Di tích Đình thần Tấn Mỹ

26/01/2015 14:16

Theo dõi trên

Huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) hiện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia và 7 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đình thần Tấn Mỹ là một trong số 7 di tích của huyện được UBND tỉnh công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng” năm 2003.

Đình thần Tấn Mỹ (tọa lạc tại ấp Tấn Thạnh, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới) vừa hoàn thành trùng tu và tổ chức lễ khánh thành đúng dịp 162 năm ngày vua Tự Đức ban sắc phong cho Đình thần Tấn Mỹ (ngày 29- 11- 1852 âm lịch). Ngôi đình này là một trong số những địa điểm được dùng để tổ chức hội họp và nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những năm tháng chiến tranh tại huyện Chợ Mới. Phó Trưởng ban Quản lý di tích Đình thần Tấn Mỹ Trần Trọng Khiêm cho biết: “Theo thời gian, Đình thần Tấn Mỹ bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng mái ngói và tường đình, cột kèo trong đình cũng bị xuống cấp, mất dần tính liên kết, khó có thể trụ vững theo năm tháng. Ban tế tự từng đứng ra sửa chữa tạm thời bằng cách chấp vá, thay ngói, rui, mè và thay những phần bị mục nát, một số cột kèo bằng gỗ phải thay thế bằng cột xi măng”.

Năm 2013, khi nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và các Mạnh Thường Quân, Đình thần Tấn Mỹ đã chính thức được khởi công trùng tu lại. Trong khoảng thời gian 450 ngày (từ ngày 14-10-2013 đến ngày 19-1-2015), Đình thần Tấn Mỹ đã hoàn thành trùng tu và giữ được dáng vẻ của ngôi đình xưa. Theo đó, Đình thần Tấn Mỹ được phục dựng trên nền đất tôn cao khoảng hơn 1,5m và lùi về phía sau 24m so với vị trí của ngôi đình cũ. Có mái ngói vỏ ca được thay lợp theo nguyên bản xưa. Toàn bộ ngôi đình được phục dựng theo nguyên bản gốc là lối kiến trúc chữ Tam, gồm: Ngôi chánh điện với nóc cổ lầu, mái nhị cấp; lợp ngói âm dương, diềm mái gắn đồng tiền dây lá, bộ nóc gắn lưỡng long tranh châu, tiên đồng ngọc nữ, ngọc hư cung, đầu đao, cá hóa long, kỳ lân, vòm mây uốn khúc.

Chánh điện ở gian giữa sát vách hậu là ngôi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, phía trước có long sàng, long đình, ngai thờ đương kim Hoàng Đế, bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn vách hậu, gian hai bên là ngôi thờ Tả Ban- Hữu Ban; hai bên vách hông đối xứng nhau gồm Tiền Hiền- Hậu Hiền- Nhạc Bộ- Lễ Bộ. Trong đó, ngôi thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh được trình bày trang trọng nhất, khánh thờ với những hoa văn tinh xảo bằng hình ảnh rồng quấn trụ, dây lá.

Nội thất được trang trí trong ngôi đình gồm: Bao lam, liễng đối, hoành phi, khánh thờ, long đình, ngai thờ… đều được chạm nổi, khắc chìm, sơn son thiếp vàng sinh động, mang đậm nét văn hóa đình làng Nam Bộ. Phía trước đình còn có miễu Chúa Xứ- Thái giám, Sơn quân- Bạch Mã và bàn thần nông.

Trong năm, Đình thấn Tấn Mỹ tổ chức hai kỳ lễ hội vào các ngày: Khai sơn (mùng 6 Tết Nguyên đán), Lễ Kỳ yên (19, 20, 21-3 âm lịch), đây cũng là dịp để bà con địa phương và những người xa quê tìm về tham quan ngôi đình, chiêm bái ghi nhớ về nơi đã sinh ra.

Đình làng là nơi ghi lại dấu ấn sâu sắc trong quá trình hình thành và phát triển một vùng đất. Lễ hội cúng đình hàng năm là nét tín ngưỡng dân gian có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh và tinh thần của người dân, nhất là trong đời sống văn hóa dân gian Nam Bộ. Do vậy, duy trì nét đẹp văn hóa ở đình làng rất phù hợp với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Theo Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Di tích Đình thần Tấn Mỹ" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.