Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là văn kiện có giá trị lịch sử to lớn và sâu sắc của Đảng, có thể coi như một Cương lĩnh đầu tiên, chiến lược đầu tiên về văn hóa.
Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương), phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam), về ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam và việc vận dụng những giá trị của Đề cương cho phù hợp với sự phát triển hiện nay.
- Thưa Giáo sư, vì sao 80 năm trước, Đảng ban hành bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943?
Vấn đề rất cơ bản đối với một đất nước đó là phải xác định được nền văn hóa của mình vì có văn hóa mới có sự tồn tại. Mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có một văn hóa riêng với những đặc trưng riêng, tạo ra một thế giới rất phong phú về văn hoá.
Cho đến nay thế giới đã có rất nhiều nền văn hóa khác nhau đến từ mỗi quốc gia, và đó chính là lẽ sinh tồn bởi nếu cả thế giới mà chỉ có một nền văn hóa thì không thể phát triển như bây giờ.
Khi lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã rất coi trọng vấn đề văn hóa và Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời chính là thể hiện chiến lược về văn hóa của Đảng. Đề cương đã nêu ra 3 tính chất, nguyên tắc cực kỳ quan trọng và đúng đắn để xây dựng văn hóa Việt Nam đó là tính "dân tộc", "khoa học" và "đại chúng".
- Giáo sư có thể phân tích cụ thể hơn ý nghĩa của 3 nguyên tắc "dân tộc", "khoa học" và "đại chúng"?
Không chỉ văn hoá, toàn bộ những hoạt động trong xã hội đều phải mang 3 tính chất, 3 nguyên tắc mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 nêu ra, và đến nay những nguyên tắc ấy vẫn nguyên giá trị của nó.
Một nền văn hóa như Việt Nam chắc chắn phải mang tính dân tộc, tính khoa học và đại chúng. Tức là trong 80 năm qua, dù ở trong bất cứ giai đoạn nào và cho đến ngày nay, chúng ta đã bước đến thời kỳ chuyển đổi số, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì những nguyên tắc này cũng không thay đổi.
Chúng ta đã đi qua những giai đoạn, hình thức phát triển khác nhau của xã hội, từ giai đoạn nông nghiệp lạc hậu sang giai đoạn kiến thiết hòa bình, hướng tới xã hội công nghiệp cho đến giai đoạn xây dựng xã hội công nghiệp với việc tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hóa và sau đó là đi đến nền kinh tế tri thức… dù ở giai đoạn nào, với nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, chúng ta đã xây dựng được đất nước có bản sắc văn hóa riêng nhưng đồng thời luôn luôn tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và gắn kết với văn hóa của tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới .
- 80 năm đã đi qua, có những vấn đề mới nào được đặt ra với văn hóa và những giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 sẽ được vận dụng và phát huy như thế nào, thưa Giáo sư?
Sau 80 năm tức đã qua gần 1 thế kỷ, đất nước đã có rất nhiều thay đổi. Ví dụ năm 1943, khi Đảng ban hành Đề cương về văn hóa thì đất nước ta có đến 95% dân số mù chữ, nhưng đến nay 98% dân số biết chữ, trong đó có hàng triệu người có trình độ Đại học và cao hơn.
Cùng với đó, nền khoa học của chúng ta đã thay đổi từ "nền nông nghiệp con trâu cái cày" thì hiện nay đã có một nền nông nghiệp xanh và thông minh với nhiều công nghệ mới và chúng ta đã có những sản phẩm nông nghiệp đứng ngang hàng với các nước hàng đầu trên thế giới… Hay công nghiệp cũng đã phát triển mạnh với những nhà máy, những sản phẩm công nghiệp được xuất khẩu sang nước ngoài…
Như vậy, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay đã khác trước rất nhiều. Chính vì lẽ đó, sau 80 năm có những vấn đề rất mới được đặt ra đối với văn hoá.
Chẳng hạn như hiện nay, chúng ta bước vào giai đoạn chuyển đổi số và việc chuyển đổi số cũng đã đặt ra cho chúng ta một khái niệm mới về "văn hóa mạng", nghĩa là bên cạnh không gian hiện thực thì hiện chúng ta còn có một không gian ảo. Đây là một hiện thực mới mẻ hơn trước nhiều khi chúng ta có thêm một môi trường mạng với không gian văn hóa cũng cực kỳ lớn.
Điều này đặt cho chúng ta vấn đề phải nghiên cứu về văn hóa mạng và xây dựng văn hóa mạng, mỗi người tham gia không gian mạng đều phải có văn hoá, tức là phải có hiểu biết về luật lệ, về đạo đức, nghi thức, sức khỏe trên mạng… Bởi thông tin xấu trên môi trường mạng internet nếu không được kiểm soát sẽ lan truyền rất nhanh và gây ra tác hại rất khủng khiếp.
Bên cạnh đó, một xã hội công nghệ cũng sẽ tạo ra văn hóa của xã hội công nghệ. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh và hiện thân là các robot thông minh xuất hiện và đang dần thay thế rất nhiều vai trò của con người. Nhiều người lo ngại trí tuệ nhân tạo sẽ khiến con người thất nghiệp nhưng thực chất không phải như vậy. Chúng ta phải thích nghi và tạo ra một "văn hóa học tập", và việc học tập ở đây là học tập suốt đời.
Văn hóa học tập này sẽ làm cho con người thích nghi với những thay đổi của thế giới, giúp con người luôn nâng cao kỹ năng, học tập và hiện đại hóa các kỹ năng của mình.
Bên cạnh đó, trong thế giới hiện nay luôn phải có sự cân bằng giữa tính toàn cầu hóa và tính bản địa. Vì vậy, có văn hóa bản địa nhưng cũng phải chú ý đến văn hóa toàn cầu và sự cân bằng này giúp văn hóa của đất nước phát triển. Việc tiếp cận, tiếp biến văn hóa thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới bổ sung cho văn hóa bản địa.
Trong giai đoạn tới phải làm thế nào để văn hóa của chúng ta vẫn có những đặc sắc riêng nhưng đồng thời cũng không đối lập với xu hướng phát triển của văn hóa toàn cầu nói chung.
Như vậy, có thể thấy đã có những văn hóa mới mà đến nay chúng ta chưa định hình được rõ ràng và trên cơ sở của một nền văn hóa có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, chúng ta phải tiếp nhận những văn hóa mới và những văn hóa mới ấy sẽ giúp cho văn hóa Việt Nam càng ngày càng hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu, dự báo thêm những phương diện văn hoá, những nét văn hóa mới sẽ có thể phát sinh để bổ sung và Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 sẽ là kim chỉ nam để chúng ta bổ sung thêm những văn hóa mới đó.
- Dự kiến ngày 27/2 tới, Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", Giáo sư có kỳ vọng gì về Hội thảo lần này?
Hội thảo sẽ mở cho chúng ta một hướng nhìn trong giai đoạn khoảng 10-15 năm tới sẽ có những vấn đề văn hóa gì cần giải quyết. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển văn hoá, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn hoá, nhưng cùng với đó văn hóa của chúng ta đang tồn tại rất nhiều cái lạc hậu.
Chúng ta bàn đến vấn đề rất lớn là chiến lược phát triển văn hóa nhưng cũng hy vọng rằng những vấn đề còn tồn tại, những gì phản khoa học hiện nay sẽ chấm dứt. Khi chúng ta có chiến lược về văn hóa thì phải quay về đời thường để giải quyết những vấn đề đời thường.
- Xin cảm ơn Giáo sư!