Do kinh tế thị trường ngày càng bùng nổ cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông, quá trình giao lưu tôn giáo và tộc người diễn ra sâu rộng nên lễ cưới truyền thống của người Bru-Vân Kiều có nhiều thay đổi về hôn nhân và lễ thức. Tìm hiểu biến đổi trong lễ cưới của người Bru-Vân Kiều giúp chúng ta hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống độc đáo cũng như những mặt trái của quá trình biến đổi hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Người Bru-Vân Kiều ở Việt Nam thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á. Tương tự như nhiều dân tộc thuộc nhóm Môn-Khmer, người Bru-Vân Kiều theo thiết chế phụ hệ, cư trú rải rác ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên ở Việt Nam và một số Lào. Do biến động lịch sử, một bộ phận người Bru-Vân Kiều (khoảng 2.580 người) đã di cư đến xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk năm 1972 (1). Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 dân tộc Bru-Vân kiều ở Việt Nam có tổng dân số khoảng 94.598 người. Trong đó cư trú ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk là 3.563 người, chiếm 3,76% tổng số người Bru-Vân Kiều tại Việt Nam. Cũng như các dân tộc thiểu số khác, văn hóa tộc người Bru-Vân Kiều có nhiều giá trị độc đáo đóng góp vào kho tàng văn hóa tộc người ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và bức tranh tổng thể của văn hóa Việt Nam nói chung.
Xét trên bình diện chung, hôn nhân chính là nền tảng của xã hội, nơi ra đời, nuôi dưỡng các thế hệ tương lai. Hôn nhân của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có sự khác biệt nhau về phong tục, tập quán... Vì vậy, việc tìm hiểu nghi lễ, phong tục cưới hỏi của các tộc người mang nhiều ý nghĩa khoa học và góp phần làm phong phú những hiểu biết về nét văn hóa xã hội các tộc người. Bên cạnh đó, thông qua hôn nhân, các gia đình có mối quan hệ gắn bó với nhau hơn, tạo thành những mối quan hệ thân tộc, nền tảng của văn hóa gia đình.
Trong các nghi lễ cưới hỏi của người Bru-Vân Kiều, nét sinh hoạt văn hóa hôn nhân quan trọng gắn với chu kỳ vòng đời con người. Giờ đây, dưới sự tác động của nhiều yếu tố văn hóa mới đã làm cho các quan niệm, tập quán về nghi lễ cưới hỏi có nhiều biến đổi. Trong bài viết này, tác giả đi sâu vào một số biến đổi diễn ra trong cộng đồng người Bru-Vân Kiều tại xã Ea Hiu, Đắk Lắk, qua đó, giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đúng với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.
2. Nghi lễ cưới hỏi truyền thống độc đáo của người Bru-Vân Kiều
Hôn nhân của mỗi tộc người đều có những nét đặc trưng riêng với nhiều lễ nghi khác nhau. Đối với người Bru-Vân Kiều, quá trình diễn ra nghi lễ cưới hỏi truyền thống trải qua nhiều bước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể tập hợp được một số nghi thức chính vẫn được thực hành bao gồm: lễ dạm ngõ, lễ rước dâu, lễ cưới, lễ lại mặt và tiệc cưới chính thức.
Lễ dạm ngõ
Đây là thủ tục đầu tiên và quan trọng trong phong tục lễ cưới của người Bru-Vân Kiều. Theo phong tục cổ truyền, con trai, con gái tự tìm hiểu trong buôn hay ngoài buôn để lựa chọn người bạn đời của mình mà không có sự áp đặt. Sau khi tìm hiểu, chàng trai sẽ báo với bố mẹ. Nếu không có gì cản trở thì chàng trai nhờ mai mối sang gặp gia đình cô gái để bỏ của. Nếu cô gái ưng ý, cô gái sẽ nhận của và báo cáo với bố mẹ. Sau khi bố mẹ cô gái nhận của, sẽ đến báo và xin ý kiến của ông cậu. Nếu ông cậu đồng ý với cô gái thì gia đình nhà trai sẽ đặt của lần hai (đặt của thêm - voan toar) với tiền, váy, áo truyền thống… Sau khi đặt của thêm, hai bên gia đình chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành lễ cưới.
