Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm ở Quảng Nam

10/06/2023 09:00

Theo dõi trên

Với hơn 550 năm danh xưng Quảng Nam, vùng đất này còn lưu giữ rất nhiều di sản Hán - Nôm có giá trị về lịch sử và văn hóa.

vn555-1686362347.jpg
Đạo sắc phong năm Tự Đức tứ niên (1851) thăng cho ông Võ Tây, người xã Hòa Thanh (nay thuộc xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), giữ chức Quản cơ trong Kinh kỳ thủy sư thời Nguyễn. (Ảnh tư liệu)

Di sản Hán - Nôm ở Quảng Nam đa dạng về loại hình (bi ký; minh văn khắc trên đồng, gỗ, đá, gốm; sắc phong, chiếu chỉ, lệnh dụ… của các triều đại quân chủ cho chính quyền các cấp và nhân vật của địa phương; các tờ trình, bản tấu… của quan lại địa phương lên triều đình trung ương; gia phả các dòng họ; sách vở, trước tác… của các bậc túc Nho, khoa bảng; địa bạ của làng xã; kinh sách của các tôn giáo; sách thuốc, văn cúng/khấn… lưu truyền trong dân gian); phong phú về nội dung (phản ánh diễn trình hình thành và phát triển của Quảng Nam; những vấn đề lịch sử - xã hội, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục - khoa cử, văn hóa - nghệ thuật; sự tích các nhân vật lịch sử, thông tin về các bậc tiền nhân có công khai khẩn mở đất Quảng Nam - Đàng Trong và nước ta nói chung trong gần 5 thế kỷ qua…).

Hậu thế giữ gìn

Những di sản Hán - Nôm này đang tồn tại dưới nhiều hình thức, thể loại khác nhau. Đó là những di vật, hiện vật tại các di tích lịch sử - văn hóa, các danh lam thắng cảnh ở nhiều địa phương trong tỉnh; là tư liệu thành văn lưu giữ trong các đình miếu, nhà thờ tộc họ, trong các thư viện, tủ sách gia đình…

Những di sản này đang được sở hữu, quản lý theo nhiều cách thức khác nhau: các tổ chức, thiết chế của nhà nước (bảo tàng tỉnh, thị xã; ban quản lý di tích lịch sử văn hóa các cấp; thư viện tỉnh, thành phố, thị xã, các huyện…); tài sản thuộc sở hữu của các dòng tộc, gia đình; có cả những di sản không có người quản lý (các di vật, hiện vật tồn tại rải rác trong các đình miếu, chùa chiền chưa được xếp hạng, những tư liệu thành văn tồn tại trong cộng đồng).

Trong nhiều năm qua, các tổ chức và cá nhân ở Quảng Nam đã tiến hành nhiều đợt nghiên cứu điền dã, sưu tầm các di sản Hán - Nôm trên địa bàn, tiến hành thống kê, kiểm đếm, lập danh mục di sản Hán - Nôm ở địa phương làm cơ sở dữ liệu để quản lý; sao chụp, phục chế một số văn bản quan trọng, có giá trị lịch sử - văn hóa, đưa về bảo quản tại bảo tàng và Thư viện tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, còn có các cá nhân, tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, cấp quốc gia về sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản Hán - Nôm liên quan đến Quảng Nam (đang được bảo tồn ở các thư viện, văn khố quốc gia ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, trong các thư viện của các trường đại học, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước), tìm cách sao chép, phục chế, số hóa và đưa về lưu giữ ở Quảng Nam.

Tuy nhiên, những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các cá nhân ở địa phương trong việc sưu tầm, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản Hán - Nôm ở Quảng Nam vẫn chỉ là những hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang tính tổng thể, toàn diện nhằm bảo tồn và khai thác hiệu quả kho tàng di sản Hán - Nôm đang đứng trước nguy cơ mai một, bị xâm hại và mất mát dần do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thậm chí, có nhiều di sản Hán - Nôm sau khi được sưu tầm, thu thập đưa về quản lý và bảo quản tại các cơ quan hữu quan, nhưng do không có nhân lực tinh thông kiến thức Hán - Nôm để nghiên cứu, phiên dịch, sử dụng… nên nguồn tư liệu ấy vẫn là "hiện vật nhập kho" chờ khai thác.

