Câu chuyện của một “mí Giáo” về buôn nơi đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa

08/11/2021 15:03

Theo dõi trên

Đó là câu chuyện của bà Huỳnh Thị Thy Hải - một nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) đồng thời là một giáo viên về hưu. Một “mí Giáo” tên gọi thân thương của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) dành cho bà Hải, người đã vẹn nguyên hào khí tuổi thanh xuân.

mi-giao-1636352500.jpg
Những bước đường thiện nguyện của mí Giáo

Trong thư gởi các đội viên TNXP, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”. Qủa thật, câu chuyện của bà Hải khiến không ít người ngưỡng mộ. Tiếp xúc với bà, ấn tượng đầu tiên là phong cách nhanh nhẹn. Ẩn sau mái tóc điểm bạc, làn da nâu sạm vì sương gió theo năm tháng cuộc đời là nụ cười hồn hậu. Vẫn thấp thoáng một ánh lửa từ trái tim say mê nhiệt thành, vẫn ngời lên khí chất tuổi hai mươi hào sảng.

Trong câu chuyện với chúng tôi bà Hải say sưa về những kỉ niệm. Bà kể: Khi đang còn là học sinh trường Trung cấp Kỹ thuật Nha Trang, tháng 2/1976, đáp lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bà đã cùng nhiều nam thanh nữ tú đăng kí tham gia lực lượng TNXP để muốn được cống hiến sức trẻ, quên mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế trên mảnh đất quê nhà. Khi nhận nhiệm vụ, bà được nhận nhiệm vụ tại đơn vị C8-B24-A64, đóng quân ở vùng căn cứ Cách mạng Hòn Dữ - huyện Khánh Vĩnh - Khánh Hòa (Nam Phú Khánh). Nơi đó là rừng hoang nước độc, những trận sốt rét đến teo cơ khớp vẫn không làm nhụt chí cô tiểu thư thành phố. Tháng 1/1977 vừa hoàn thành xong đợt đầu, về nhà cha mẹ muốn đi học tiếp. Nhưng ngọn lửa nhiệt huyết luôn cháy trong trái tim nên cô lại viết đơn xung phong đi đợt hai.

Lần này, đơn vị cô Hải  là công trường khai hoang TNXP 26/3 (Huyện Tây Sơn, sau này tách thành Sông Hinh và Sơn Hòa - Phú Yên). Cô là thành viên của Đại đội Xung Kích, có nhiệm vụ làm công tác xóa nạn mù chữ cho đồng bào Kinh và dân tộc thiểu số. Đến năm 1979, cô Hải cùng đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ “cõng gùi con chữ” về  trường Tiểu Học Ea băr - Phân trường buôn Thứ, xã Ea băr, huyện Sông Hinh - Phú Yên (giáp ranh Đắc Lắc).

Những kỉ niệm ngày ấy không bao giờ quên. Thế hệ thầy giáo gùi con chữ đầu tiên đến cho các em phải phối hợp cùng đồng bào cắt tranh, chặt cây dựng lên những cái lán đơn sơ. Bàn ghế là mấy miếng gỗ tự bào, những thân cây thẳng thớm xẻ ra đóng thành. Cái bảng mang tên trường với dòng chữ: “Ty Giáo dục Phú Khánh - Trường PTCS Ê - Bá” cũng tự đẽo, tự viết rồi dựng lên.

Sau ba năm cùng ăn cùng ở với đồng bào dân tộc thiểu số, vận động trẻ em người lớn đến lớp xóa mù. Dấu ấn thanh xuân của cô đã in đậm ở nơi này với biết bao kỉ niệm, ân tình không dễ xóa nhòa. Năm 1980 khi lực lượng TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Một số đồng đội trở về quê tiếp tục học hành, làm việc. Cô Hải đã tự nguyện xin ở lại để dạy học, bởi giờ đây từng ánh mắt nụ cười trong veo của em thơ đã in sâu vào tâm trí cô. Một thời gian sau cô Hải kết hôn cùng với thầy giáo Nguyễn Văn Thân. Hai vợ chồng chuyển về huyện vùng núi Sơn Hòa, tiếp tục tháng ngày  “cầm lái con đò tri thức” suốt từ đó đến khi về hưu.

mi-giao-trong-mot-lan-hien-mau-1636352265.jpg
Mí Giáo Huỳnh Thị Thuy Hải trong một lần hiến máu

Năm 2012 sau khi về hưu, cô giáo Hải lại tham gia vào Hội người cao tuổi thị trấn Củng Sơn huyện Sơn Hòa. Bà Hải tăng gia sản xuất, nuôi heo gà dành dụm rồi mua tặng hội người cao tuổi thị trấn Củng Sơn một chiếc xe đưa tang. Mỗi khi hộ nghèo nào có người mất thì chính quyền địa phương đều có trách nhiệm thu xếp lo ma chay chu đáo. Nhưng nhiều gia đình quá khó khăn “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.

"Mí Giáo" liên hệ với một nhà hảo tâm trong thành phố Hồ Chí Minh. Họ đã hỗ trợ cho nguồn… hòm lâu dài. Mỗi lần thuê xe chở về khoảng chục cái. Nhờ vậy mà số tiền địa phương hỗ trợ gia đình có người chết mua hòm được chuyển qua việc khác trong đám tang, hay dùng để mua thuốc chữa bệnh, mua gạo cho người nhà họ.       

