Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Nếu khó đã chùn bước thì đó không phải là cán bộ ngành Văn hóa"

28/08/2023 15:55

Theo dõi trên

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cán bộ toàn Ngành Văn hóa phải luôn ghi nhớ tinh thần như lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông", câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", để từ đó tu dưỡng, rèn luyện cho mình một khí thế, một quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, đó là "Đoàn kết chính là sức mạnh. Càng khó khăn càng phải quyết liệt, càng phải bản lĩnh, nếu khó đã chùn bước thì đó không phải là cán bộ ngành Văn hóa".

v-37578458-1693212625.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến 78 năm kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023) và Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2023), sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Lãnh đạo Sở quản lý trên lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 78 đại biểu được khen thưởng tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.

Đây là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ trung ương đến địa phương ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của Ngành Văn hóa; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Thông qua Hội nghị nhằm nhận diện, giới thiệu các mô hình xây dựng môi trường văn hóa tiêu biểu; trao đổi nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hóa; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa.

v-367457458-1693212665.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị

Sự khích lệ rất lớn cho toàn Ngành Văn hóa

Phát biểu gợi mở Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, 78 năm về trước Ngành văn hóa được thành lập, từ đó đến nay, ngày 28/8 đã trở thành Ngày truyền thống của Ngành Văn hóa Việt Nam.

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc được diễn ra vào thời điểm hết sức ý nghĩa khi toàn ngành đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến 78 năm kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngày truyền thống Ngành Văn hóa.

Đây cũng là dịp để toàn ngành đánh giá, nhìn lại sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về việc thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tối 27/8, Bộ đã tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận "Giai điệu Tổ Quốc" để thông qua đó truyền tải những thành tựu đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó nêu bật những thành tựu, vai trò của Ngành Văn hóa trong tiến trình phát triển của đất nước, làm sáng tỏ hơn nữa tư tưởng của Bác Hồ đó là "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

Sáng nay (28/8), tại Quảng trường Ba Đình, Bộ đã làm lễ báo công với Bác với sự có mặt của 78 tấm gương điển hình tiên tiến của toàn Ngành Văn hóa, được ví như 78 mùa Xuân của ngành văn hóa. Từ đó để báo công với Bác Hồ về những khát vọng, cách làm, sự quyết liệt trong hành động của toàn Ngành Văn hóa như tinh thần mà khi sinh thời, Bác đã từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Đầu giờ chiều hôm nay (28/8), Bộ sẽ long trọng tổ chức Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến ngành văn hóa toàn quốc năm 2023. Điều đặc biệt của Hội nghị đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thư khen gửi đến toàn ngành; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng sẽ dự để động viên toàn Ngành.

"Đây là sự khích lệ rất lớn cho toàn Ngành Văn hóa nước nhà" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc, Bộ trưởng cho rằng đây là dịp để các cán bộ toàn Ngành Văn hóa cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua khi trong bối cảnh toàn xã hội đã hiểu về Văn hóa một cách đầy đủ, sâu sắc hơn.

vn-367478-1693212703.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu gợi mở tại Hội nghị

"Chúng ta không nên đưa ra những khái niệm mang tính trừu tượng, bởi Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp thì nếu bàn trong khuôn khổ hội nghị này sẽ khó có thể đầy đủ" - Bộ trưởng nói và cho rằng, Hội nghị cần tập trung làm rõ vai trò, kết quả trong công tác tham mưu của Ngành Văn hóa ở cấp Trung ương và địa phương; Sự nỗ lực trong vấn đề kiến tạo chính sách và khơi thông nguồn lực thông qua tham mưu về công tác hoàn thiện thể chế.

"Những kết quả nào là dấu ấn để chúng ta tiếp tục phát huy, những nhiệm vụ gì mà chúng ta chưa làm được để nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật để tự đổi mới, phấn đấu nỗ lực hơn nữa nhằm tăng tốc về đích càng sớm càng tốt trong nửa chặng đường còn lại" - Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu chia sẻ, trao đổi về cách làm, mô hình sáng tạo để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm. Từ đó để căn cứ trên tình hình thực tiễn của địa phương mình đưa ra những mô hình, cách làm phù hợp hơn trong thời gian tới.

Lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Sở địa phương đã chia sẻ, giới thiệu các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa; kinh nghiệm trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực văn hóa tại các địa phương….

