Đắk Lắk: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với tiêu thụ nông sản

29/05/2024 07:29

Theo dõi trên

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Với diện tích cây trồng hằng năm hơn 679.000 ha, nông dân Đắk Lắk đã tạo ra nhiều loại nông sản có giá trị như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, sầu riêng, mắc ca… Từ thế mạnh rất lớn này là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn là giải pháp hữu hiệu để quảng bá nông sản của tỉnh.

dak-lak866675-1716942524.jpg
Du khách tham quan vườn cây ăn trái tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar. Ảnh: Sở VH-TT&DL Đắk Lắk

Không ít du khách rất hào hứng với du lịch nông nghiệp và loại hình này đã hình thành và phát triển ở nhiều vùng nông thôn nước ta những năm gần đây. Thực tế ở một số địa phương cho thấy khi du lịch nông nghiệp được đầu tư, đường sá, nhà cửa được nâng cấp, sửa chữa sạch đẹp, ý thức môi trường được nâng lên, người dân cũng ý thức nâng cao trình độ giao tiếp, kỹ năng sản xuất kinh doanh qua việc đón tiếp du khách tại nhà.

Hiện nay, nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách với du lịch nông nghiệp ngày càng cao. Gắn tiêu thụ nông sản thế mạnh của địa phương với phát triển du lịch để tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp (DN), nông hộ trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều DN, chủ vườn ca cao, bơ, cà phê, sầu riêng ở địa phương đã quan tâm, đón khách đến trải nghiệm để có cơ hội quảng bá về sản phẩm nông sản thế mạnh của mình.

Với nhiều du khách, khi đã quá quen những điểm đến như: Du lịch cầu treo Buôn Đôn, hồ Lắk, cụm thác Dray Nur - Dray Sáp thượng… thì việc khám phá miền đất nổi tiếng về nhiều loại nông sản chủ lực bằng du lịch nông nghiệp trở nên khá tuyệt vời. Riêng việc đến để hiểu, làm quen với công việc đồng áng, tiếp xúc, nghe nhà nông chia sẻ quy trình trồng, chăm sóc, làm ra các sản phẩm nông sản sạch, có giá trị là một điều thú vị, không dễ gì tìm thấy ở những điểm du lịch khác.

Đặc biệt hơn khi Đắc Lắk được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam với hương vị cà phê thơm ngon tuyệt vời mà tên tuổi đã bắt đầu xuất hiện trên sàn giao dịch quốc tế. Đây chính là một trong những bí mật của mảnh đất bazan Tây nguyên màu mỡ mà du khách muốn khám phá: bí kíp làm nên hạt cà phê có vị thơm ngon rất riêng mang tên Buôn Ma Thuột. Vườn tiêu, vườn bơ, vườn sầu riêng, chôm chôm và nhiều loại hoa trái khác đang được nhiều nhà vườn đầu tư phát triển mạnh vài năm gần đây ở Đắk Lắk cũng là điểm đến hấp dẫn.

Bên cạnh đó, mô hình du lịch nông nghiệp dựa trên thế mạnh các loại nông sản chủ lực của tỉnh đang có triển vọng lớn, được nhiều DN khẳng định là hướng đi phù hợp vừa mang lại nhiều lợi ích kinh tế, vừa giúp nâng cao vị thế nông sản địa phương. Khi du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển sẽ thúc đẩy tiêu thụ, “xuất khẩu tại chỗ”, là kênh quảng bá hiệu quả cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản chủ lực đặc trưng của địa phương chính là “hồn cốt” để tạo nên sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Việc coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch nông nghiệp phát triển sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm, góp phần đưa du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, dù nhiều nỗ lực từ phía nông hộ, DN và cơ quan quản lý nhưng thực tế việc triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhất định, khó khăn lớn nhất là chuyển đổi đất để xây dựng các công trình điểm dừng chân cho khách, khu trưng bày sản phẩm, bãi đậu xe, khu vệ sinh… đáp ứng các yêu cầu của mô hình du lịch phục vụ khách. Việc tiếp đón du khách đến tham quan tại hầu hết các vườn cây ở địa phương chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Vì phần lớn các điểm này đều chưa thể bảo đảm các điều kiện, tiêu chí theo quy định để được công nhận là điểm du lịch.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và Du lịch cho biết, để khai thác tốt lợi thế nông nghiệp của địa phương nhằm phát triển du lịch bài bản hơn, Sở đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng các DN, chủ vườn cây đầu tư xây dựng các hạng mục, dịch vụ phục vụ du lịch theo đúng quy định và pháp luật liên quan; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản thế mạnh, chất lượng của địa phương gắn với quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Cùng với đó, đồng hành, hỗ trợ DN, nông dân trong đào tạo, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch. Trên cơ sở nhìn nhận thế mạnh sẵn có, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để khảo sát, đề xuất, góp ý xây dựng các mô hình có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại các huyện Krông Pắc, Krông Búk, Cư M’gar…

Song Anh
Bạn đang đọc bài viết "Đắk Lắk: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với tiêu thụ nông sản" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.