Nhiều văn bản, di vật có minh văn Hán - Nôm được biên/phiên dịch chưa chính xác; bảo tồn, phục chế không đúng cách thức khiến cho hiện vật/di vật/văn bản Hán - Nôm bị sai lệch, hư hỏng. Nhiều tài liệu Hán - Nôm thuộc sở hữu của gia đình, dòng họ đang đứng trước tình trạng bị hư hại do các yếu tố thời tiết, khí hậu, bị mất mát, hư hại do thiên tai (hỏa hoạn, lũ lụt) và nhân tai (nạn trộm cắp, làm giả, buôn bán trái phép di sản Hán - Nôm)…

screenshot9-1686197418815186474106-1686362394.jpg
Tờ bản đồ Quảng Nam tam phủ cửu huyện, trong tập Giao Châu dư địa chí (bản VHt.30), lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Gợi ý giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Từ kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản tư liệu nói riêng; đã được tham quan, học tập kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn các loại hình di sản tư liệu, trong đó có tư liệu Hán - Nôm (di vật/hiện vật và tư liệu thành văn), tôi xin đề xuất một số giải pháp, ngỏ hầu góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm ở Quảng Nam trong bối cảnh các di sản này đang đối mặt với những thách thức từ sự phát triển của cuộc sống đương đại ở địa phương này. Đó là:

Nhanh chóng thành lập và đưa vào hoạt động một trung tâm lưu trữ di vật, hiện vật và tư liệu Hán - Nôm sưu tầm ở Quảng Nam và các nguồn tư liệu Hán - Nôm liên quan đến Quảng Nam đang bảo lưu ở các nơi khác, nhằm bảo vệ nguồn di sản quý giá này, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm ở địa phương.

Trung tâm này có thể đặt dưới sự quản lý của Thư viện tỉnh Quảng Nam, hoặc Bảo tàng Quảng Nam. Những di sản này cần được số hóa và kết nối với các hệ thống tìm kiếm dữ liệu trên internet để phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Nên có chương trình thu hút/đào tạo nguồn nhân lực am hiểu, tinh thông Hán - Nôm làm việc cho trung tâm lưu trữ di vật, hiện vật và tư liệu Hán - Nôm (dự định thành lập) và các ban quản lý các di tích, bảo tàng… có di vật Hán - Nôm (theo chế độ làm việc toàn phần hay cộng tác viên bán thời gian, với ưu đãi thích đáng). Vì đây là nhân tố quan trọng nhất trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và khai thác giá trị của di sản Hán - Nôm tại địa phương.

Nên tổ chức tổng điều tra, kiểm kê di sản Hán - Nôm hiện được lưu giữ trong cộng đồng, trong các thư viện tư nhân và tủ sách gia đình ở Quảng Nam, để xây dựng một cơ sở dữ liệu về loại hình di sản này.

Cơ sở dữ liệu này sẽ rất hữu ích trong việc cung cấp những thông tin cơ bản về các tư liệu Hán - Nôm quý hiếm, nội dung cơ bản của các tư liệu, nơi lưu trữ hiện thời... Từ đó, phối hợp với chủ nhân các di sản Hán - Nôm này trong việc nghiên cứu, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn di sản tư liệu này.

Chính quyền tỉnh nên có chính sách cho phép tư nhân và cộng đồng được gửi những tư liệu Hán - Nôm quý hiếm vào các thư viện công lập có cơ sở vật chất và điều kiện bảo quản tốt hơn, để phòng tránh các trường hợp bị thiên tai, tai nạn, bị tác động bởi thời tiết, khí hậu, côn trùng tấn công...

Đặc biệt, trong các trường hợp khẩn cấp (như lụt bão, hỏa hoạn...), nên có những hỗ trợ về nhân lực để cứu các tư liệu này khỏi bị thiệt hại và tạo điều kiện để cho tư nhân và cộng đồng tạm thời gửi nguồn tư liệu này đến những nơi có điều kiện bảo quản, phục hồi tốt hơn.

Chính quyền tỉnh nên có chính sách hỗ trợ để triển khai dự án số hóa những di sản Hán - Nôm hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bắt đầu từ những tư liệu đặc biệt quý hiếm và khi có đủ điều kiện thì số hóa toàn bộ di sản Hán - Nôm đã được nhận diện và quản lý, nhằm lưu trữ và tạo thuận lợi cho việc phổ biến và khai thác di sản tư liệu này.

Theo Báo Quảng Nam
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm ở Quảng Nam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.