Lễ rước dâu
Lễ cưới truyền thống của người Bru-Vân Kiều được tổ chức ở cả hai bên gia đình nhà gái và nhà trai. Đến ngày cưới, nhà trai cử khoảng từ 15-20 người phù rể cùng với người mai mối và chú rể (ncháu ralíh). Chú rể cùng người mai mối và phù rể (từ một cái lều bên cạnh nhà lớn) đi sang nhà gái từ buổi tối để rước dâu. Sáng hôm sau, trước khi chú rể rước dâu sẽ cùng với người mai mối trình lên gia đình nhà gái sính lễ. Lễ vật bắt buộc trong đám cưới truyền thống gồm một nồi đồng, một thanh kiếm, chuỗi hạt cườm mã não (khoảng 5 hạt), nếu không có chuỗi hạt thay thế bằng một đồng bạc nén. Khi chú rể lên trao thanh kiếm, nồi đồng cho nhà gái, thì phải đưa đằng chuôi ra trước (2). Sau khi thực hiện các nghi thức ở nhà gái xong, cô dâu cùng với phù dâu (phù dâu từ 10-20 người) theo chú rể về nhà chồng.
Khi đến nhà chồng, cô dâu phải thực hiện các nghi thức trước sự chứng kiến của hai bên gia đình. Một người có uy tín bên gia đình nhà trai phải rửa chân cô dâu trước khi lên cầu thang vào nhà chồng, ăn cơm cùng chồng gọi là “cha chứm” và bắc bếp. Gia đình nhà gái cử khoảng 4 hay 5 người gọi là “ra pun” tùy theo điều kiện kinh tế gia đình mang theo lễ vật sang nhà trai nhiều hay ít. Tuy nhiên, lễ vật bắt buộc phải có trong lễ cưới truyền thống bao gồm: gạo nếp, váy, bánh truyền thống (tương tự bánh dày), xôi bỏ giỏ cùng những thứ khác đựng trong gùi. Khi lễ kết thúc, mọi người cùng ăn uống, chia vui… Sau đó, phù dâu cùng với những người mang lễ vật cùng về.
Lễ cưới
Sau đó là lễ rabễng, nghi lễ này gia đình nhà trai gồm có: bố mẹ, thâu kê, mo sữ là người truyền lời nói của chủ hôn qua nhà gái và mang theo 4 cái chén tượng trưng cho sự đồng ý trở thành thông gia. Gia đình nhà gái tiến hành nghi thức “chũt tapéh - cắm bếp” với thanh kiếm cắm vào giữa bếp và dùng một ít nước lã tưới vào. Sau khi thực hiện xong nghi thức cắm bếp, gia đình nhà gái dọn cơm để đãi gia đình nhà trai. Ăn uống xong, gia đình nhà gái tiến hành nghi thức “tom práq” (đòi của) diễn ra tại nhà gái. Lúc này bố mẹ, anh em trai cô dâu phải có mặt, đặc biệt phải có mặt ông cậu.
Gia đình thông gia mỗi bên phải cử một người truyền lời nói truyền đạt ý kiến. Trong lúc lễ rabễng được tiến hành ở nhà gái, cô dâu không về dự mà phải đi xúc cá (sapơng) ở sông, suối cùng với mẹ chồng hay cô, dì… để đoán điềm tốt hay điềm xấu khi về nhà chồng. Nếu cô dâu xúc được con đầu tiên là một con cá, con rùa nhỏ thì cuộc hôn nhân này có điềm tốt, cô dâu chú rể sẽ làm ăn giàu có. Còn nếu cô dâu xúc được con tôm thì cuộc hôn nhân này có điềm xấu, cô dâu chú rể dễ gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong hôn nhân.
Lễ lại mặt
Lễ lại mặt thường diễn ra sau ngày cưới, có thể là sáng hôm sau hoặc có khi 1-3 ngày sau ngày cưới và có thể lâu hơn vì phụ thuộc sự sắp xếp thời gian bên gia đình nhà gái. Bố mẹ, anh chị em của cô dâu sẽ qua nhà bố mẹ chú rể để thăm gia đình thông gia. Gia đình nhà trai đón tiếp và chuẩn bị mâm cơm để thiết đãi gia đình nhà gái. Gia đình nhà gái trước khi sang gia đình thông gia, họ chuẩn bị những lễ vật bắt buộc là gạo nếp, xôi, váy và được chia làm hai phần, một phần cho cô dâu còn một phần cho mẹ chồng.
