Cửa ngõ Dương Minh Châu

25/09/2015 08:38

Theo dõi trên

Gọi cửa ngõ, hay địa đầu Dương Minh Châu, có lẽ vì lý do này. Đây chính là ngã tư trên con đường được gọi là đường Sứ từ trên 200 năm trước. Năm 1815, vua Gia Long- Nguyễn Ánh đã lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định phải đo đạc, tu sửa rộng ra tới 6 tầm (khoảng 16m); lại: “Gặp sông ngòi thì bắc cầu, xây cống, chỗ bùn lầy thì lấy đất bồi lấp, qua rừng đẵn cây mở đường thiên lý…”.



Đảo giao thông cửa ngõ DMC.

Thật ra, phải đi qua gần hết xã Bàu Năng, xã địa đầu của huyện Dương Minh Châu mới đến địa điểm này. Nhưng có lẽ với những người từ nơi khác tới, vẫn có cảm giác đây mới là cửa ngõ của huyện. Vì dẫu từ đâu đến, thì tới đây bỗng thấy đất trời bao la trải rộng.

Một dòng kênh Tây thẳng tắp, đầy ắp nước trong chạy băng về hai phía chân trời. Và, kỳ diệu nhất chính là bóng núi Bà sừng sững. Như núi đã ở kề sát bên ta. Lúc nắng xanh thì núi cũng xanh, rực rỡ dưới những làn mây trắng. Lúc mây mưa thì núi cũng đen thẫm lại dưới u ám trời mây.

Gọi cửa ngõ, hay địa đầu Dương Minh Châu, có lẽ vì lý do này. Đây chính là ngã tư trên con đường được gọi là đường Sứ từ trên 200 năm trước. Năm 1815, vua Gia Long- Nguyễn Ánh đã lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định phải đo đạc, tu sửa rộng ra tới 6 tầm (khoảng 16m); lại: “Gặp sông ngòi thì bắc cầu, xây cống, chỗ bùn lầy thì lấy đất bồi lấp, qua rừng đẵn cây mở đường thiên lý…”.

Nhân tháng 9.2015 này có ngày kỷ niệm 70 năm ngành Giao thông Vận tải của đất nước, cũng nên nhắc lại sự kiện này, coi như một công trình đường bộ quan trọng đầu tiên của triều Nguyễn trên đất Nam bộ. Nhờ câu chữ này của sách Gia Định thành thông chí, mà trong các bản đồ cổ của triều Nguyễn từ đó về sau đều ghi là đường Thiên Lý phía Tây.

Dọc con đường cái quan này, triều đình còn đặt các trạm thay ngựa như trạm Cầu Khởi và Truông Mít. Tầm quan trọng của nó có lẽ cũng ngang ngửa với đường cao tốc thời nay.

Chính ở ngã tư này, nếu qua cầu kênh K13 thẳng đường 781 là sẽ tới những xã Phan, thị trấn Dương Minh Châu, Phước Ninh, Suối Đá. Còn nếu từ TP Tây Ninh đi ra không qua cầu kênh mà theo đường 784 thì ta sẽ lần lượt gặp các xã Chà Là, Cầu Khởi, Lộc Ninh, Truông Mít.

Thật thú vị, nếu tới đây vào một ngày chủ nhật cuối tháng 8.2015, quẹo lối 784 hơn một km là sẽ thấy một ruộng sen hồng đang độ mãn khai hoa rừng rực nở. Dù đã có thêm màu xanh cốm của vô số những gương sen, nhưng màu hồng ấy vẫn có vẻ tươi thắm hơn sen trên đồng đất Thanh Điền.

Có lẽ là nhờ vị trí ở gần hơn chân núi Bà Đen. Vào một trưa nắng núi ngời xanh, mây ngời trắng thì màu hồng sen càng trở nên kiêu sa lộng lẫy. Nam thanh, nữ tú các nơi cũng biết kéo về đây chụp hình kỷ niệm, làm vui râm ran cả một phía con đường. Chủ ruộng sen là vợ chồng bác trung niên “rặc” nông dân.

Họ cũng bắt đầu có ý thức “làm du lịch” ở ngay cổng ngõ huyện nhà rồi đấy! Nhưng trước đây khoảng bảy, tám năm, đã có một anh bạn trẻ nhìn ra địa thế này để mở ngay một quán cà phê mang tên “Thạch Uyển Hương”. Đấy là anh Thắng, một chủ cây xăng.

Anh bảo vì mê đá núi Bà quê mình quá mà lập ra Vườn Đá, cốt để gìn giữ lại các “hình sông thế núi” có trên từng tảng đá núi Bà. Quả nhiên, đá vườn Thạch Uyển toàn dáng đẹp nhỏ, to xếp từ cổng vào trong, lại khắc chữ kiểu thư pháp.