Hướng tới mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là xây dựng các "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết: Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh đến 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" và lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của "Làng văn hóa kiểu mẫu" do cấp có thẩm quyền ban hành: đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng (28 thôn/làng/tổ dân phố và 02 tuyến phố) và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản như: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc…

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 28/28 Khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu đã khởi công, xây dựng công trình thuộc 09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

z4642945681092c857134a482c39deed8fdd1922f3f5ef-1693204408631873940296-1693207693749-1693207693859333973125-1693212774.jpg
z46429457058562843b2379ee64644805b5efbc4b9a5d4-16932044087181398802191-1693207693196-1693207693295509954771-1693212742.jpg
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Chung và Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô (phải) tham luận tại Hội nghị

Trong khi đó, tham luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Nguyễn Xuân Chung chia sẻ, ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự hình thành của thiết chế nhà văn hóa, đặc biệt câu lạc bộ Quan họ ngày đang bị mai một. Chính vì thế, việc các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất đặc thù, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh được coi là một trong nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh.

Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ), hệ thống các Nhà chứa Quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình Dân ca Quan họ của địa phương và là điểm đến, tham quan của khách du lịch.

Nhiều chính sách quan tâm đội ngũ thực hành di sản, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Nêu những kết quả, kinh nghiệm trong công tác quản lý tại địa phương, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An, Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: "Sau khi Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, sự vào cuộc tích cực của ngành Văn hóa và Thể thao, các sở ban ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các cấp, việc thành lập CLB dân ca Ví, Giặm và tập huấn, truyền dạy hát dân ca được đẩy mạnh trong toàn tỉnh".

z4642945862734b3f790078ca9b29d1ca23ea9cde589cd-16932044092161932407904-1693207694337-16932076945221233602493-1693212807.jpg
Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ tại Hội nghị

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được gần 140 CLB dân ca Ví, Giặm tại 21 huyện, thị thành, với gần 3.000 hội viên, 42 nghệ nhân dân gian, 52 nghệ nhân ưu tú, 01 nghệ nhân Nhân dân. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu,… ngoài các đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu,... các địa phương này cũng thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm. Đây là cơ sở tiền đề thực hành di sản, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời khai thác được các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, để khích lệ tinh thần của các nghệ nhân, năm 2021, Sở VHTT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An, quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An. Đối với các nghệ nhân khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thì ngoài các chế độ được hưởng theo quy định, được tỉnh hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/người/tháng đối với nghệ nhân nhân dân; 1.000.000 đồng/người/tháng đối với nghệ nhân ưu tú….

Còn Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang, Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, An Giang là một trong các tỉnh Nam Bộ sở hữu loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT). Chính vì thế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật ĐCTT luôn được quan tâm chỉ đạo, kịp thời và sâu sát của các cấp lãnh đạo, các cơ quan đơn vị.

An Giang đã tiếp tục xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2027. Trong đó, toàn tỉnh đã hình thành và duy trì hoạt động 12 đội Đờn ca tài tử chuyên thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ (cấp tỉnh 01 đội, mỗi huyện, thị, thành 01 đội nồng cốt, lưu giữ, quảng bá, thực hành kỹ năng thể hiện 20 bài bản tổ của Nghệ thuật ĐCTT).

Các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị

Đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT để bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các nghệ nhân ĐCTT đang sinh hoạt tại các phân hội, chi hội Sân khấu của hệ thống Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật trong tỉnh; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện.

Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được 18 lớp truyền dạy…. Trong thời gian tới, Sở VHTTDL An Giang sẽ triển khai tổ chức biểu diễn ĐCTT với hình thức "MiniShow" tại các khu, điểm du lịch để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về nghệ thuật ĐCTT, đồng thời tạo điểm nhấn cho khu, điểm du lịch thu hút du khách thăm quan nhằm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

Lượng hóa cụ thể việc chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL bày tỏ phấn khởi khi lần đầu tiên có sự tham dự đầy đủ của các sở ngành địa phương với hơn 1.000 đại biểu tham dự Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc. Con số đó cho thấy sự hưởng ứng tích cực của các địa phương.

Theo Bộ trưởng, 10 báo cáo tham luận tại Hội nghị như 10 điểm sáng của ngành Văn hóa tại cơ sở. Đó chính là thực tiễn sinh động để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm.

