Trong tập III của Bộ tiểu thuyết lịch sử nói trên nhan đề “Những ca khúc khải hoàn” nói về quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Nhà Trần, đặc biệt tài thao lược chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hung bao, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước.
Trong chiến thắng vang dội trước Nguyên Mông có 1 phần công sức không nhỏ của công chúa út An Tư. Ở góc độ này, có thể coi An Tư là một "điệp viên cấp cao" của nhà Trần.
An Tư công chúa (Theo Việt Sử Tiêu án của Ngô Thì Sĩ chép là Thiên Tư công chúa) là con gái út của vua Trần Thái Tông, chưa rõ năm sinh năm mất.
Theo một số tư liệu ghi chép lại, nàng là một "lá ngọc cành vàng" tài mạo song toàn, là một trong hai công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử nhà Trần, cùng với Huyền Trân công chúa.
Không rõ ngành tình báo Việt Nam đánh giá thế nào nhưng khi đọc “Việt Nam diễn nghĩa” Tập III của PGS TS Cao Văn Liên thì có lẽ “tình báo viên đầu tiên” của nước ta là công chúa An Tư thời nhà Trần (thế kỷ thứ 13).
An Tư công chúa, còn gọi là Thiên Tư công chúa, là con gái út của vua Trần Thái Tông 1218 - 1277, là em gái của vua Trần Thánh Tông.
Công chúa An Tư không chỉ đẹp nổi tiếng Đại Việt mà còn đẹp nổi tiếng cả Trung Nguyên. Trong lần tấn công xâm lược lần thứ 2, Thoát Hoan ra điều kiện với sứ giả nhà Trần là Trần Đương: “Muốn ta tha mạng cho triều đình (nhà Trần), không tàn sát Hoàng gia và bách tính thì đưa công chúa An Tư đến cho ta. Ngày mai ta sẽ chờ ở Long Hưng và đón người đẹp ở đó” (Kỳ 15 Chương II Tập III phát trên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển và trong bản in tại trang 140, Chương II, Tập III “Những khúc khải hoàn”).
Có bạn đọc liên lạc với Tòa soạn hỏi “Tại sao Thoát Hoan lại biết được An Tư công chúa là người đẹp nổi tiếng của Đại Việt?”.
Xin trả lời ngay: Trong kỳ 15 Chương II Tập III của Bộ Tiểu thuyết lịch sử của PGS TS Cao Văn Liên phát trên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển và trong bản in trang 140, Chương II, Tập III “Những khúc khải hoàn” có những chi tiết rất đáng chú ý giải đáp thắc mắc nói trên: Đầu năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên đã đánh tới Gia Lâm, vây hãm thành Thăng Long của nhà Trần.... Theo kế sách của Trần Hưng Đạo, vua Trần Nhân Tông đã cử Trần Đương ra Khoái Châu đến gặp Thoát Hoan giả vờ thương lượng để kéo dài thời gian cho quân ta rút lui, đồng thời sẵn sàng hy sinh 4 vạn quân để ngăn chặn, làm giảm tốc độ tiến quân của giặc Nguyên Mông.
Thoát Hoan đồng ý tiếp sứ giả Trần Đương rồi bảo quân sư A Lý Hải Nha (trích nguyên văn): “Quân sư đưa bức tranh ra đây. Thoát Hoan cầm tranh và đưa cho Trần Đương. Trần Đương cầm xem thì người trong tranh là công chúa An Tư, con gái của Tiên Hoàng Đế Trần Thái Tông, em của Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, cô của vua Trần Nhân Tông, em con ông chú của Trần Hưng Đạo. Công chúa An Tư vốn đẹp nổi tiếng trong nước. Thoát Hoan hỏi:
- Ngươi có biết mỹ nhân trong bức tranh này không?
- Dạ, mạt tướng không biết.
Thoát Hoan nghiêm nét mặt hung dữ:
- Ngươi giả vờ, bên Trung Nguyên người ta còn biết công chúa An Tư không chỉ đẹp nổi tiếng Đại Việt mà còn nổi tiếng cả Trung Nguyên. Bức tranh này do vương thân nhà Trần là Trần Di Ái khi đầu hàng đã đưa tặng ta. Ngươi về nói với Trần Nhật Huyên muốn ta tha mạng cho triều đình, không tàn sát hoàng gia và bách tính thì đưa công chúa An Tư đến cho ta. Ngày mai ta sẽ chờ ở Long Hưng và đón người đẹp ở đó, rõ chưa?
Trần Đương rủa thầm: “Thằng Trần Di Ái đúng là đồ chó chết, đã phản bội tổ quốc còn bán cả anh em họ hàng”, liền trả lời Thoát Hoan:
- Mạt tướng sẽ về nói lại, còn hoàng thượng của ta có đồng ý hay không thì ta không biết.
