Bảo tồn dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh sau vinh danh

27/07/2017 14:26

Theo dõi trên

Bắt nguồn từ lao động, được hình thành, sáng tạo trong lao động, dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh là phương tiện sinh hoạt văn nghệ tự túc của nhân dân; là một tài sản tinh thần vô giá. Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể ở Paris (Pháp), Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn cả của dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt ra trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong đời sống hiện đại.

"Sao điệu ví cứ nghĩa tình đến thế"

Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Loại hình này được sử dụng phổ biến trong hầu hết mọi hoạt động thường ngày: Từ ru con, dệt vải đến trồng lúa, chèo thuyền. Với lời ca ca ngợi những giá trị đạo đức truyền thống như hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, sự tận tụy vì người khác cũng như đức tính thật thà và cách cư xử giữa người với người. Theo các nghiên cứu mới nhất, ví giặm có tuổi đời khoảng 400 năm.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ những lời nói thô mộc, nằng nặng “mô, tê, răng, rứa”, dân ca ví giặm đã được tạo nên nhiều thể loại như: Ví phường vải, Ví phường nón,Ví phường đan, Ví đò đưa, Giặm khuyên, Giặm kể, Giặm ru... Đắm mình vào các làn điệu ví, giặm xứ Nghệ, chúng ta mới có thể cảm nhận được tính phong phú, đa dạng, nhiều cung bậc cả về mặt âm thanh lẫn ca từ.

Có thể nói, điệu ví nghe trang trải mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Trái lại, giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần, giãi bày. Cũng có loại dặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và trữ tình dao duyên. Trải qua bao biến thiên của xã hội, sức sống của loại hình nghệ thuật diễn xướng này vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.

Theo thống kê, hiện có 75 nhóm dân ca ví, giặm với gần 2000 thành viên đang thực hành và diễn xướng tại 168 làng ở Nghệ An và 92 làng ở Hà Tĩnh.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản

Có thể nói, trong xã hội đương đại với quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông đã và đang đặt dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trước những thách thức mới. Vì vậy, ngay sau khi loại hình nghệ thuật này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn sức sống của loại hình dân ca này và triển khai những chính sách nhằm tôn vinh các nghệ nhân trao truyền và giáo dục thế hệ trẻ.

Đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã nhận thức được trách nhiệm cũng như sự cần thiết cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Đặc biệt là đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá để người dân cũng như chính quyền các cấp nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của di sản, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cụ thể, việc thành lập hệ thống câu lạc bộ hát dân ca cũng như việc đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca đã tạo ra không gian văn hóa mới cho ví, giặm thực hành. Vì thế, phong trào hát dân ca ngày càng được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân. 

Ngoài ra, hệ thống các câu lạc bộ đàn, hát dân ca ở cơ sở được thành lập đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở, trở thành một trong những “cái nôi” lưu giữ hồn Dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Hầu hết các câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình, say mê. Nhiều nghệ nhân dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tham gia, truyền dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ và tham gia biểu diễn phục vụ bà con trên địa bàn dân cư. Họ thực sự là những “báu vật nhân văn sống” như gia đình nghệ nhân Lê Thị Vinh (Thanh Chương, Nghệ An), nghệ nhân Trần Khánh Cầm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh)...

Ví giặm không chỉ được bảo lưu, phát huy trong câu lạc bộ, trong sinh hoạt thường ngày của người dân mà còn được đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung ương, ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ và nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh phối hợp cùng các nghệ nhân dưới nhiều hình thức như: Ghi âm, ghi hình, sưu tầm, nghiên cứu, phát hành sách, sân khấu hóa...

Những khó khăn, thách thức đặt ra

Ba năm sau khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức được đặt ra cho loại hình nghệ thuật này.

Trong đó, phải kể đến vấn đề lớn nhất là tìm các giải pháp tích hợp để bào tồn và phát huy giá trị dân ca trong bối cảnh thế giới phẳng, sự hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng. Bài toán đặt ra là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của di sản thế nào cho hợp lý bởi công tác bảo tồn cần có sự chăm lo không chỉ của đội ngũ lãnh đạo mà cả sự chung tay của cộng đồng thực sự chưa có lời giải thỏa đáng.

Bởi lẽ, do tồn tại với hình thức truyền khẩu, công tác bảo tồn dân ca ví, giặm gặp khó khăn. Thời gian qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực nhưng vẫn chưa có sự sưu tầm đầy đủ, bài bản về các lời hát, điệu hát cổ, nhất là ở những nghệ nhân lớn tuổi. Phong trào đưa dân ca vào trường học được thực hiện từ năm 1999 đến nay nhưng hiệu quả thực sự không được là bao do nguyên nhân đến từ giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất, điều kiện và tâm lý tiếp nhận của học sinh. Hơn nữa, các CLB đàn, hát dân ca - một trong những “cái nôi” lưu giữ hồn dân ca xứ Nghệ phần lớn các thành viên đã cao tuổi, kinh phí hoạt động khó khăn, nhiều CLB rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, việc sưu tầm vốn dân ca cổ, phục hồi môi trường diễn xướng nguyên bản hầu như không thực hiện được.

Khó khăn chồng chất. Các nghệ nhân dân ca hầu hết đã "gần đất xa trời". Thị trường âm nhạc mới hấp dẫn giới trẻ nên hầu hết họ thờ ơ, quay lưng với loại hình nghệ thật này. Dân ca trên sân khấu kịch hát không còn là dân ca trong đời sống của người dân, mà chỉ là một phương tiện của nghệ thuật sân khấu. Khi chưa tạo ra một phong cách, hệ thống thi pháp ổn định thì kịch hát dân ca đã gặp phải thời thoái trào của sân khấu, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Như vậy, mặc dù hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (đặc biệt là Nghệ An) trong thời gian qua đã và đang cố gắng rất nhiều để lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, nhưng quả thực thách thức ngày càng nhiều, khó khăn thêm chồng chất. Trong hoàn cảnh đó, hy vọng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mọi người, mọi ngành, mọi nghề, việc bảo tồn và phát huy di sản quý giá của cha ông sẽ có những khởi sắc mới.

Minh Thụ
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh sau vinh danh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.