Cảnh đẹp trong Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác

15/02/2022 10:04

Theo dõi trên

Lê Hữu Trác hay Hải Thượng Lãn Ông là một danh y của dân tộc. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn, nhà thơ. Thượng kinh ký sự cho thấy sự uyên ác, sự quan sát tinh tế của Lê Hữu Trác về cảnh vật thiên nhiên.

hai-thuong-lan-ong-1644849588-1644894214.jpg
Hải Thượng Lãn Ông (1720 - 1791). Ảnh internet

Hải Thượng Lãn Ông (1720 - 1791) sinh tại xóm Văn Xá, hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Theo sử sách ghi lại, Lê Hữu Trác sống chủ yếu ở ở quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Dòng tộc Lê Hữu Trác là dòng tộc khoa bảng. Bản thân ông là người nổi tiếng đương thời. Nhưng ông không phải là người ham lợi danh, điều này thể hiện trong Thượng kinh ký sự, và qua hai câu thơ sau: “Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương”.

Thượng kinh ký sự hay ký sự lên kinh đô được viết theo kiểu nhật ký, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe khi ông được mời chữa bệnh trong phủ Chúa Trịnh. Ngoài những điều ông miêu tả trong phủ, gặp gỡ các quan lại… thể hiện cho chính kiến, tư tưởng của ông, ta còn bắt gặp cảnh đẹp trong tác phẩm kinh điển này.

Ở mục Lên đường, Lê Hữu Trác viết: “Đó là về năm Nhâm Dần (1782), tháng Mạnh Xuân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43. Buổi ấy ánh sáng xuân sáng dịu, hoa cỏ đua tươi. Tôi ở trong nhà U trai; trước sân vài ba cây trổ hoa, kết quả, ngậm hương mang tuyết, ánh mặt trời chiếu xiên ngang, tạo nên những bóng hình tựa các bà phi nơi sông Tương (Tương phi) ngồi quỳ. Những con rắn mối đuổi nhau chạy từng đàn. Thỉnh thoảng mùi hương lạ bay qua. Chốn tây viên, trong ao phẳng lặng, cá nhởn nhơ nhô lên lặn xuống mà hớp lấy bóng trăng hoặc nuốt lấy làn sóng. Những con chim oanh hay hót, do chân tính của trời phú cho, thời thường tới những chỗ có bóng mát mà nhảy nhót tung tăng. Lúc ấy tôi dắt tiểu đồng trèo lên núi, đưa mắt ngắm khói mây, biết bao hứng thú ! Lại thả câu ở đình Nghinh Phong, hoặc gảy đàn cầm trong nhà “tị huyên”, hoặc đọc sách ở đình “Tối quảng”, hoặc chơi cờ ở nhà “Di chân” rồi ngủ tại đó. Tùy ý tìm thú vui, ngày ngày thường say sưa mới quay về”.

“Đêm hôm ấy người đi trong bóng trăng sáng, thôn xóm bên sông đều yên lặng; chó sủa mỗi khi thuyền bơi qua. Một vầng trăng bạc chiếu dòng sông, đôi bờ hải trào nghênh đò khách. Xa xa vẳng tiếng chuông chùa, mờ mờ sương phủ lùm cổ thụ. Mấy nơi đèn chài lạnh lẽo rọi sáng, hai con hải âu sóng đôi nghỉ ngơi. Bọn học trò đi theo đều uống rượu, mượn chén giải sầu”.

“Hướng về Cẩm Sơn mà đi, sang đò Cấm Giang thì đến Thiết Cảng. Toàn là hơi khói trên non, sương mù ngoài biển, hang động thì mờ ảo. Đây chính là 106 ngọn núi, có tăng già đi lại mà chẳng biết từ xứ nào vậy. Trong năm bước không nom rõ được người hoặc vật, chỉ nghe vượn hót chim kêu trong mây; một màu hơi khói, một thú sơn lâm khiến người xúc cảnh sinh tình”.

“Khi đi đến mé tây núi chúng tôi mới nhận ra một dãy cao phong, chỏm núi trùng điệp, ẩn ẩn hiện hiện trong mây trắng; bên đường đi mấy ngọn mọc tách ra để lộ những hang hốc nhỏ. Trời về chiều đồng ruộng nom chỗ trắng trắng chỗ vàng vàng. Đến Long Sơn thấy nhiều cổ thụ xanh um, một cung đất dâm mát, cảnh thật đáng yêu”./.

Tiểu Vũ
Bạn đang đọc bài viết "Cảnh đẹp trong Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.