Thủa ấy, giặc Nguyên Mông tràn sang xâm lược, nhiều nơi rơi vào tình trạng rối loạn. Vua Trần xuống chiếu với người tài đánh giặc, Lân Hổ xin đi và được vua cho chỉ huy một đội quân lên vùng Gia Ninh (Bạch Hạc ngày nay) bày binh bố trận lập một phòng tuyến bảo vệ kinh đô Thăng Long. Vì có công giúp dân đánh giặc cứu nước, giữ đất, yên dân nên Lân Hổ được ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và làm quan trong triều, nhưng ông từ chối xin được về quê phụng dưỡng mẹ già. Bị thua, giặc Nguyên Mông cay cú tìm cách quay trở lại báo thù. Lân Hổ lại được vời ra chỉ huy chiến tuyến Gia Ninh – Dục Mỹ. Nhưng thế giặc mạnh và đông nên ông đã anh dũng hi sinh. Tiếc thương vị tướng tài lập nhiều công lớn, vua Trần đã hạ chiếu xây lăng cho Lân Hổ và cho tế theo nghi lễ nhà nước, được nhân dân Tứ Xã và một số địa phương dọc bờ sông Thao tôn thờ là con của trời đất, thần linh…
Mặc dù có sự xen lẫn giữa yếu tố thực và yếu tố dân gian kỳ ảo nhưng đền Sa Lộc vẫn có vị trí rất quan trọng trong đời sống bà con nơi đây, không chỉ là nơi để nhân dân trong vùng và các vùng lân cận tưởng nhớ công đức của thần Lân Hổ mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng, làng xã…
Đền Sa Lộc được xây dựng theo kiểu chữ Nhị với đền thượng, đền hạ đều ba gian hướng Nam. Toàn bộ đường đi trong đền đều được lát đá. Qua 7 bậc đá lên tới sân đền. Đền hạ có 3 gian, để chiêng, trống, ngựa thờ, khám thờ với gươm, đao, giáo mác được sơn son thiếp vàng đồng thời cũng là nơi thờ vong linh các liệt sỹ đã hi sinh trong các trận chiến đấu bảo vệ quê hương. Bên trong đền hạ là đền thượng thờ Phùng Sáo Đá và Phùng Sáo Đen hai vị cận quân tài giỏi của thần Lân Hổ và thờ thần Lân Hổ.
Hai bên tay trái và phải là nhà tả hữu mạc được xây dựng với kiến trúc đơn giản, ba gian giống nhà ở nhưng để trống không làm cửa, không tường bao để bà con, dân làng, du khách thập phương chuẩn bị lễ vào đền thắp hương...
Kiến trúc đền Sa Lộc có thể được xem như điển hình của nghệ thuật kiến trúc thờ tự trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trải qua thời gian, ngôi đền bị tàn phá, hư hại nhiều nên không còn giữ được diện mạo như ngày đầu xây dựng nhưng kiến trúc cơ bản của ngôi đền vẫn được giữ nguyên. Vì vậy, trải qua 700 năm thăng trầm, ngôi đền vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ là nơi để nhân dân gần xa tỏ lòng biết ơn về đức hi sinh, tinh thần yêu nước, lòng nhân nghĩa của nhân vật lịch sử Lân Hổ, nơi đây còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân Tứ Xã nói riêng và nhân dân vùng đất Tổ nói chung.
(Theo Báo Phú Thọ)