Đảng viên Phạm Hồng Giang: Suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự bình yên của nhân dân

23/05/2022 09:10

Theo dõi trên

Trong cuộc sống, có những người suốt cuộc đời tham gia cách mạng nhưng hiếm khi nói về mình. Họ âm thầm cống hiến, tận tụy hoàn thành công việc được Đảng, Nhà nước và tổ chức giao phó. Đảng viên Phạm Hồng Giang là một trong những người như vậy.

Đồng chí Phạm Hồng Giang (Bí danh Ba Giang), sinh năm 1941, hiện thường trú 15/9A Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 27, quận Bình Thạnh. Ông gia nhập Lực lượng Công an nhân dân từ năm 1963, đến năm 1972 - 1973 được chi viện cho Ban An ninh vũ trang T4, giữ nhiệm vụ Chánh Văn phòng kiêm trợ lý thanh niên. Cách đây 51 năm, ông được kết nạp vào Đảng đúng ngày sinh nhật Bác (19/5/1971). Năm 2021, ông được Đảng bộ Phường 27 trao Huy hiệu 50 tuổi Đảng.

Ai ghé nhà ông cũng có thể thấy ông trân trọng treo rất nhiều huân, huy chương: Huân chương Quyết thắng hạng Ba (năm 1982); Huân chương Kháng chiến hạng Ba (năm 1985); Huân chương Chiến công hạng Nhất (năm 1990); Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba…

22-05-2022-dang-vien-pham-hong-giang-suot-doi-cong-hien-vi-su-nghiep-cach-mang-cua-dang-vi-fcfac73f-details-1653271807.jpg
Đồng chí Phạm Hồng Giang

Mặc dù đã cao tuổi (82 tuổi), nhưng trông ông rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Trôi theo dòng suy nghĩ và nhớ lại, ông bắt đầu nói về những ngày tháng công tác trong ngành Công an. Sau cao trào Đồng Khởi, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng, ngày 19/3/1961, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định quyết định thành lập Ban Bảo vệ an ninh T4, để tăng cường cho lực lượng vũ trang. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968, Ban Bảo vệ an ninh T4, ngày càng lớn mạnh, huy động mọi lực lượng có trong nội thành và các lực lượng vũ trang bảo vệ căn cứ; trinh sát vũ trang nội đô, khẩn trương phát triển lực lượng, tạo chỗ ở cho lực lượng bên ngoài vào phối hợp đánh các trận lớn hơn, kể cả đánh phá trụ sở các cơ quan của địch...

Vào những năm 1969 - 1970, Ban Bảo vệ An ninh T4 được mang ký hiệu “Mật” với bí số là B9, B30, đóng quân ở mật khu Hố Bò, Củ Chi. Khi địch phát hiện căn cứ, tọa độ của ta lúc nào thì chúng tập trung càn quét, đánh phá ác liệt. Trong kháng chiến, để phù hợp với đặc điểm tình hình công tác, Ban An ninh T4 được biên chế thành 3 đại đội, cơ động gọn nhẹ, tình huống nào cũng hành quân chiến đấu hoặc di chuyển được ngay: Đại đội I (C1), biệt phái thực hiện công tác giao liên cho Thành ủy, các ban ngành, đoàn thể; Đại đội II (C2), xây dựng căn cứ, chiến đấu chống càn, bảo vệ vòng ngoài, thông tin liên lạc, cơ yếu, điện đài, hậu cần; Đại đội 3 (C3), vũ trang bảo vệ, tiếp cận các đồng chí thường vụ (cán bộ cao cấp), khu ủy vòng trong.

Quá trình công tác và chiến đấu, Ban An ninh T4 đã trực tiếp tham gia chiến đấu, chống càn hàng trăm trận, diệt và trừng trị nhiều tên ác ôn, thám báo có nhiều nợ máu với nhân dân, với cách mạng, phá thế kìm kẹp của địch; đã hỗ trợ cho các phong trào quần chúng nhân dân vùng ven nổi dậy. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao của Khu ủy mà sau này trở thành các nhà lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước như các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ...

Đối với Ban An ninh T4, từ khi hình thành đến ngày giải phóng Thành phố, đơn vị có hơn 300 đồng chí cán bộ, chiến sĩ. Một số đồng chí chỉ huy xuất sắc, lập được nhiều thành tích, tiêu biểu sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang như: Lê Văn Nón, Võ Văn Vân, Lê Văn Lên, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Lũ, Huỳnh Công Oai, Trần Bé Cù, Huỳnh Minh Mương ... Sau năm 1975, Thành phố Sài Gòn và miền Nam được giải phóng, Ban Bảo vệ an ninh T4, được chuyển sang làm nhiệm vụ của Cảnh sát Bảo vệ TPHCM.

Vừa nói, ông Giang vừa lấy cho tôi xem một giấy chứng nhận “Cán bộ, chiến sĩ cùng công tác, chiến đấu ở các địa bàn đã bị chất độc màu da cam - Diocine”, rồi cho biết: “Tôi sống và chiến đấu cùng với ông Ba Lên (tên gọi thân mật của Đại tá Lê Văn Lên) từ năm 1971 đến 1975 ở Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, vùng tam giác sắt, chiến khu Đ Bời Lời đến các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre”... 

Chưa dừng lại ở thời gian cống hiến của mình trong lực lượng công an nhân dân, sau khi về nghỉ hưu năm 1991, ông Ba Giang nhận nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ Khu phố 5 một nhiệm kỳ và có 5 nhiệm kỳ là Phó bí thư Chi bộ đồng thời kiêm thêm Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chữ Thập đỏ, 20 năm làm Trưởng ban Liên lạc lực lượng bộ đội biên phòng...

Quá trình công tác Đảng tại địa phương, với tinh thần tích cực, ông Ba Giang có 9 lần nhận giấy khen của Đảng bộ Phường 27: thực hiện tốt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo”; 5 năm liền được tuyên dương đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2008 - 2012) ... 

Nghe ông Ba Giang nói đến đây, tôi hết sức khâm phục, ngưỡng mộ cho sức làm việc và sức khỏe của ông. Một con người cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì dân, vì ngành công an hầu như gần suốt cuộc đời, như ông nói “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Thật vậy, một người đã 82 tuổi đời mà trông sao rất quắc thước, minh mẫn, yêu đời.

Chia tay ông Ba Giang tôi còn nhớ như in cái siết tay đầy thân thiết và tình cảm. Ông nói: “Còn sức thì thấy việc gì ích nước, lợi cho cộng đồng, cho tập thể thì ráng làm. Chớ câu nệ. Việc nào vừa sức của mình thì xung phong, cống hiến. Trong lao động, trong làm việc có sẵn niềm vui. Chỉ có người nào suy nghĩ được như vậy thì làm tốt hết cả”. 

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Đảng viên Phạm Hồng Giang: Suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự bình yên của nhân dân" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.