Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại cuộc họp bêu rõ: Đây là chương trình khó vì nội hàm rất rộng nên cần tiếp cận bằng các dự án cụ thể. Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương thống nhất việc cần thiết xây dựng dự thảo Chương trình, bảo đảm kết cấu của một chương trình mục tiêu quốc gia.
Nội dung quan trọng nhất của Chương trình liên quan đến 9 nhóm dự án: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó là đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Lãnh đạo các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, LĐTB&XH, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội cũng trao đổi, thống nhất khẳng định sự cần thiết ban hành một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Chương trình cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nhất là các dự án cụ thể với sự tham gia nhiều hơn nữa của địa phương, bảo đảm tính khả thi trong triển khai.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ VHTT&DL khẩn trương hoàn thành trình tự, thủ tục để trình Chính phủ Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, đồng thời thực hiện các bước tiếp theo để trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền. Dự thảo Chương trình phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực hiện các chương trình mục tiêu, chiến lược, quy hoạch có liên quan đến văn hoá, "những gì làm được, chưa làm được. Cái gì còn hạn chế, tồn tại, thách thức, những vấn đề mới nổi". Đồng thời cần lấy ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, người hoạt động thực hành trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật khác nhau để xác định những vấn đề ưu tiên, cấp bách một cách minh bạch, rõ ràng.
Phó Thủ tướng lưu ý việc lấy ý kiến nhằm đưa được thực tiễn cuộc sống vào Chương trình, giúp các bộ, ngành, địa phương hình dung được những gì cần làm, những lĩnh vực nào cần tác động. Không chỉ mục tiêu cụ thể mà mục tiêu khái quát của Chương trình cũng phải "nhìn được, lượng hoá được, đánh giá được", thực hiện bằng các dự án, nhiệm vụ cụ thể.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm thay đổi cơ bản của các ngành, các cấp trong nhận thức, quản lý, thực hiện chấn hưng, phát triển văn hoá và xác định rõ vai trò của Nhà nước, xã hội, người dân; đa dạng nguồn lực đầu tư cho Chương trình từ nguồn vốn đầu tư công, kinh phí hoạt động thường xuyên, nguồn xã hội hoá; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý, quảng bá, truyền thông.
Phó Thủ tướng nhắc lại một số mục tiêu lớn mang tính cấp bách, ưu tiên trong Chương trình, đó là bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di sản, giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đang bị suy giảm, xuống cấp nghiêm trọng, có thể mất đi; xây dựng môi trường, văn hoá bao gồm sản phẩm và hoạt động văn hoá, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hoá, ứng xử văn hoá, nếp sống văn hoá nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường...; phát triển các không gian sáng tạo, công nghiệp văn hoá.
Bộ VHTT&DL phải là "nhạc trưởng" xây dựng đề cương, khung Chương trình; tổ chức lấy ý kiến đóng góp, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng, người dân về nguồn lực, cơ chế cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra; phân công, phân cấp rõ ràng và thực hiện được ngay trong khuôn khổ chính sách, pháp luật hiện hành", Phó Thủ tướng gợi mở và đề nghị Bộ VHTT&DL mời đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội, một số địa phương, chuyên gia, người làm công tác văn hoá tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chương trình với những cách tiếp cận khoa học, phù hợp với từng lĩnh vực văn hoá chuyên ngành.