Còn nhớ buổi sáng hôm đó khi tôi đặt chân đến Ba Hòn, nước biển trong xanh vỗ về ghềnh đá, hòn Phụ Tử gồm hai khối đá dính liền nhau đứng trên một bãi đá có chiều cao tầm 5m so với mặt biển. Hòn Phụ cao tầm 33m, còn hòn Tử thì thấp hơn, xung quanh là những đảo nhỏ có dáng như thỏ và rùa đang nghịch sóng. Lần đầu tiên đến với thắng cảnh này, tôi cảm thấy vô cùng thích thú vì chính sự sắp đặt của thiên nhiên đã tạo ra một bức tranh thuỷ mặc cực kỳ ý nghĩa, làm đẹp thêm cho mảnh đất Kiên Giang.
Ngoài ấn tượng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, trực tiếp được nhìn ngắm mặt biển trong veo, lăn tăn sóng. Người thưởng ngoạn còn chứng kiến hầu hết những người dân nơi này đều thuộc lòng vanh vách câu chuyện kể về tình cha con, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc cho du khách. Với mỗi câu chuyện kể truyền thuyết, hòn Phụ Tử Ba Hòn như được tô đậm thêm chất nhân văn, mời gọi du khách cùng thưởng ngoạn cảnh đẹp này.
Một lần đặt chân đến nơi đây mà tôi nhớ mãi, thấy lòng mình trào dâng những suy nghĩ về tình cha con qua các câu chuyện kể. Nơi này còn được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ, hay Hạ Long của phương trời phía Nam. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy sức hấp dẫn đến lạ kỳ của một địa danh thắng cảnh ở miền Tây Nam bộ này.
Từ khi hòn Phụ bị đổ vào năm 2006, trái với những gì mà nhiều người đồn đại, danh lam thắng cảnh này vẫn thu hút khá đông lượng khách tham quan. Việc hòn Phụ bị sập là một lẽ thường tình, là sự đổi thay, dịch chuyển của tự nhiên.
Tôi nghĩ, thời gian có thể làm vật đổi sao dời nhưng những gì là truyền thuyết, là giai thoại thì vẫn luôn còn mãi. Hòn Phụ Tử Ba Hòn vẫn là một địa điểm hấp dẫn, mang đầy tính nhân văn gieo rắc vào lòng người những xúc cảm trào dâng khó thể phai mờ.
Theo Hiền Lê (Dân Việt)