Đạo diễn Xuân Phước đi xuyên tâm dịch để phác họa chân dung tình người Sài Gòn

07/11/2021 12:29

Theo dõi trên

Có thể nói Đạo diễn Xuân Phước là người biết tạo xu hướng “khẩu vị” cho khán giả xem phim. Đó là một mệnh đề không thể thiếu trong chuỗi sáng tạo nghệ thuật Thứ Bảy hiện đại toàn cầu.

chan-dung-xuan-phuoc-1636248850.jpg
Đạo diễn Xuân Phước

Tốt nghiệp Nghệ thuật Sân khấu cùng lứa với Trần Cảnh Đôn, Công Ninh, tuy được nhà trường giữ lại làm giảng viên suốt 7 năm, đạo diễn Xuân Phước vẫn chạm khắc được thiện cảm công chúng qua bộ phim đầu tay Một thuở bên nhau (Nhà sản xuất Đào Thu). Sau đó, anh tiếp tục đạo diễn một loạt phim đạt doanh thu cao ngất: Hào phú đa tình, Nữ sinh quý tộc, Hoa hậu về làng và Nữ trinh sát đặc nhiệm…

Khi cao trào cải lương và ca nhạc chiếm được thị hiếu số đông khán giả, Xuân Phước là đạo diễn đi đầu trong việc “bê” cải lương, ca nhạc từ sân khấu ra phim trường với hàng ngàn sản phẩm video. Là một trong những đạo diễn khuynh đảo thị trường băng đĩa lúc bấy giờ.

Gần đây, khi dòng phim phong tục xã hội (thường được gọi là “phim xưa”) tạo được xu hướng quan tâm của khán giả truyền hình, Xuân Phước lại được ghi tên trong danh sách đạo diễn mát tay qua các bộ phim: Hoán nhân tâm, Khúc tương tư, Ải mỹ nhân, Phận làm dâu, Tơ đồng vương vấn Dâu bể đường trần…

Song song đó, anh còn chinh phục rating sóng truyền hình bằng thể loại tình cảm xã hội như: Hoa dại, Ngã rẽ cuộc đời, Cái bóng bên chồng, Đồng hồ cát, Ra giêng anh cưới em, Hương đồng nội, Sáu mặt Rubik, Người nhà quê, Sui Gia khắc khẩu… 

Vừa qua, TP. Hồ Chí Minh trải qua đợt dịch covid 19 bùng phát lần thứ 4. Toàn thành phố bị phong tỏa và giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Xuân Phước âm thầm đi xuyên tâm dịch để thực hiện một video ca nhạc trong vai trò, vừa là đạo diễn, vừa là nhạc sỹ sáng tác ca khúc: Sài Gòn mùa thương.

tra-loi-phong-van-dai-truyen-hinh-1636249250.jpg
Xuân Phước trong buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình

Phóng viên đã có một cuộc trò chuyện với đạo diễn Xuân Phước.

PV: Công chúng từng biết anh là đạo diễn. Bây giờ mới phát hiện ra, anh biết sáng tác nhạc nữa. Tại sao và vì sao anh không là một nhạc sỹ?

Đạo diễn Xuân Phước: Tôi đã từng học nhạc, sáng tác nhạc và có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc. Nhưng chỉ ghé qua như một cuộc dạo chơi. Tôi gắn bó với Điện ảnh và Truyền hình như là duyên nghiệp bằng tình yêu và sự mê đắm khó lòng dứt ra được. Thi thoảng tôi vẫn sáng tác nhạc, nhưng phần lớn là sáng tác nhạc cho phim do chính tôi làm đạo diễn. Tôi nghĩ: Nhạc phim cũng là một cái nghề đòi hỏi phải có kiến thức và sự rung cảm.

PV: Cái gì đã lay lắt tâm tư khiến anh bất chấp sự nguy hiểm của covid, sùng sục vào tâm dịch để tạo những khung hình xúc động tình thương? Trong những ngày quay MV, hình ảnh nào tạo thành kỷ niệm đọng lại tâm tư gã đạo diễn?