"Có thể thấy rằng, ngành Văn hóa đã có nhiều điểm mới. Thể hiện là chúng ta đã có cách tiếp cận mới hơn về mặt nhận thức. Bởi, Văn hóa là lĩnh vực rộng phải được tiến hành thường xuyên, xác định đây là nhiệm vụ chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp"- Bộ trưởng nhận định.

vn36754754889-1693212852.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn Ngành Văn hóa có 7 điểm sáng qua nửa nhiệm kỳ

Bộ trưởng cho biết, hiếm có một Bộ nào có hệ thống các sở địa phương nhiều như Bộ VHTTDL với 73 sở quản lý trên tất cả 3 lĩnh vực Văn hóa-Thể thao- Du lịch. "Số lượng lớn đòi hỏi tầm quản lý phải cao, cách tiếp cận linh hoạt, sự kết nối càng phải đa dạng. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, để tạo nên sức mạnh tổng hợp toàn ngành với tinh thần "Bộ mạnh sẽ giúp cho Sở mạnh", tinh thần này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương" - Bộ trưởng nói và cho rằng, chúng ta đã dần bỏ được tư duy "mạnh ai nấy làm", để cùng nhìn về cùng một hướng, tạo thành một "dòng chảy chung" nhằm thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả của toàn Ngành Văn hóa cả nước.

Nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị của Trung ương 7: "Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả rõ rệt, đúng tinh thần: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi", Bộ trưởng gửi lời cảm ơn, ghi nhận những đóng góp của các địa phương để giúp cho bức tranh của toàn Ngành Văn hóa qua nửa nhiệm kỳ có nhiều điểm sáng.

Bộ trưởng cho biết, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về việc thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, toàn Ngành Văn hóa đã nhìn thấy rõ 7 điểm sáng.

Đầu tiên là chúng ta đã chuyển tư duy từ làm văn hóa đơn lẻ sang quản lý nhà nước về văn hóa, điều đó được lượng hóa cụ thể chứ không phải bằng những đánh giá chung chung. Theo đó, trong hơn 2 năm qua, toàn ngành đã tập trung rà soát khoảng trống pháp lý để từ đó tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành 2 Bộ luật quan trọng: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)…Đồng hành cùng Bộ ngành khác để tham mưu trình các Bộ luật mà trong đó lĩnh vực Văn hóa được đề cập như một thành tố quan trọng…

"Dẫn lại như thế để thấy chúng ta đang đi đúng hướng, khi làm tốt công tác quản lý thì sẽ khắc phục định kiến hẹp hòi xem Văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điểm sáng thứ hai đó là toàn Ngành đã chủ động tham mưu "trúng" và "đúng" cho Đảng, Nhà nước để từ đó nhiều Hội nghị, Hội thảo nhằm khơi thông nguồn lực phát triển Ngành Văn hóa. Có thể khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ngành Văn hóa đã nhận sự quan tâm "đặc biệt" của Đảng, Nhà nước. Chưa bao giờ cụm từ văn hóa, con người được đề cập liên tục, với yêu cầu cao hơn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba, toàn Ngành đã bám sát các nhiệm vụ chính trị quan trọng để tổ chức nhiều sự kiện VHTTDL quan trọng cấp Trung ương và địa phương. Qua đó không ngừng khẳng định về vai trò, vị thế của ngành Văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Từng bước xóa bỏ định kiến về Ngành Văn hóa mà cán bộ toàn ngành đã rất trăn trở.

Điểm sáng thứ tư đó là toàn Ngành đã xác định hướng đi đúng khi chọn môi trường văn hóa là vấn đề căn cơ, mục tiêu để hướng đến. Sau Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ" được Bộ phát động tại Nam Đàn, Nghệ An Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể vui mừng đánh giá, chưa bao giờ môi trường văn hóa được quan tâm như hiện nay. Qua báo cáo các mô hình tại Hội nghị đã cho thấy sự chuyển biến, sáng tạo của các địa phương khi lấy nhân dân là chủ thể để xây dựng môi trường văn hóa.

"Điều căn bản là chúng ta đã khắc phục được tình trạng "mạnh ai nấy làm", hình thức khi biết chọn việc chọn điểm để làm. Nổi bật đó là Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam để xây dựng phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Bộ đã phối hợp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị; hình thành văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điểm sáng thứ năm đó là trong nửa nhiệm kỳ qua, chúng ta đã nhiều chuyển biến tích cực trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại thông qua việc thực hiện đối ngoại về văn hóa. Thông qua giao lưu văn hóa qua các sự kiện Ngày hội văn hóa, Tuần văn hóa tại các quốc gia giúp chúng ta tăng cường quảng bá về văn hóa, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người, đất nước, văn hóa và vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, các sự kiện chính trị ngoại giao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có sự hiện diện nhiều hơn của Văn hóa. Xem văn hóa là lĩnh vực tiên phong trong ngoại giao các quốc gia, giao lưu nhân dân.

