôi động lại trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đón 60-80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu mang lại tới 265.000 tỷ đồng. Đối với khách quốc tế, các địa phương đón 414.000 lượt, đạt 10% so với kế hoạch đặt ra 5 triệu lượt. “Lượng khách quốc tế còn hạn chế nhưng chúng ta không điều chỉnh chỉ tiêu vì sẽ chờ đợi sự tăng trưởng nhanh chóng trong 6 tháng cuối năm" - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt khẳng định.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương cần xây dựng cơ chế liên kết vùng có tính thực tiễn, hiệu quả, từ đó, góp phần thúc đẩy thành công mục tiêu chung; thiết lập kênh thông tin trao đổi thường xuyên giữa các cấp trong ngành du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, di sản thế giới, văn hóa lịch sử tại vùng Bắc Trung Bộ.

Các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để hút du khách giữa vùng Bắc Trung Bộ và TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; nghiên cứu xây dựng hình ảnh chung, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương trong vùng, quốc gia để hướng đến thị trường quốc tế; tăng cường liên kết ứng dụng công nghệ trong vùng, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch. Đồng thời, xây dựng cơ chế kết nối cơ sở hạ tầng thông thoáng, sáng tạo, từ đó hình thành các sản phẩm chất lượng. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, từng bước hiện đại hóa hạ tầng; chú trọng đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh; cần phối hợp chặt chẽ trong hệ sinh thái du lịch, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.