Qua những chuyến đi về buôn, mí Hải tranh thủ nắm bắt những thông tin về các hoàn cảnh éo le ngặt nghèo, mồ côi, neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa... Cô làm việc với địa phương, rồi bắt đầu “ăn mày” các nhà hảo tâm. Nhiều ngôi nhà tình thương kịp che chắn mưa bão, nhiều ca mổ cứu sống bệnh nhân kịp thời, nhiều trẻ em được tiếp tục đến trường là nhờ công lao của cô và nhiều trái tim vàng hiện diện khắp nơi trên đất nước.

Người ta còn ví vợ chồng bà như giao liên, vì nhiều nhóm, cá nhân làm thiện nguyện ở các buôn thuộc khu vực Sơn Hòa, Phú Yên đều được tận tình đưa đón, tình nguyện làm giao liên. Với mí, đối tượng quan tâm tích cực nhất là trẻ em. Ngoài những chuyến hàng về buôn, thì cứ đến rằm Trung Thu hay ngày tết thiếu nhi 1/6 hàng năm là bà lại quà bánh, đồ chơi, quần áo đẹp gồng gánh về tổ chức cho các bé.

Cô Nguyễn Thị Quý - Hiệu trưởng trường Mầm Non Sơn Hòa (Phú Yên) chia sẻ: “Bà Hải là mạnh thường quân lâu bền nhất cho trường chúng tôi. Trường nằm ở địa bàn xa nhất huyện, đường sá cũng mới sửa sang hồi 2016. Trước kia hang hốc, lồi lõm dốc đá khó di chuyển cực kì. Nhưng bà Hải thường xuyên mang quần áo, quà bánh và tổ chức vui lễ cho các em. Bà còn tài trợ phần thưởng cho học trò giỏi, tài trợ đồ dùng dạy học cho giáo viên, giúp đỡ những cháu có hoàn cảnh khó khăn…”.

"Mí Giáo" Hải còn cùng mọi người thành lập “tủ quần áo tình thương” tại bệnh viện Sơn Hòa. Bếp ăn từ thiện hỗ trợ thân nhân, bệnh nhân nghèo cùng sự đóng góp của một số nhà hảo tâm…

Mùa lũ 2020, vợ chồng mí Hải vẫn cùng đội tình nguyện Đom Đóm Phú Yên và nhiều mạnh thường quân xông pha “trận mạc”. Đó là những ngày đêm không quản khó khăn nguy hiểm lăn lộn vùng lũ Bắc miền Trung. Quảng Bình, Quảng Trị, Trà My (Quảng Nam) đều có mặt mí Giáo.

Tác giả cũng là người đồng hành cùng mí trong chuyến cứu trợ, chứng kiến mí Giáo xông xáo chèo thuyền mang thức ăn đến từng người dân trong vùng nước sâu mà lòng ngưỡng mộ.

cung-dong-doi-cu-1636352388.jpg
Cô giáo Huỳnh Thị Thy Hải cùng đồng đội TNXP

Dịch Covid-19 bùng phát ở Phú Yên, suốt ba tháng trời vợ chồng mí len lỏi khắp nơi để hỗ trợ thức ăn ở các khu phong tỏa. “Tuổi cao ý chí càng cao” hầu như ngày nào cũng ướt sũng mồ hôi vì mặc đồ bảo hộ nhưng nụ cười hào sảng luôn thường trực trên khuôn mặt đã hằn phong sương. Ngay từ năm 1973, hưởng ứng phong trào HSSV đưa máu ra Trường Sa. Mới mười sáu tuổi mí đã lén cha mẹ đi hiến máu. Khi sức khỏe đã ổn sau những trận sốt rét rừng thì mí tiếp tục đi hiến máu. Di chứng của một thời TNXP hào hùng nhưng khốc liệt là những bước chân khập khiễng khi di chuyển, khi trái gió trở trời đầu nhức buốt. Tính đến tháng 11/2021 thì mí giáo đã có ba mươi ba lần hiến máu.

Về những kỉ niệm trong mấy mươi năm âm thầm đồng hành với “Hành trình đỏ”. Mí  đã trực tiếp cứu sống hai mạng người qua ngân hàng máu sống. Một lần là bé trai bị tai nạn giao thông mất máu rất nhiều. Chấn thương sọ não nặng nên bệnh viện quyết định chuyển tuyến ra Quy Nhơn. Mí Hải  được tin đã tức tốc có mặt tại Quy Nhơn để tặng những “giọt sống” quý báu của mình cho bé trai. Tiếp theo là cứu sống sản phụ. Người phụ nữ này làm thuê ở Đắc Lắc, sinh con trong rẫy cà phê, sót nhau mất máu trầm trọng. Người ta phát hiện mang đến bệnh viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Người chồng đến gõ cửa mí Hải lúc 1 giờ sáng. Vậy là ngay trong đêm cô tức tốc có mặt tại bệnh viện Sơn Hòa để “xây bảy tháp chùa”. Thậm chí đang nuôi chồng bệnh tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Phú Yên. Mí cũng trực tiếp hai lần hiến máu cứu người và sáng nào cũng xuống bếp ăn từ thiện giúp mọi người.Với mí, hạnh phúc là được nhìn thấy người đời hạnh phúc!

Ngoài ra mí cùng mọi người còn thành lập “quỹ nghĩa tình đồng đội”, mục đích là đóng góp hàng tháng để giúp đỡ chia sẻ ân cần với những cựu TNXP đang vất vả, ốm đau bệnh tật. Tuổi cao sức yếu nhưng “mí Giáo” Hải vẫn “nguyên vẹn hào khí thanh xuân”, vẫn khí phách của một nữ TNXP ngày nào, vẫn tràn đầy trách nhiệm và tình thương của người cầm lái con đò./.

Pha Lê
Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện của một “mí Giáo” về buôn nơi đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.