Đạo diễn Xuân Phước: Không chỉ riêng Nhạc hay Phim mà bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào muốn đi vào lòng công chúng thì nó phải xuất phát từ trái tim và thể hiện bằng cảm xúc. Tôi đã làm điều đó bằng chính cảm xúc của mình trong những tháng ngày đau thương và rát bỏng nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Chỉ có đi qua nó mới thấu hiểu được tính cách người Sài Gòn. Có một Sài Gòn rất riêng, bao dung và nghĩa tình. Bất cứ ai đến đây và ở lại đều trở thành người Sài Gòn. Lịch sử ghi nhận người dân thành phố đã dìu nhau đi qua cuộc chiến khốc liệt không có tiếng súng; nhưng mất mát và tang tóc là có thật. Ở đó, có một mùa chinh chiến chưa bao giờ ngơi nghỉ; mùa của đau thương cũng là mùa của yêu thương; mùa của sự nghĩa tình. Hình ảnh để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng không chỉ riêng tôi mà chắc chắn nó sẽ còn ám ảnh ít nhất đến 2 - 3 thế hệ. Đó là sự vắng lặng đến rợn người của một thành phố vốn được mệnh danh là thành phố không ngủ. Trong sự tĩnh lặng đó người ta chợt nhận ra nhiều thứ. Ví như thanh âm của một chiếc lá rơi hay tiếng còi xe cấp cứu… Hay như tiếng chuông đồng hồ của Chợ Bến Thành mà ngày thường ít ai nhận ra nó vẫn ngân vang suốt hàng trăm năm. Bất chợt trong những tháng ngày đau thương này, tiếng chuông ấy như trở thành điểm tựa của niềm tin.

Những sợi dây văng, những hàng rào kẽm gai trở thành biểu tượng của những ngày giãn cách. Dẫu vậy, với người Sài Gòn họ cách ly nhưng không cách lòng, giãn cách nhưng không ngăn cách. Từ trong gian khó, người Sài gòn trút ruột để thương nhau. Không chỉ riêng tôi mà có biết bao tình nguyện viên trẻ có, già có, rất trẻ tuổi và rất nhiều tuổi cũng có,… họ lao mình vào hiểm nguy bất chấp cả sinh mạng của mình. Dịch giã đi qua, có rất nhiều tình nguyện viên không bao giờ về nữa… Những hình ảnh đó nó ám ảnh không chỉ riêng tôi mà cả những đồng nghiệp của tôi. Nó làm thay đổi cả lối sống, cách ứng xử, văn hóa làm nghề của đại đa số anh chị em nghệ sĩ thời hậu Covid.

Ekip làm phim cũng gói gọn chỉ có 2 nhân sự vì thời điểm ấy rất khó để có thể đi lại ngoài đường chứ đừng nói gì đến chuyện tập họp anh chị em đoàn phim và nghệ sĩ.

ekip-chi-2-nguoi-1-dao-dien-va-1-quay-phim-1636249149.jpg
Ekip chỉ 2 người 1 đạo diễn và 1 quay phim

PV: Anh muốn ẩn dụ điều gì trong MV Sài Gòn mùa thương?

Đạo diễn Xuân Phước: Ca khúc Sài Gòn mùa thương ra đời ngay khi dịch Covid kéo dài từ ngày này năm trước đến ngày này năm sau và thậm chí còn lâu hơn nữa. Nó ôm trọn cả một mùa đau thương. Và đó cũng là mùa của yêu thương. Tôi đã đi và cảm nhận hơi thở thành phố bằng nhịp đập trái tim rồi trải lòng lên từng khuôn nhạc. Điều còn lại là hơi thở ấy, nhịp đập ấy có sống được, đi được vào lòng của công chúng hay không thì còn phải chờ sự thẩm định của khán giả.

PV: Bây giờ anh đối xử thế nào với Sài Gòn mùa thương?

Đạo diễn Xuân Phước: Như đã chia sẻ: Sài gòn mùa thương là ca khúc được viết nên từ sự rung động của trái tim đầy xúc cảm trước bối cảnh lịch sử đau thương của thành phố, nên nó như đứa con tinh thần của mình. Đã là con thì chắc chắn chúng ta sẽ đối xử bằng sự nâng niu và trân trọng. Tôi dành nhiều thời gian để dựng thành nhiều phiên bản khác nhau, tôi muốn lan tỏa cảm hứng và truyền nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người xung quanh, chung tay giúp Sài Gòn vượt qua đại dịch. Để sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn tôi có dự định sẽ tạo điều kiện tối đa cho các bạn ca sĩ, nghệ sĩ khi trình bày và biểu diễn ca khúc này.

