Cù lao An Bình - một điểm đến du lịch hấp dẫn mang đậm chất miền Tây sông nước

10/08/2022 09:47

Theo dõi trên

Trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã đón khoảng 85.320 lượt khách (tăng 30% so cùng kỳ năm 2021), tổng doanh thu ước đạt 20,890 triệu đồng (tăng hơn 43% so cùng kỳ).

dh-23466778854-1660099358.jpg
Một góc Cù lao An Bình nhìn qua bờ TP Vĩnh Long.

Tận dụng lợi thế tự nhiên của hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khí hậu xanh mát cùng những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm, những năm qua, chính quyền huyện Long Hồ đã đầu tư, xây dựng, đưa cù lao An Bình trở thành một điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Long.

Có hai cách để đến cù lao An Bình, một là đi xe máy rồi theo phà qua sông Cổ Chiên, hai là đi thuyền du lịch trên hệ thống sông ngòi chằng chịt, len lỏi vào trong những vườn trái cây trĩu quả của người dân làm du lịch ở các con kênh quanh đê bao cù lao với hai bên kênh là những vườn cây trái xanh mát, trĩu quả, những dòng kênh dập dềnh con nước. Thi thoảng, là bóng dáng của những chiếc cầu khỉ vắt vẻo. Vào nơi đây mới thấy hết sự bình yên, an yên đúng như tên gọi An Bình của cù lao.

dhhh-376547547858-1660099412.jpg
Du khách tham quan du lịch Cù lao An Bình trên thuyền du lịch.

Cù lao An Bình gồm 4 xã: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, với diện tích hơn 60 km2, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và sông Tiền. Từ bao đời nay, nhờ phù sa những dòng sông bao bọc, bồi đắp, nơi đây đã xuất hiện những miệt vườn cây trái xanh tốt. Người dân địa phương thường tự hào bởi trái cây ở cù lao An Bình có quanh năm, mùa nào thức nấy, mỗi loại mang một hương vị đặc trưng riêng. 

Nhờ vào địa thế sông nước, miệt vườn, nhiều nhà vườn đã hình thành và được chọn làm nơi khai thác du lịch. Những người dân quanh năm chỉ quen với miệt vườn, cây trái, bỗng nhiên biết đến cụm từ mà trước đến giờ, với họ rất xa lạ: “làm du lịch”. Du lịch đã tạo cho nơi đây sự thay đổi cả về kinh tế lẫn diện mạo. Những hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn tược để thu hút khách tham quan.

dhhh-2563463467477-1660099510.gif
Du khách thưởng thức trái cây ở nhà vườn Duyên Xương, ấp An Thới, xã An Bình, huyện Long Hồ.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Long Hồ cho biết, trên địa bàn huyện có 2 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia là Chùa Tiên Châu (xã An Bình) và Khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (Long Phước); 7 di tích cấp tỉnh. Các di tích luôn được quan tâm tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp để phục vụ khách tham quan, chiêm bái vào dịp ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm và ngày cúng (vía)… 6 tháng đầu năm các di tích đã đón trên 30.802 lượt người đến tham quan và cúng bái.

anh-04-29-1660005418-1660099558.jpg
Sau khi đi thuyền du lịch vào tận vườn trái cây thưởng thức trái cây trĩu quả, du khách ghé Cơ sở sản xuất cốm - kẹo Cửu Long xem người dân sản xuất kẹo và cốm từ các công đoạn sơ đến đóng gói thành phẩm.

Nhằm thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch, huyện Long Hồ đã tập trung ưu tiên phát triển như: Du lịch nhà vườn kết hợp nghỉ dưỡng theo hình thức homestay; du lịch sông nước gắn với hoạt động nuôi thủy sản hoặc đánh bắt thủy hải sản trên sông; du lịch tín ngưỡng tâm linh gắn với hoạt động nhân đạo từ thiện.... Qua đó, lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm du lịch sinh thái của huyện trong 6 tháng đạt khoảng 85.320 lượt khách (tăng 30% so cùng kỳ năm 2021), chủ yếu là khách nội địa và các địa phương lân cận (không có khách quốc tế), tổng doanh thu ước đạt 20,890 triệu đồng (tăng hơn 43% so cùng kỳ).

cu-lao-binh-n-5-1660005793-1660099603.jfif
Du khách tham quan cơ sở làm kẹo, cốm xong có thể ghé gian hàng mua sản phẩm về làm quà.

Hiện tại Long Hồ đã phát triển được trên 19 cơ sở lưu trú du lịch (homestay) có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn ASEAN Homestay, 6 khách sạn đạt chuẩn 1 sao và 5 nhà nghỉ đạt chuẩn theo quy định, 5 cơ sở kinh doanh ăn uống du lịch (không có lưu trú) và trên 20 điểm tham quan vườn trái cây, cây giống.

Văn Dương - Hồng Ân
Bạn đang đọc bài viết "Cù lao An Bình - một điểm đến du lịch hấp dẫn mang đậm chất miền Tây sông nước" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.