3 ngày khám phá và trải nghiệm Bà Rịa - Vũng Tàu

16/11/2016 14:13

Theo dõi trên

Tôi được biết về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua tham khảo sách vở và những lời kể từ bạn bè người thân và cũng có lần được đến xứ sở thần tiên này trong chốc lát. Quả thật những gì sách vở và lời kể của mọi người có hấp dẫn đến đâu, cũng không bằng được một lần đến nơi này trong vài ngày, khám phá và trải nghiệm thú vị ở đây qua thực tế…



Bạch Dinh


Ngày thứ nhất

Đến Vũng Tàu ngày đầu tiên, tôi mê mải ngắm biển và đi tham quan Di tích lịch sử Bạch Dinh, dấu tích sót lại của ông vua cuối cùng thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, Vua Bảo Đại của triều Nguyễn. Bạch Dinh xây dựng theo phong cách châu Âu từ cuối thế kỷ 19, được tọa lạc tại số 4, đường Trần Phú, P. 1, TP Vũng Tàu, là chốn ăn chơi mà vua Bảo Đại, sau này là các Toàn quyền người Pháp tại Đông Dương sử dụng. Mặc dù đã qua hàng trăm năm phơi mình trước nắng gió, mưa sa, nhưng Bạch Dinh vẫn giữ được nét đẹp trong kiến trúc Tây phương. Ở đây còn có các cổ vật được vớt từ biển Vũng Tàu trưng bày cùng những đồ dùng xa xưa còn lại càng làm cho di tích thêm thâm trầm uy nghi. Đứng trước Bạch Dinh cùng hàng cây sứ cổ, nhìn ra biển Vũng Tàu tấp nập tàu thuyền ra vào và xa xa là những giàn khoan dầu của Việt Nam chuẩn bị di chuyển đến vùng khai thác, trong tôi tự nhiên dâng trào cảm xúc, tự hào về non nước giàu đẹp và cảnh quan lãng mạn nơi đây…

Bạch Dinh cùng là Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Một bảo tàng đồ sộ, có rất nhiều hiện vật cổ xưa với 28 nghìn tư liệu, hiện vật gốc, đại diện cho các di chỉ khảo cổ học trên khắp địa danh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây còn có các hiện vật được vớt từ các tàu đắm trên tuyến đường tơ lụa thế kỷ 17 và 19. Bảo tàng Tổng hợp BR - VT còn có bộ sưu tập súng thần công khá đồ sộ, gây sự chú ý cho không ít nhà nghiên cứu và du khách. Ngoài ra khi tham quan bảo tàng du khách còn được chiêm ngưỡng sinh hoạt của các làng nghề truyền thống, của các dân tộc thiểu số ở BR - VT.

Sau gần 2 giờ tham quan, tôi rời bảo tàng để đến với Khu Du lịch Hồ Mây trên núi Lớn, tham gia các trò chơi cảm giác mạnh như: Máng trượt, đu dây, đua xe F1. Bạn đã bao giờ được đi máng trượt chưa? Nếu chưa một lần trải nghiệm cùng máng trượt bạn sẽ phải cố gắng để được một lần thưởng thức cảm giác mạnh đến tê dại khi lao vun vút trong lòng máng từ một độ cao. Thú vị và lạnh sống lưng với bao cung bậc cảm xúc nối nhau xuất hiện trong vài phút trải nghiệm này cũng đủ để nhớ mãi trong đời…Vui chơi, tham quan thỏa nỗi tò mò khám phá, bạn có thể đến thăm một vài ngôi chùa dọc đường Hạ Long ven biển đến mệt nhoài để ghé vào thưởng thức một vài món hải sản tươi sống ở nhà hàng Lan Rừng, Gành Hào, Thành Phát hoặc Tê Giác quán,… Đến những quán này thưởng thức hải sản bạn sẽ không lo bị “chặt chém” và giá cả cũng phù hợp và quan trọng hơn cả là thức ăn tươi sống, tùy chọn…