Tiệc cưới chính thức
Lễ cưới chính thức gọi là “lễ Cỗl” tiến hành sau lễ cưới, sau khi gia đình nhà gái báo cho gia đình nhà trai. Nếu gia đình nhà trai không đủ điều kiện để chuẩn bị cho lễ này thì gia đình nhà trai phải sang gia đình nhà gái cùng với một con gà, một chai rượu xin khất lại kèm theo một số kiêng kỵ đối với cô dâu khi về thăm bố mẹ như không được ăn chuối, bánh, quét nhà… Trong trường hợp gia đình nhà trai nghèo, về sau mà vẫn chưa tổ chức được “lễ Cỗl” cho mình, đến đời con, thậm chí là đời cháu phải làm thay cho bố mẹ, ông bà.
3. Những biến đổi trong lễ cưới hỏi của người Bru-Vân Kiều tại Đắk Lắk
Hôn nhân mang ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng đối với đời sống văn hóa và tinh thần của mỗi người. Việc dựng vợ, gả chồng cho con cái là một việc làm quan trọng trong xã hội người Bru-Vân Kiều nói chung và người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu, Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, hôn nhân của người Bru-Vân Kiều ở đây đang dần biến đổi, đặc biệt là về quan niệm hôn nhân, phong tục, tập quán, nghi lễ...
Quan niệm về hôn nhân của người Bru-Vân Kiều
Trước đây, vì điều kiện lao động khó khăn, người Bru-Vân Kiều thường được bố mẹ dựng vợ gả chồng từ rất sớm với mong muốn con cái kết hôn sớm để có thêm người phụ giúp công việc trong nhà cũng như tăng thêm lao động; cộng thêm trình độ nhận thức hạn chế nên người Bru-Vân thường kết hôn ở độ tuổi 14-16. Hiện nay, theo nghiên cứu, độ tuổi kết hôn của người Bru-Vân Kiều cũng đã tăng lên khoảng 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam.
Độ tuổi kết hôn chung tăng lên là vì thanh niên người Bru-Vân Kiều ngày càng có trình độ học vấn cao hơn, có điều kiện tiếp xúc và giao lưu với bên ngoài, đặc biệt có điều kiện thoát ly như đi học, làm nhiều ngành nghề, tham gia giữ các vị trí quan trọng ở các tổ chức của địa phương... Từ đó đã tác động không nhỏ đến nhận thức của người dân trong cộng đồng. Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn tuyên truyền đến người dân nhằm đưa luật hôn nhân và gia đình vào thực tiễn.
Theo quan niệm của người Bru-Vân Kiều trước đây, việc dựng vợ gả chồng cho con là nhằm sinh con đẻ cái, để có người nối nòi giống và thừa kế tài sản của gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, hôn nhân hầu như đã dựa trên kết quả tìm hiểu và tình yêu nhằm tạo lập một gia đình hạnh phúc cho riêng mình. Người Bru-Vân Kiều không còn phụ thuộc vào bố mẹ đặt đâu con ngồi đó nhằm tăng thêm lao động cho gia đình.
Bên cạnh đó, một trong những quan niệm nổi bật trong hôn nhân truyền thống của người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu, Đắk Lắk đã thay đổi với quan niệm chấp nhận hôn nhân với dân tộc khác (ngoại tộc). Nếu như trước đây, hầu như không ai chấp nhận hôn nhân với người ngoại tộc thì hiện nay, cộng đồng người Bru-Vân Kiều lại ủng hộ và theo ý con, chấp nhận hôn nhân ngoại tộc.
Tần suất xuất hiện các cuộc hôn nhân với dân tộc khác của nam nữ người Bru-Vân Kiều hiện ngày càng lớn hơn, các làng Bru-Vân Kiều không còn thuần nhất là người Bru-Vân Kiều như xưa mà đã có sự xen cư với các dân tộc khác. Quan điểm của người Bru-Vân Kiều đã thay đổi, nhất là lớp trẻ. Có thể nói, kết hôn với người dân tộc khác không những giúp cho con em Bru-Vân Kiều có cơ hội tìm bạn phù hợp mà còn giúp cho họ mở rộng mối quan hệ với dân tộc khác ngày càng nhiều hơn.
