“Ấp Thấy Rầu” nay là nông thôn mới

22/07/2016 17:28

Theo dõi trên

Bí thư Chi bộ Ấp 4 Năm Lọng và Trưởng ấp Hai Phượng dành cho tôi một ngày để cùng đi giáp ấp. Cái ấp từng được coi là một thời có lắm chuyện trời ơi đất hỡi, không có đêm nào mấy anh em công tác ở ấp ngủ được trọn vẹn.

Ðịa bàn hành chính của Ấp 4, xã Tắc Vân, trải dài theo kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu gần 4 km, giáp với xã Ðịnh Thành A và xã Ðịnh Bình, bên kia kinh xáng là Quốc lộ 1 và chợ Tắc Vân. Ấp có diện tích tự nhiên hơn 225 ha, diện tích sản xuất hơn 141 ha, dân số gần 3.500 người, với 673 hộ dân. Dân cư của ấp sống tập trung ở khu vực bến đò qua chợ Tắc Vân, nhà mé sông và nhà trên bờ chen chúc nhau như ở chợ.

Ðặc điểm rất riêng và dễ thấy nhất của Ấp 4 là nhà ở của người dân na ná nhau. Ấp không có nhà lầu, kể cả khu tập trung đông đúc ở bến đò cũng vậy. Ấp cũng không có nhà lá, nhà cây tạm bợ, mặc dù là trong ruộng, nhà ở của người dân đa phần là nhà tường, nhà tol, nhỏ, cặp theo lộ bê-tông mới xinh xinh.




Gia đình ông Huỳnh Văn Cục ở Ấp 4, phấn khởi khi có 7 người con được địa phương tạo điều kiện có việc làm ổn định ở Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Ðiều này cho thấy, cuộc sống của người dân của ấp gần gần giống nhau, không có người quá giàu, cũng không có người quá nghèo. Nếu có trường hợp ngoại lệ, khoảng cách ấy chắc cũng không xa nhau mấy.

Hai Phượng từ Xã đội trưởng xã Tắc Vân về nhận nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ ấp, rồi Trưởng Ấp 4 từ cuối năm 1999. Anh thuộc dạng công tác ấp lâu năm đến "cầu số lên", thuộc làu từng nhà trong ấp. Nhà có bao nhiêu người, mần nghề gì, sống như thế nào, anh nhớ như in mọi chuyện của ấp vào từng năm.

Ấp 4 cách xã Tắc Vân chỉ có con kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, đi đò qua xã "trong vòng 3 nốt nhạc" là tới. Thế nhưng, phía bên kia sông là Quốc lộ 1, phố chợ đông đúc, mua bán nhộn nhịp, dân tình sống có vẻ văn minh, còn phía bên đây sông, cái gì cũng hổng có, chỉ có sự tạm bợ, dân tình sống "quê mùa một cục".

Mà không quê mùa sao cho được, ấp cũng có lộ xi-măng, nhưng chỗ có chỗ không, nhiều chỗ đứt khúc và muốn hết ấp là đường đất. Mùa mưa sướng hết ý, đất phèn dẻo như kẹo kéo, dân tình đi chân đất nhiều hơn là đi dép. Mỗi lần qua chợ, dép kẹp bên nách, hay bỏ trong giỏ đệm đi đò qua sông như dân hai lúa ra thành phố vậy. Ðiện cũng vậy, chỗ có chỗ không, xài điện chia hơi là nhiều.

Ấp có xóm gọi là cù lao Láng Xéo, có cả thảy 36 hộ dân, giải phóng hơn 30 năm trời không biết đèn điện là gì. Nước xài cũng thế, chỗ có nước máy chỗ không, dân tình xài nước giếng tự khoan và nước đổi từ các ghe trên sông chở đến là chính. Nhà nào cũng có nhiều lu, mái đầm dự trữ nước trời. Nhà ở thì không còn chỗ để nói, phần nhiều là nhà lá, nhà cây che thiếc lụp xụp, có cái tạm bợ bên bờ sông như cái chòi, nhìn thấy là phát rầu.

Tuy vậy, đây chưa phải là vấn đề lớn của ấp, cái khó khăn lớn nhất của Ấp 4 là nghèo. Ấp có hơn 600 hộ dân, trong đó chiếm hơn phân nửa là không có đất sản xuất. Ðây là số di dân tự do, thấy ấp có cái chợ bự bự bên sông chắc dễ làm ăn nên đến ấp lập nghiệp. Dân lao động thuộc diện thành thị ở huyện Châu Thành trước đây từng sống ở ấp, sau giải phóng đi vùng kinh tế mới trở về ấp sinh sống.

