Bắc Ninh: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

28/08/2016 01:28

Theo dõi trên

Với số lượng hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa lại phong phú, đa dạng về giá trị, nên hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ thống di tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa luôn được các cấp, ngành quan tâm, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

 
Chùa Bút Tháp (Đình Tổ, Thuận Thành) và các di tích Quốc gia đặc biệt khác trong tỉnh  thường xuyên có cán bộ Ban Quản lý di tích túc trực thuyết minh phục vụ du khách.

Trong năm 2016, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hoàn thiện lập Quy hoạch cho 4 di tích Quốc gia đặc biệt: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý và Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Dạm-chùa Hàm Long. Đáng chú ý, tại 4 di tích Quốc gia đặc biệt, ngành đã cử 4 cán bộ của Ban Quản lý di tích trực tiếp về công tác, phụ trách thuyết minh. Hoàn thiện xây dựng kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia cho 3 nhóm bảo vật là: Cột đá chùa Dạm, 10 linh thú đá chùa Phật Tích và Tượng Tứ Pháp chùa Dâu. Công tác trùng tu, tu bổ chống xuống cấp cũng được triển khai tại 16 di tích. Ngoài ra, ngành tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng mới chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh và hoàn thiện một số đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản khác.
 
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý di tích tỉnh tích cực hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước về di tích, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội. Việc tham mưu lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Quốc gia, di tích cấp tỉnh được chú ý. Chất lượng thuyết minh tại các điểm di tích từng bước được nâng cao. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 nghìn lượt khách hành hương, thăm quan tại các di tích trong tỉnh.
 
Hoạt động sưu tầm được duy trì với 552 tài liệu, hiện vật, ảnh tư liệu thuộc nhiều giai đoạn lịch sử. Bảo tàng tỉnh cũng tiến hành phân loại 251 hiện vật, 130 tài liệu, chụp và xử lý 520 ảnh hiện vật, đón tiếp 4.017 lượt khách đến Bảo tàng tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó, tổ chức trưng bày theo chuyên đề “Quê hương nhà Lý và chiến thắng Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống 1077”; báo cáo nghiệm thu đề tài khoa học “Tìm hiểu vai trò các vị tổ nghề thủ công truyền thống tỉnh Bắc Ninh và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa về các vị tổ nghề trong sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh Bắc Ninh”.
 
Có thể thấy, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành luôn quan tâm, góp phần thay đổi nhận thức mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị của di sản văn hóa, giúp người dân hiểu được giá trị của di sản, tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất, tạo ra động lực tinh thần để nhân dân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích.
 
Tuy nhiên, trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập về công tác quản lý nhà nước, một vài địa phương còn chưa thật sự quan tâm bảo tồn dẫn đến tình trạng xuống cấp của di tích. Việc kết nối di tích, gắn với hoạt động du lịch chưa nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư tại địa phương có di tích. Công tác thu hút xã hội hóa để đầu tư tôn tạo di tích còn hạn chế, chưa huy động hết tiềm năng của quần chúng nhân dân.
 
Nhằm tăng cường công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, ngành Văn hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp hướng dẫn thực hiện công tác trùng tu tôn tạo di tích theo quy định; lập hồ sơ xếp hạng cho các di tích đủ điều kiện; tiến hành thống kê di tích trên địa bàn huyện Gia Bình; xây dựng dự án các biển báo di tích trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Đặc biệt, ngành sớm tham mưu hoàn thành Đề án “Tổ chức, quản lý, sử dụng biên chế tại các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng và di tích quốc gia tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Những công trình nghiên cứu khoa học như “Đình làng Bắc Ninh-giá trị lịch sử, văn hóa vai trò của đình làng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh hiện nay” sẽ được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện bản thảo... Ngoài ra, công tác sưu tầm tài liệu hiện vật ở địa phương, trưng bày chuyên đề và đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh tiếp tục được duy trì.
 
Bắc Ninh có hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc mà việc quản lý, phát huy giá trị di tích thường liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương nên đòi hỏi cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ và tích cực trao đổi kinh nghiệm để công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản đạt kết quả tích cực hơn nữa.

Theo V. Thanh (Báo Bắc Ninh)

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Ninh: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.