PV: MV Sài Gòn mùa thương quy tụ hàng chục ca sỹ không chuyên như diễn viên, bác sỹ, công nhân… MV lại được thực hiện trong giai đoạn tp trải qua đại dịch khắc nghiệt. Anh gặp khó khăn gì, khi mời những nhân vật đó tham gia?

Đạo diễn Xuân Phước: Ngoài việc là đạo diễn, Tổng giám đốc hãng phim Xuân Phước thì tôi còn tham gia công tác giảng dạy tại trường SK-ĐA TP.HCM nên phần lớn các bạn diễn viên, nghệ sĩ..vv… đều là học trò. Khi chia sẻ ý tưởng thực hiện MV Sài Gòn Mùa Thương thì các bạn đều háo hức. Trong trường các bạn là học viên; trong công việc các bạn còn là đồng nghiệp. Khi hát chung một bài ca mang giá trị lan tỏa cảm hứng và truyền nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người xung quanh thì các bạn còn vì một chữ đồng khác, đó là đồng bào. Vì vậy, đa số các bạn đều hưởng ứng và đồng thuận.

Khó khăn nhất là các bác sĩ, họ rất muốn góp giọng nhưng không nói ra ai cũng biết sự vất vả của lực lượng này như thế nào, đến cái ăn còn không kịp no, cái ngủ cũng không được trọn, nhưng các bạn ấy cũng vì chữ THƯƠNG mà cố gắng hết  sức để thu âm và quay hình cho MV.

Tôi thấy hạnh phúc và cảm ơn các bạn vì điều đó để chúng ta cùng mang đến cho XH một tác phẩm ý nghĩa, ghi dấu một giai đoạn lịch sử của thành phố. Nơi đã cưu mang hầu hết anh chị em nghệ sỹ và cả những người đã đến và cư ngụ tại thành phố này.

xuan-phuoc-tu-dung-hau-ky-cho-mv-1636249316.jpg
Xuân Phước tự dựng hậu kỳ cho MV

PV: Dự định hiện tại của anh?

Đạo diễn Xuân Phước: Hiện tại, thành phố đang bắt đầu bước vào giai đoạn bình thường mới. Với vai trò đạo diễn, Tôi tập trung 200% năng lượng cho các dự án phim truyện truyền hình, phim chiếu Tết và một số chương trình ở các Đài truyền hình…vv…. Mặc khác, hãng phim Xuân Phước cũng đang đẩy mạnh công tác truyền thông thương hiệu cho các sản phẩm, nhãn hàng, công ty,..vv… hỗ trợ doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn giúp họ phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng.

PV: Cám ơn đạo diễn Xuân Phước đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện.

Năm 2004 và 2005, đạo diễn Xuân Phước được Bộ VH - TT trao Bằng khen và chứng nhận danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất toàn quốc. Bằng khen cá nhân xuất sắc của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Giải thưởng của Hội nhà báo TP. HCM cho phim Tìm về dáng lụa nói về Lãnh Mỹ A mà nhà thiết kế Võ Việt Chung phục hồi năm 2003;

Giải thưởng của Hội nhà báo TP. HCM phim tài liệu Hát bội và lớp trẻ kế thừa năm 2004; 2006:

Huy chương bạc liên hoan phim truyền hình toàn quốc với phim Cha và con 2006; Phim Hoa dại được bình chọn 1 trong 10 bộ phim truyền hình hay nhất năm 2009; Giải thưởng bộ phim truyện truyền hình xuất sắc nhất 2011 phim Sáu mặt rubik; Giải 3 liên hoan phim truyền hình toàn quốc phim Lúa trổ bông 2012…

Hồ Xuân Dung
Bạn đang đọc bài viết "Đạo diễn Xuân Phước đi xuyên tâm dịch để phác họa chân dung tình người Sài Gòn" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.