Dấu tích một thuở vàng son của nhà Hậu Lê ở Thanh Hóa

15/03/2022 18:30

Theo dõi trên

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng các kiến trúc điện, miếu... ở Lam Kinh, làm nơi ở của các vua Lê khi về quê và nơi yên nghỉ của các vị vua Lê.

220d2093641t97227l0-1647343558.jpg

Di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân) với tổng diện tích 200ha. Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi, ngư­ời có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418 - 1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (vua Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt.

z3182176559412-b21755-1647343589.jpg

Đây là ngọ môn, lối đi lại của vua quan nhà Lê để vào chính điện. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, vua cho xây dựng các kiến trúc điện, miếu... để làm nơi nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thư­ờng trực trông coi Lam Kinh. Lam Kinh cũng là nơi yên nghỉ, xây lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

220d2094509t78686l0-1647343607.jpg

Sân rồng là một trong những kiến trúc có diện tích lớn nhất trong khu trung tâm của điện Lam Kinh, nằm tại phía sau Ngọ môn, chính giữa có 3 lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng. 

Theo tư liệu lịch sử và khảo cổ học, chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, với tổng diện tích là 1.645,04m2,gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Trải qua những biến thiên của lịch sử hàng trăm năm, di tích Lam Kinh bị tàn phá nặng nề, tòa chính điện này vừa mới được chính quyền cho trùng tu lại, hiện đang chờ được đưa vào sử dụng.

z3182176753560-4448c0ea0479dca6066f18e1db1fd69e-1647343626.jpg
z3183572821538-6315b07239c6463fdb11046a1787169f-1647343654.jpg
Kiến trúc của một trong 3 tòa chính điện Lam Kinh đã được trùng tu, tôn tạo

Thái miếu là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Theo kết quả khai quật khảo cổ, trong khu vực này gồm 9 tòa kiến trúc. Hiện nay, đã tôn tạo, phục hồi được 5 tòa (các tòa số 3, 4, 5, 6, 7).

z3183580983685-820b7e5cc9b31c25f838246becc3ed68-1647343678.jpg
z3182176802348-cb80d5dc1170fd908f5aff9dc2c875b6-1647343699.jpg

Bia Vĩnh Lăng được dựng vào năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ ( Lê Lợi) qua đời đưa về quê hương Lam Sơn an táng, bia dựng trên một gò đất cao rộng thoai thoải, mặt tiền nhìn về hướng nam. Bia được làm bằng đá trầm tích nguyên khối. Rùa và bia có trọng lượng ước tính trên dưới 18 tấn. 

z3183601217319-e92e32ce8654d71ecc86c09a3dbeb4d2-1647343719.jpg

Nội dung văn bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của Lê Thái Tổ. Đây là một công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật, đồng thời cũng là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ.

z3182177150804-13344a4443d764fbef07fde303bdff64-1647343755.jpg

Vĩnh Lăng (mộ vua Lê Thái Tổ) được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng, ở phía Nam chân núi Dầu. Năm 1995, Vĩnh Lăng đã được trùng tu, xây lại bằng gạch, bên ngoài ốp đá đục nhám.

z3182177087153-3d76e8af5187b90d189f614c2544b86d-1647343776.jpg

Phía trước lăng có 2 tượng quan hầu và 4 đôi tượng con giống bằng đá, đứng chầu vào đường “thần đạo” của lăng. Trong khuôn viên của di tích Lam Kinh, còn có 5 lăng mộ của các vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và lăng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao với kiến trúc tương tự.

z3182176715961-b5613bd27803c3e88a8ca703919d153e-1647343807.jpg
Trong khuôn viên di tích còn có rừng cây cổ thụ với những cây có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có cây đa thị hơn 300 năm tuổi.

Tại Khu di tích Lam Sơn, vào dịp tháng 8 (Âm lịch) hàng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt./.

Theo An ninh tiền tệ
Bạn đang đọc bài viết "Dấu tích một thuở vàng son của nhà Hậu Lê ở Thanh Hóa" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.