Tảng thì viết chữ “công cha”; hòn ghi “nghĩa mẹ”… Rồi ca dao, thành ngữ dân gian toàn những câu hay. Và, không chỉ có đá thôi đâu, trong Thạch Uyển Hương có cả mặt hồ gương nước, cây sanh, si cổ thụ, cành tán bò ngang như giàn mướp trên đầu. Rồi xe bò các kiểu từ cả trăm năm trước.

Thú vị nhất có lẽ là tảng đá lớn như đống rơm, có hình ông Di Lặc đang xoa bụng tròn căng khiến bất cứ ai cũng muốn sà vào lòng ông mà chụp ảnh. Thạch Uyển Hương giờ đây đã thành một địa chỉ quen của các nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh cưới dã ngoại. Rõ là một mô hình thành công của sự “đi trước, đón đầu”.

Nói vậy, vì sớm muộn gì, lòng hồ Dương Minh Châu cũng sẽ trở thành một điểm du lịch không thể bỏ qua của ngành du lịch Tây Ninh và các tỉnh trong khu vực.

Làm sao có thể lãng phí nguồn tài nguyên quý giá quá lâu như thế được! Khi mà huyện Dương Minh Châu từng là huyện căn cứ địa- một mô hình sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam từ mùa hè năm 1951, bền bỉ kiên cường suốt hai thời kỳ kháng chiến.

Từ năm 1985 có thêm một lòng hồ thuỷ lợi lớn nhất nước với 27.000 ha mặt nước, còn lớn hơn cả Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát trên vùng biên giới Tân Biên.

Và không chỉ có người dân! Đã từng có một cán bộ huyện trước khi nghỉ hưu cũng đã ngắm nhìn đất đai khu cổng ngõ huyện mình. Không phải để kiếm đất cho mình, mà anh đã trình tập thể lãnh đạo để làm một mốc son ghi dấu.

Ngay tại ngã ba đường 784 rẽ về Bàu Năng, cách cầu kênh K13 khoảng cây số rưỡi, anh cho lập một đảo giao thông tròn, trong đó đặt những khối đá núi Bà Đen. Bạn tới đây có thể hình dung đấy là biểu tượng của Phụ- Tử hoặc là Mẫu- Tử.

Hoặc cũng có thể anh nhớ lại câu chuyện năm xưa, sau tháng 7.1954 bộ đội ta rút khỏi chiến khu theo lối đường này về miền Tây xuống tàu tập kết. Dân hai bên đường có nhiều bà mẹ dẫn theo con ra tiễn chồng, cha… Nên bây giờ mấy hòn đá ấy có dáng hình Mẫu- Tử nhiều hơn.

Tác phẩm này do một người dân xã Chà Là- ông Kịp Râu, có nhà đối diện với biểu tượng này thực hiện. Chẳng biết có phải nhờ tác phẩm sắp đặt đầu tiên đầy tính ngẫu hứng này đã rất thành công, mà bây giờ nhà ông đã trở thành một xưởng chế tác đá với quy mô khá lớn.

Hàng chục thợ đục đẽo mỗi ngày, chế ra nhiều hiện vật đá mỹ nghệ thật ấn tượng dùng cả trong sinh hoạt lẫn phục vụ tín ngưỡng. Trong số ấy, có những cây đèn hình nấm bằng đá núi. Thật kỳ diệu chính là những cây nấm đá này đây! Một khúc đá thuôn dài tự nhiên làm cây.

Thêm một tảng đá “đầu sư” bửa đôi làm mũ tai nấm. Dấu vết của con người chỉ có duy nhất ở lỗ đục đặt đèn. Mỗi bộ 3 cây nấm đá cao 7- 8 tấc ấy có thể làm sang cho bất cứ một vườn kiểng nào, dù công sở hay là biệt thự.

Cũng thuộc về cửa ngõ Dương Minh Châu, nhưng nơi được nhiều người biết đến nhất lại chính là cái chợ đầu mối rau- củ- quả. Cách cầu kênh K13 độ 200 mét, hướng Bàu Năng; chợ chỉ là khu đất chữ nhật bên đường với những cột lều bằng bê tông, mái tôn mỏng mảnh.

Vậy mà nông dân từ các huyện từ gần tới xa như Tân Biên, Tân Châu mỗi ngày lại tìm về cùng với hàng trăm loài rau củ quả tươi non của đồng đất quê mình. Rồi từ đây, những gì tươi ngon thơm thảo nhất của Tây Ninh sẽ lại chia đi khắp ngả.

Để ý mà xem, xe đi qua khu vực này đều như chầm chậm lại. Để người trên xe nghiêng ngó nhìn hay phồng mũi lên hít thở mùi lúa mùi sen và cả những mùi vị mát thơm của các loài rau củ. Để nếu có nhấn ga cương quyết về, cũng còn có những ký ức đẹp mang theo. Đấy là cửa ngõ Dương Minh Châu.

Theo TRẦN VŨ (Tây Ninh Online)

Bạn đang đọc bài viết " Cửa ngõ Dương Minh Châu " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.