Ngoài ra, sự xuất hiện của tôn giáo mới cũng phần nào làm thay đổi về nhận thức của người Bru-Vân Kiều trong hôn nhân truyền thống, từ đó làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của họ. Một số gia đình người Bru-Vân Kiều tại xã Ea Hiu, Đắk Lắk ngoài theo tôn giáo truyền thống, còn theo các tôn giáo mới như Tin Lành, Thiên Chúa giáo và một số ít theo Phật giáo.
Trong trường hợp gia đình theo Tin Lành hay theo Thiên Chúa giáo trước khi hai bên gia đình tổ chức theo nghi lễ cưới hỏi tại gia đình, đôi vợ chồng trẻ phải học giáo lý về hôn nhân, sau đó cùng với hai bên gia đình đến nhà thờ cùng mục sư làm lễ và chúc phúc. Tại đây, thay vì hát những bài hát truyền thống thì hát thánh ca để chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Ngoài ra, đối với gia đình theo đạo và đặc biệt, theo đạo Tin Lành, thì đôi vợ chồng trẻ tuyệt đối không bái trước bàn thờ gia tiên, không thắp hương, trong khi đãi tiệc chỉ dùng nước ngọt, tuyệt đối không đãi bia, rượu hay đánh chiêng theo nghi lễ cưới hỏi truyền thống xưa.
Những thay đổi về nghi lễ cưới hỏi truyền thống
Trong những năm gần đây, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Bru-Vân Kiều đã và đang có nhiều sự biến đổi. Một trong những biến đổi rõ nét nhất là tục ngủ chung giữa đôi trai gái trước hôn nhân, được xem là nét văn hóa độc đáo trong hôn nhân truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Việc ngủ chung trước khi kết hôn giúp đôi trai gái hiểu nhau hơn. Đây cũng được xem là điều kiện thử thách lớn cho đôi trai gái ở độ tuổi mới lớn. Tuy nhiên, tục lệ này hiện nay hầu như không còn nữa vì ngày nay, nhiều trai gái có những hành động vi phạm trước hôn nhân, dẫn đến tục lệ ngủ trước hôn nhân không còn giữ được nét đẹp vốn có từ bao đời nay.
Trong hôn nhân truyền thống, trải qua các bước trong nghi lễ cưới hỏi được tiến hành một cách trình tự bao gồm bốn lễ: lễ đặt của (dạm ngõ), lễ cưới (lễ rước dâu), lễ lại mặt và cuối cùng là lễ liên hoan (lễ cưới chính thức). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hôn nhân của người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu, Đắk Lắk đã biến đổi nhất định và xu hướng kết hợp các bước lễ lại với nhau thành hai bước cụ thể là, hôn lễ rabễng (lễ cưới) đã nhập vào lễ racoâiq (lễ rước dâu), và lễ Cỗl không còn tổ chức long trọng, hoành tráng như trước đây nữa mà chỉ làm tượng trưng, cho nên hiện nay chỉ còn hai lễ chính là: lễ doq voan (dạm hỏi) và lễ racoâiq (rước dâu). Nhìn chung, việc kết hợp này đã phần nào bỏ bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết, bên cạnh đó tiết kiệm được một khoản chi phí cho hai bên gia đình và đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình nhà trai có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, thách cưới vẫn là phần lễ quan trọng không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của người Bru-Vân Kiều, tuy nhiên, sính lễ có sự thay đổi rất nhiều. Những sính lễ cưới hỏi đều được thay thế và quy ra tiền mặt. Ngoài ra, do nhận thức của gia đình cũng như cộng đồng nên cuộc hôn nhân của người Bru-Vân Kiều giờ đây không còn mang tính chất mua bán rõ nét như trước đây, mà hai bên gia đình đều quan tâm đến hạnh phúc và công việc ổn định của đôi trai gái để đảm bảo cuộc sống sau này. Vì vậy, gia đình nhà gái có thể giảm một số lễ vật thách cưới theo điều kiện của gia đình nhà trai.