Dân sống trong quê mà không có đất sản xuất thì biết như thế nào rồi, mọi người phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề khác nhau, phần nhiều là đi làm thuê, mua gánh bán bưng, chạy gạo ăn hằng ngày.

Ðã vậy, gần phân nửa số hộ còn lại, dân cố cựu của ấp, có đất trồng lúa, rồi chuyển dịch sang nuôi tôm, nhưng coi lại cũng không khá hơn là mấy. Bởi nhà nào khá lắm cũng chỉ có từ 5 đến 7 công đất sản xuất, trong khi đó, nhà nào cũng gần chục người, mần giỏi lắm chỉ giải quyết được cái ăn, mọi thứ còn lại cũng phải dựa vào đi mần mướn. Việc làm mướn lại thường theo thời vụ và không ổn định, lao động ở ấp trở nên thất nghiệp dài dài.




Tuyến lộ Láng Xéo, Ấp 4, nối liền với  xã Ðịnh Thành A (huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu) dài 1.600 m, ngang 2,5 m, kinh phí đầu tư 2,5 tỷ đồng, đang được khẩn trương thi công để hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nông thôn theo chuẩn nông thôn mới. Ảnh: ÁI NHƯ

Ấp phát sinh nhiều thứ trời ơi, mấy cái ao nuôi cá, lú đặt tôm của dân ấp bị mất trộm như cơm bữa, dân ấp tức muốn điên người. Nhất là đám thanh niên ở ấp thất nghiệp, không có chuyện gì làm, sanh ra tật nhậu nhẹt thấy sợ. Người ta nhậu có lúc, dân ấp thất nghiệp lúc nào cũng nhậu được, có khi tờ mờ sáng là đã thấy bày sòng ra nhậu.

Nhậu cóc ổi mà tiệc nào sau đó cũng sinh ra chuyện, không lớn thì nhỏ, anh em công tác ở ấp rất khổ sở với vấn nạn này. Cứ chiều xuống, anh em tập trung ở trụ sở ấp, tư thế sẵn sàng với mấy đám nhậu quậy. Không có đêm nào mấy đám nhậu quậy để cho anh em thất nghiệp; không có đêm nào mấy đám nhậu quậy để cho anh em ngủ được ngon lành.

Thấy tình hình không êm, anh em ấp rồi cán bộ xã quyết định tìm cho được một khắc tinh của vấn nạn này. Và cuối cùng anh em cũng tìm được một công an phụ trách ấp ngon lành. Anh là Minh “Thúng”, vốn là dân bốc vác và công nhân xí nghiệp gạch thứ thiệt, tướng tá rất “be” và mặt rất “ngầu”. Nói chung là nhìn Minh "Thúng" rất hì hợm. Anh có cái tên Minh "Thúng" cũng từ ấy, ý muốn nói anh bự con.

Mấy anh em ở ấp, xã đưa Minh "Thúng" về làm công an ấp là đúng người. Mấy ngày đầu, mấy đám nhậu quậy thường xuyên ở ấp thấy Minh "Thúng" cũng dội dội, tình hình có vẻ êm. Nhưng khốn nỗi, mấy tay ăn nhậu là con của "Ngọc Hoàng", khi chơi tới bến rồi, Ngọc Hoàng còn không sợ, huống hồ gì là Minh "Thúng". Khắc tinh mau chóng nhờn thuốc với đám này.

Ðường lộ đứt khúc, xài đèn dầu, đổi nước ghe, nhà lá tạm bợ, dân nhậu quậy, phá làng đập xóm, tất cả những thứ đó ở Ấp 4 giờ đây muốn "tìm để làm thuốc" không dễ. TP Cà Mau lên đô thị loại II, xã Tắc Vân đạt chuẩn xã nông thôn mới, Ấp 4 thay đổi hoàn toàn. Ấp có gần 1.500 lao động được giới thiệu việc làm ở các khu công nghiệp của Long An, Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Gần 300 lao động có được việc làm ở các xí nghiệp chế biến thuỷ sản trong tỉnh và gần 200 lao động tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, xí nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn xã.

Ông Huỳnh Văn Cục ở Ấp 4, cho hay, gia đình có 7 người con, 1 đứa làm công nhân ở Ðồng Nai, 2 đứa làm công nhân ở Củ Chi, 2 đứa làm công nhân ở Bình Dương, 2 đứa nữa cũng làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, mỗi đứa dư 1 tháng không dưới 2 triệu đồng, cuộc sống của gia đình khá hơn rất nhiều.

