Con rắn nhìn chung không được dung nhiều như là một biểu tượng cho cái tốt và đẹp. Nhiều nền văn hóa vẫn cho rằng nhiều biểu tượng đối lập như thiện ác, phản trắc, lừa lọc, đa nghi hay sự tái sinh, tùy vào đặc tính giống loài và các miền văn hóa. Nổi tiếng nhất chính là câu chuyện con rắn lừa cho Adam và Eva ăn quả nhận thức và họ nhận ra và vướng vào nỗi ám ảnh dục vọng. Đó cũng là nỗi ám ảnh của loài người, theo quan niệm của Thiên Chúa Giáo.
Còn ở Việt Nam, rắn phần nhiều gắn với các biểu tượng ác, phản trắc và là nỗi sợ của nhiều cộng đồng. Đó là sự phản trắc, lòng thủ hận, nham hiểm được nhắc đến trong những thành ngữ, tục ngữ, chuyện kể như tich con rắn báo thù khiến cả gia tộc của Nguyễn Trãi vướng họa tru di.
Người Thái ở Nghệ An thì rắn mang những biểu tượng khá khác biệt. Nếu đến một vùng đất nào có người Thái cư ngụ như ở huyện Con Cuông chẳng hạn dễ gặp một cuộc tranh cãi nào đó, người nghe dễ gặp một câu nói đại loại như sau: “Ông kia giống như con rắn hổ mang ấy”, hoặc “bà kia lại bành cổ ra (như rắn sọc dưa kia”.
Là cư dân miệt rừng, các bản người Thái gần như phải “sống chung” với rắn. Chúng có thể xuất hiện bất thần ở vườn nhà, gầm cầu thang, bếp ăn, thậm chí cả trong chăn ngủ. Dĩ nhiên nhiều nhất là nương rẫy. Ngày nay, dù đã thay đổi nếp sống nhưng người ta vẫn bắt gặp rắn gần như thường ngày. Rắn đi vào lời ăn tiếng nói từ đấy. Người ta dựa vào những đặc điểm tính nết giống loài của họ hang nhà rắn mà so sánh với một số hành động của con người trong các trạng thái tâm lý như giận giữ, hung hổ.
Câu nói kể trên để mô tả thái độ của người ta trong một vài trường hợp thường gặp. Một ai đó khi gân cổ lên tranh luận thậm chí là cãi vã được so sánh với con rắn khi phồng mang dọa dẫm đối phương hoặc con mồi. Một người đàn ông hung tợn (chưa chắc đã ác) đang hung hổ chuẩn bị hơn thua nhau, hoặc chỉ là cãi nhau quá hang cũng được ví với tư thế sẵn sàng gây chiến của hổ mang. Dĩ nhiên, trong suy nghĩa của người Thái, rắn cũng đáng sợ. Song ít thấy rắn mang những biểu tượng về sự phải trắc hay cái ác trong văn hóa Thái, ít nhất là ở Nghệ An. Thậm chí, rắn (một dạng của rồng và thuồng luồng) còn xuất hiện trên hoa văn váy Thái và những bài đồng dao dân gian.
Có bài đồng dao “gọi trăng” khá phổ biến, với trích đoạn như sau: “Ồng àng ơi bươn đao / Xoong pơ đi xao long lảng tăm khàu/ Xoong nhà thàu long lảng cưa mu / Xoong mẻ ngu phằn xước / Xoong mẻ ngược co len… Tạm dịch: “Ồng àng ơi trăng sao / Hai cô gái xuống gầm sàn giã gạo / Hai bà già xuống gầm sàn cho lợn ăn / Hai con rắn bện thừng / Hai con rồng cổ cong…
Bài đồng dao thường gắn với trò chơi gọi trăng của trẻ em vùng cao. Trò này khác với trò gọi trăng được nhiều người lớn chơi và ít nhiều mang màu sắc tâm linh mà Báo Nghệ An từng có dịp giới thiệu trước đây. Ở đây đơn giản trẻ nhỏ ngồi lại hát đồng dao với nhau dưới bóng trăng.
Cộng đồng người Thái ở Nghệ An có một số dòng họ có tục thờ rắn, trong đó có họ Ngân ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Dòng họ này có câu chuyện rắn hóa rồng. Tóm lược như sau: Ông tổ của dòng họ, một lần ra sông Lam quăng chài nhặt được quả trứng mềm liền đem về cho gà nhà ấp và nở ra chú rắn con. Rắn luôn quấn quýt bên người, vướng víu, ông cụ liền lấy thuộng đào giun cho vịt chọc đứt đuôi rắn. Trời liền nổi giông tố khiến ông cụ hoảng sợ và nói lời xin lỗi thì trời quang mây tạnh trở lại. Về sau, khi ông tổ của dòng họ chết đi thì rắn cũng về sông ở. Từ đó mỗi lần dòng họ có việc gì dù lớn hay nhỏ thì trời đều đổ mưa. Người ta tin là con rắn đã hóa rồng và trở về thăm người nhà và ăn cỗ cùng tổ tiên dòng họ.
Một số cộng đồng người Thái ở huyện Con Cuông cũng tin rằng đi đường gặp rắn đang thay da là một vận may. Thời còn làm rẫy, người già khuyên rằng gặp rắn đang thay da nên đánh chết rồi mang về. Vì đó là “vía lúa”, nó báo hiệu gia đình trong tương lai sẽ thóc lúa đầy kho, có của ăn của để.