Đắc Lắk: “Đòi bắt” phóng viên khi tác nghiệp về phòng chống dịch Covid-19?

23/09/2021 15:38

Theo dõi trên

Mặc dù TP Buôn Ma Thuột đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (+) của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng UBND TP Buôn Ma Thuột vẫn tổ chức cưỡng chế thu hồi với sự tham gia của hàng trăm người.

dac-lac-1-1632363504.jpg
Công văn của Tạp chí Luật sư Việt Nam về việc làm rõ hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Sáng ngày 20/9/2021, thông tin từ người dân cho biết có rất đông người của UBND TP Buôn Ma Thuột đang tổ chức cưỡng chế các nhà dân đang sinh sống trong khu vực để làm khu tái định cư tại thôn 1, xã Hòa Thắng với sự tham gia của hàng trăm người.

Nhận được tin báo người dân phản ánh, hai phóng viên Nguyễn Sỹ Hạnh và Trần Thị Hương - đều là phóng viên của Tạp chí Luật sư Việt Nam đã trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận sự việc.

Tuy nhiên, khi xuống hiện trường phóng viên chưa tác nghiệp, đang liên hệ với trưởng đoàn để đăng ký tác nghiệp theo quy định, nhưng khi phóng viên mới tiếp cận hiện trường thì bị chiến sỹ công an là Đại úy Nguyễn Tiến Nguyên đang công tác tại Công an TP Buôn Ma Thuột liên tục có hành vi, lời nói thô bạo, thái độ hung hãn, liên tục bóp tay, rồi nhấn đầu khóa tay phóng viên, kèm theo những lời nói không chuẩn mực một chiến sỹ Công an nhân dân.

Mặc dù phóng viên đã giải thích việc phóng viên tác nghiệp hoàn toàn đúng quy định nhưng người này vẫn nạt nộ, thách thức, “đòi ‘bắt’ phóng viên đưa về. Đoàn cưỡng chế của UBND TP Buôn Ma Thuột đã có hành vi cản trở, kèm theo hành vi sử dụng vũ lực với phóng viên dù phóng viên hoạt động theo đúng đề tài đã đăng ký, đã được Tạp chí Luật sư Việt Nam cấp Giấy giới thiệu số 365/GGT-TCLSVN ngày 08/9/2021 để tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bản tỉnh Đắk Lắk, phóng viên chưa có bất cứ hành vi nào để tác nghiệp hay cản trở đoàn cưỡng chế.

Sau khi bị từ chối không cho tác nghiệp, phóng viên xin được quay ra để liên hệ làm việc với UBND xã Hòa Thắng. Tuy nhiên, chiến sỹ Công an Nguyễn Tiến Nguyên tiếp tục có hành vi lời nói đe dọa, đồng thời dùng nghiệp vụ bẻ, khóa tay phóng viên, kèm thêm những lời thách thức, đe dọa và không cho đi lại hướng đường cũ mà yêu cầu tìm đường khác để đi, dù trong khu vực đó chỉ có một con đường dân sinh duy nhất. Toàn bộ sự việc trên được đông đảo người dân chứng kiến.

Sau khi sự việc xảy ra, phóng viên đã liên hệ với UBND xã Hòa Thắng để trình báo sự việc nhưng tại UBND lúc 11h10’ không có ai trực, phòng Trưởng Công an xã mở cửa nhưng không có người. Đến 14h, ngày 20/9, phóng viên đã làm đơn trình báo lên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, Công an thành phố Buôn Ma Thuột về sự việc.

Làm việc với Thượng tá Bùi Trọng Tuấn - Trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, ông Tuấn cho biết, đã nắm được thông tin và sẽ cho kiểm tra lại, quy trình công tác, sự việc như thế nào sau đó sẽ có phản hồi rõ ràng.

ông Tuấn cho hay: “Anh em đi làm nhiệm vụ, làm đúng thì không sao nếu làm sai tùy theo tính chất mức độ sẽ xử lý theo quy định. Nếu đúng như anh nói thì không thể làm như thế được, cán bộ sai quy trình, quy chế, văn hóa ứng xử chúng tôi sẽ chấn chỉnh”.

Điều đáng nói, TP Buôn Ma Thuột đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (+) của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 11/9/2021, UBND TP Buôn Ma Thuột đã ban hành Công văn số 4067/UBND-VP áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg đối với 20 phường, xã của thành phố, trong đó có nội dung “Không tập trung quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Trường hợp cần thiết, phải được sự đồng ý của UBND thành phố bằng văn bản”.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 22/9 Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có công văn đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk khẩn trương làm rõ và có biện pháp bảo vệ quyền hoạt động báo chí của phóng viên trên địa bàn; đồng thời thông báo kết quả xử lý vụ việc trên cho Tạp chí Luật sư Việt Nam được biết./.

Gia Hân
Bạn đang đọc bài viết "Đắc Lắk: “Đòi bắt” phóng viên khi tác nghiệp về phòng chống dịch Covid-19?" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.