Ông Trần Văn Bình ở Ấp 4, chia sẻ, gia đình có 2 con trai và 2 con dâu, cả 4 đều có được việc làm trong xí nghiệp gỗ ở Long An và xưởng may ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập rất ổn định.

Ông Huỳnh Văn Minh ở Ấp 4, cho biết, gia đình có 4 người con, cả 4 đều có việc làm ổn định ở các xí nghiệp chế biến thuỷ sản trong tỉnh, cuộc sống không còn khó khăn như trước.

Những gia đình như ông Cục, ông Bình, ông Minh có con cái đi làm ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu nhập ổn định có ở Ấp 4 giờ đây rất nhiều. Chính điều này đã làm thay đổi căn cơ cái khó, cái nghèo của cái ấp một thời "trời ơi".

Ở Ấp 4 bây giờ, ban ngày chỉ còn có người lớn tuổi và trẻ con, thanh niên ở ấp đi làm hết. Ðến xế chiều, ấp mới nhộn nhịp các cô gái, chàng trai tan ca từ các xí nghiệp trên địa bàn xã trở về nhà. Có công ăn việc làm, dân ấp cư xử với nhau có phần văn minh hơn, công việc của anh em ở ấp khoẻ hơn rất nhiều.
Chủ tịch UBND xã Tắc Vân Hồ Thanh Sử chia sẻ: "Ấp 4 là 1 trong 4 ấp khó khăn nhất của xã và tình hình trật tự xã hội phức tạp nhất ở xã. Trước đây, trong những dịp lễ, Tết, anh em ở xã phải luân phiên nhau tăng cường xuống ấp trực 24/24 để xử lý tình hình trật tự xã hội. Trong quá trình xây dựng xã đạt nông thôn mới và là xã cửa ngõ phát triển của thành phố đô thị loại II, xã xác định vấn đề của Ấp 4 chính là lao động và việc làm. Qua sự thay đổi của Ấp 4 được như ngày hôm nay, chúng tôi hiểu ra được một điều, trong xây dựng nông thôn mới, cùng với phát triển hạ tầng, mấu chốt quan trọng của xã là phải giải quyết được công ăn việc làm cho người dân. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng nông thôn mới thật sự có chất lượng và bền vững”.

Ðể giải quyết lao động có việc làm cũng thấy rầu, bởi ấp có hơn phân nửa là dân di cư tự do, dân đi vùng kinh tế mới, nên thấy ở lâu vậy, chứ thật ra coi lại ít ai có hộ khẩu đàng hoàng, toàn là dân tạm trú, dân ở đậu. Gia đình không hộ khẩu, sắp nhỏ tấn lên không làm được giấy Chứng minh Nhân dân, mà không có Chứng minh Nhân dân, có nơi nào đâu dám nhận vô làm.

Lao động của ấp bị thất nghiệp cũng là vậy. Hai Phượng và anh em cán bộ ở ấp hè nhau giải quyết cái nút thắt này. Năm này qua năm nọ rồi cũng xong, anh cùng với anh em cán bộ ở ấp nhiều lần cười trong nước mắt. Vậy là cũng đã làm tròn trách nhiệm của ấp, lo cho lao động của ấp có đủ điều kiện tìm công ăn việc làm như người ta.

Hai Phượng có mặt trong suốt quá trình thay đổi đó của ấp. Thấy ấp bây giờ tiến bộ rồi, Hai Phượng làm ở ấp lâu năm quá rồi, trong bầu cử trưởng ấp 2015-2017 ở xã vừa rồi, có vài ý kiến của anh em ở xã cho rằng, cần thay đổi trưởng ấp đủ chuẩn hơn, giúp ấp tiến bộ nhiều hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, việc gắn bó lâu năm với ấp của Hai Phượng chính là cái vốn quý của một trưởng ấp. Thấy ý kiến nào cũng có lý, mở rộng đường cho người dân chọn lựa trong bầu cử trưởng ấp ở Ấp 4 vừa rồi, Ấp 4 là ấp duy nhất được xã giới thiệu cùng lúc 2 trưởng ấp để người dân chọn 1. Kết quả là không phải làm lâu năm mà cũ, vấn đề là làm lâu năm mà làm được gì cho dân, Hai Phượng lại một lần nữa được người dân Ấp 4 chọn, Hai Phượng lại một lần nữa được Ðảng uỷ xã tin…

(Theo Cà Mau Online)

ÁI NHƯ
Bạn đang đọc bài viết " “Ấp Thấy Rầu” nay là nông thôn mới " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.