Điểm sáng thứ sáu đó là những thành tựu của thể thao thời gian qua trên các đấu trường khu vực,quốc tế đã chứng minh cho hướng đi bền vững trên 2 trụ cột chính mà Bộ xác định đó là "Đẩy mạnh thể thao phong trào để phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân lực cho thể thao thành tích cao".

Điểm sáng thứ bảy đó là Bộ đã tập trung tham mưu "trúng" và "đúng", kịp thời để Chính phủ chính thức mở cửa nhằm phục hồi ngành Du lịch bị tê liệt trong suốt hai năm dịch bệnh. Bên cạnh đó, Ngành Du lịch cũng đang đi đúng hướng khi xác định xây dựng các sản phẩm của mình phải bắt đầu từ văn hóa. Nhờ đó, du lịch nội địa trở thành bệ đỡ quan trọng cho du lịch quốc tế.

z4642945982256304fcaddbf39256d238ef3973c8fc143-1693204409529952099376-1693207696150-1693207696297602662713-1693212928.jpg
z46429459435148d3ad74c88b1e3470e7bab0f1ea68f09-16932044094151663556058-1693207695560-16932076956412081750599-1693212889.jpg
Các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị

Nếu khó đã chùn bước thì đó không phải là cán bộ ngành Văn hóa

Bên cạnh với việc điểm qua một số điểm sáng của toàn Ngành, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại như: Sự quan tâm về Ngành Văn hóa ở một số nơi, số chỗ chưa đồng đều; Nguồn lực cho Ngành Văn hóa dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn…

Từ những trăn trở đó, với một cách tiếp cận phải làm có trọng tâm trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó, làm phải có sản phẩm, lấy sản phẩm làm thước đo, Bộ trưởng đề nghị từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các Sở địa phương tiếp tục xác định vấn đề thể chế phải giữ vai trò quan trọng, Ngành Văn hóa muốn phát triển thì phải bằng thể chế, chính sách.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở địa phương tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTTDL để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách về Ngành Văn hóa. Trong đó, tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật về lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Luật về Di sản Văn hóa; Luật Quảng cáo…Trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển Văn hóa: "Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ngành Văn hóa trong năm 2023. Chương trình sẽ tạo điều kiện, cơ sở cho Ngành Văn hóa phát triển đúng hướng, mạnh mẽ trong những năm tiếp theo" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, tập trung xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia về sự phát triển bền vững. Có được bộ tiêu chí này chúng ta sẽ lượng hóa được giá trị đóng góp của Văn hóa trong nền kinh tế.

Đi kèm với đó là phát triển công nghiệp văn hóa. Sắp tới Bộ sẽ tham mưu để Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị quốc gia về phát triển công nghiệp Văn hóa trên tinh thần không dàn hàng mà chỉ chọn cái nào lợi thế để làm, làm từng bước từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.

Cùng với Văn hóa, Bộ cũng tập trung phát triển đồng đều lĩnh vực Thể thao và Du lịch trên tinh thần không thể tách rời "cỗ xe tam mã Văn hóa- Thể thao-Du lịch. Chúng ta dựa vào văn hóa để phát triển du lịch, xây dựng các các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Phát triển thể thao cũng để rèn luyện ý chí, thể chất con người, góp phần xây dựng văn hóa" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đang rà soát để đề xuất Ban Bí thư sửa đổi Quy định 284 về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Khi quy định này được sửa đổi sẽ tạo cơ sở cho công tác tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, nhấn mạnh về những nhiệm vụ vinh quang, cao cả nhưng cũng rất nặng nề trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cán bộ toàn Ngành Văn hóa phải luôn ghi nhớ tinh thần như lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông", câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", để từ đó tu dưỡng, rèn luyện cho mình một khí thế, một quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, đó là "Đoàn kết chính là sức mạnh. Càng khó khăn càng phải quyết liệt, càng phải bản lĩnh, nếu khó đã chùn bước thì đó không phải là cán bộ ngành Văn hóa"./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Nếu khó đã chùn bước thì đó không phải là cán bộ ngành Văn hóa"" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.