Trong hôn nhân của người Bru-Vân Kiều hiện nay, nghi lễ truyền thống cũng được lược giảm, rút bớt thời gian tổ chức, có sự thay đổi về trang phục, địa điểm tổ chức, hình thức tổ chức, quà mừng đám cưới… Khi tổ chức đám cưới truyền thống với sự chứng kiến của hai bên gia đình, họ hàng và cộng đồng, cô dâu chú rể vẫn mặc trang phục truyền thống của dân tộc họ để thực hiện nghi lễ. Sau phần thực hiện nghi lễ cưới truyền thống, cô dâu thay bộ váy cưới, còn chú rể thay bộ vest hiện đại. Trước đây, khi tổ chức cưới truyền thống, giới trẻ có thể hát những bài hát dân ca, hát giao duyên, đối đáp với nhau thâu đêm, thì ngày nay, việc tổ chức, cách trang trí rạp cũng như âm thanh, ánh sáng đều theo điều kiện mới. Không chỉ tổ chức ở nhà mà còn tổ chức ở nhà hàng… Đây được xem là thay đổi lớn trong hình thức tổ chức đám cưới đối với người Bru-Vân Kiều.
Ngoài ra, nếu như trước đây, bố mẹ, anh chị em cũng như khách mời mừng quà cưới cho cô dâu, chú rể thường là váy, áo truyền thống, bạc nén… thì ngày nay, bố mẹ, anh chị em cũng như khách đến mừng ngày cưới cho đôi vợ chồng trẻ là tiền mặt, bố mẹ anh chị em ruột thường mừng quà cưới bằng chiếc nhẫn, kiềng cổ đều được làm bằng vàng. Một điều đặc biệt thay đổi lớn nhất đối với đôi vợ chồng trẻ là nếu như trước đây chỉ giao kèo theo luật tục, thì ngày nay, họ đi đăng ký kết hôn ở địa phương theo quy định pháp luật.
4. Kết luận
Hôn nhân của người Bru-Vân Kiều tại xã Ea Hiu, Đắk Lắk có một số biến đổi nhất định, đặc biệt là trong nghi lễ cưới hỏi có biến đổi rõ nét. Các nghi lễ truyền thống được bỏ bớt để nghi lễ cưới hỏi bớt rườm rà, nhằm giúp cho gia đình tiết kiệm một phần nào trong chuẩn bị lễ vật cưới xin. Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi, giảm bớt những thủ tục rườm rà và tốn kém, thì hôn nhân truyền thống của người Bru-Vân Kiều tại xã Ea Hiu, Đắk Lắk không thể tránh việc phôi phai đi nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Do đó, cần có chính sách phù hợp để khôi phục và phát huy những giá trị tốt đẹp của luật tục truyền thống. Việc coi trọng vấn đề nâng cao dân trí và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc chính là nhằm góp thêm vào kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đa dạng của các dân tộc Việt Nam.
______________________
1. Lý Tùng Hiếu, Đặc điểm về cấu tạo từ và về văn hóa Bru và Việt qua sự so sánh từ vựng của ngôn ngữ này, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, 2007, tr.35.
2. Tuy nhiên, nếu chú rể làm sai, đưa mũi nhọn kiếm ra đằng trước, thì có nghĩa là chú rể không tôn trọng hay chống lại gia đình nhà gái bởi vì quyền gia đình nhà gái cao hơn gia đình nhà trai nên có câu: “Khơi yống pla, cuya yống tong” nghĩa là phía nhà trai cầm đằng mũi nhọn kiếm, phía nhà gái cầm đằng chuôi. Khơi là phía nhà trai, còn cuya là phía nhà gái.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Ngọc Quang, Hôn nhân và gia đình của dân tộc Brâu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, 2004.
2. Đỗ Thúy Bình, Hôn nhân và gia đình các dân tộc Tày, Nùng và Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
3. Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
4. Lý Tùng Hiếu, Hôn nhân và thân phận lệ thuộc của người phụ nữ Bru-Vân Kiều, Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1997.
5. Lý Tùng Hiếu, Nam quyền trong chế độ mẫu hệ ở Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học, số 5,6, 2012.
6. Nguyễn Khắc Cảnh - Đặng Thị Kim Oanh, Nhân học về thân tộc, dòng họ, hôn nhân và gia đình. Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015.
7. Phan Hữu Dật, Quy tắc cư trú trong hôn nhân, Tạp chí Dân tộc học, số 3,1997.
8. Vargyas, Gabor (Giáp Thị Minh Trang dịch), Bất chấp định mệnh: Phong tục tập quán của người Bru, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2018.
9. Vũ Đình Lợi, Hôn nhân và gia đình truyền thống ở các dân tộc Malayo-Polynexia Trường Sơn-Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
10. Y Thi, Văn hóa dân gian Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.