- Hết ngày mai mà không đem công chúa tới ta sẽ xua 40 vạn quân làm cỏ Trường Yên, rõ chưa?”
Tác giả còn thuật lại việc Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo có ý ngăn Thái Thượng Hoàng nhưng Trần Thánh Tông đã gọi, gặp Công chúa An Tư, nói: “Nước nhà nay đang như nghìn cân treo sợi tóc. 40 vạn quân Thoát Hoan đang ở phía Bắc và đã đến Long Hưng. 10 van quân Toa Đô đang đánh đến Bắc Trường Yên. Triều đình, Hoàng gia và 30 vạn quân phải cần một ngày nữa mới rút về được Ái Châu. Phải làm sao giữ Thoát Hoan ở lại Bố Hải Khẩu (Thái Bình) hai ngày nữa. Huynh và Hoàng thượng vừa cho sứ giả vào hành dinh của hắn, hắn sẽ ở lại Bố hải Khẩu chờ đợi và đàm phán. Ý của muội thế nào? Công chúa An Tư dịu dàng đáp: “Muội rất muốn được tham gia cứu dân, cứu nước. Nay vì non sông xã tắc mà vào trại giặc một mình và hy sinh muội cũng không từ… Rồi công chúa An Tư lên kiệu ra đi…” (Các trang 142, 143, 144 Chương II, Tập III “Những khúc khải hoàn”).
Nhờ kế mỹ nhân đó và được Công chúa An Tư cung cấp nhiều tin tức nội bộ từ Thoát Hoan, đã cản được bước tiến quân của chúng để vua, quân nhà Trần rút lui chiến lược từ căn cứ kháng chiến ở Trường Yên (Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Định) về Ái Châu (Thanh Hoá) an toàn để có thời gian chuẩn bị thêm lực lượng, quân giặc thêm mỏi mệt, sau đó phản công thắng lợi trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285). Tấm gương hy sinh vì nước của công chúa An Tư được những người dân Đại Việt muôn đời ca tụng và sử sách lưu truyền.
Nói về công lao của công chúa An Tư, trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ có ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước".
Trong sách Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam, mục Phụ nữ thời Trần viết về An Tư công chúa: "Chuyện dã sử cũng kể rằng, khi đến tuổi cài trâm, An Tư cũng đã cùng với hoàng thân Chiêu Thành Vương ước hẹn. Nhưng giặc Nguyên tràn vào nước ta, lúc này thế của chúng quá mạnh, đã tiến công khắp mặt, đã chiếm được cả kinh thành Thăng Long.
Trước tình hình cấp bách diễn ra, đe dọa khắp nơi, vua quan nhà Trần đành phải dành cho An Tư công chúa sứ mệnh trọng đại này, hy vọng hòa hoãn được phần nào thế của giặc, để triều đình kịp thời xoay chuyển tình thế. An Tư đành phải liều thân vì nạn nước. Người yêu là Chiêu Thành Vương cũng đành ngậm ngùi đau khổ".
An Tư công chúa được gả sang trại giặc với tư cách là một vật cống nạp, nhưng một số ghi chép cho rằng cô đã làm nhiệm vụ mật báo nhiều tin tức quan trọng, là một "điệp viên cao cấp" của nhà Trần.
Hiện có rất ít tư liệu nói cụ thể về hoạt động của An Tư bên kia chiến tuyến, chỉ biết là không lâu sau đó, quân Trần bắt đầu phản công ở hầu khắp các mặt trận khiến cho quân Nguyên đại bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước.
Theo tiểu thuyết lịch sử “An Tư” của cố Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xuất bản năm 1944 thì nhận xét An Tư - số phận một cá nhân nhưng cũng là tiêu biểu cho những hi sinh mất mát của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. An Tư trong tiểu thuyết nói về một bậc liệt nữ nhưng cũng là bức tranh toàn cảnh về lịch sử đất nước, trong đó có kinh thành Thăng Long, ở vào một thời diểm đầy thách thức nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Tuy nhiên, nàng công chúa An Tư ấy vì đất nước đã chấp nhận gian nan, hy sinh. Sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7/1285, vua trở về kinh thành Thăng Long hân hoan làm lễ tế cáo tại lăng miếu, khen thưởng các công thần, truy phong các tướng lĩnh, nhưng không hề nhắc đến công lao của công chúa An Tư. Không biết nàng còn sống hay đã chết trong đám loạn quân? Hoặc có khi nàng được đưa về phương Bắc hay bị lưu lạc? Cho đến nay đây vẫn là một câu hỏi lớn chưa lời đáp.
Theo Lê Tắc - một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong bên Trung Quốc, có ghi: "Trước, Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần, sinh được hai con". Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa có cơ sở để khẳng định rõ ràng.
Nhiều ý kiến thống nhất đánh giá: Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á- Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong đó có công chúa An Tư./.