Ngày đầu tiên khám phá Vũng Tàu của bạn sẽ càng thú vị hơn nếu hôm đó bạn đến Vũng Tàu vào thứ 6 hoặc thứ 7, bạn sẽ được xem đua chó ở Sân vận động Lam Sơn, một hoạt động vui chơi giải trí, nhưng nếu bạn không cẩn thận cũng dễ bị sạch túi vì cá cược ở trường đua này... Giấc ngủ sẽ đến với bạn thật sâu sau một ngày khám phá trải nghiệm ở thành phố biển nổi tiếng này. Trong tiếng rì rầm của sóng biển, bạn chìm vào giấc ngủ chuẩn bị sức khỏe cho một ngày nữa khám phá thú vị ở Bà Rịa - Vũng Tàu.



Khám phá căn cứ Minh Đạm

Ngày thứ hai

Giấc ngủ thật sâu bù lại sức sau một ngày trải nghiệm ở thành phố Vũng Tàu thôi thúc tôi tiếp tục khám phá vài địa danh khác ở vùng đất này. Tôi quyết định đi Long Hải, nơi có bãi biển Long Hải hoang sơ, rừng hoa anh đào nở tuyệt đẹp khi vào mùa, hay Dinh Cô, căn cứ Minh Đạm, Thiền Viện Trúc Lâm,v.v. Tôi quyết định đến thăm Dinh Cô và Mộ Cô. Theo người dân kể rằng: Cách nay mấy trăm năm có một người con gái quê ở miền Trung tài sắc và giàu lòng nhân ái, trong một lần đi biển đã gặp nạn dạt vào đây khi tuổi vừa 16. Nhân dân trong vùng thương tiếc đã mang chôn cất và lập nên ngôi miếu thờ. Sau này ngôi miếu được xây cất trở thành Dinh Cô. Do Cô thường xuyên báo mộng cho nhân dân để tránh thiên tai, dịch bệnh nên nhân dân đã tôn cô là “Long Hải Thần nữ Bảo an Chánh trực Nương nương Chi Thần”. Dinh Cô hiện tại khá hoành tráng nằm dưới chân mũi Thùy Vân. Năm 1995, Dinh Cô được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Đây là một quần thể di tích đẹp và trang nghiêm, hằng năm Lễ hội Nghinh cô được tổ chức khá trọng thể từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch.



Du khách trải nghiệm

Miên man với di tích độc đáo và linh thiêng, tôi đã đến Thiền viện Chơn nguyên (nhân dân trong vùng gọi là Chùa Khỉ). Ở đây có rất nhiều khỉ, chủ yếu là loài khỉ vàng đuôi dài khá láu cá và bưỡng bỉnh. Đến đây, bạn có thể mang theo trái cây để cho khỉ.. Thiền viện Chơn nguyên không chỉ hấp dẫn bởi kiến trúc và đàn khỉ vàng đuôi dài mà còn hấp dẫn bởi những tuyệt tác đá từ thiên nhiên với đủ mọi hình thù, kiểu dáng, chen giữa cây cối xanh tươi, tạo nên một danh thắng tuyệt mỹ như chốn bồng lai tiên cảnh. Và mỗi độ xuân về nơi đây sẽ tràn ngập hoa đào trắng, hồng tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ ở chốn này. Tôi dự kiến xuân này sẽ về đây xem hoa đào nở một lần trong đời ở Bà Rịa - Vũng Tàu...

Trước khi đến Long Hải đã có người bảo tôi: Hãy cố gắng thưởng thức bánh hỏi An Nhứt. Mặc dù đã được ăn bánh hỏi thịt quay ở vài nơi, nhưng tôi vẫn háo hức muốn thử loại đặc sản nổi tiếng ở đây. Bánh hỏi An Nhứt được làm từ gạo tẻ và nếp. Gạo làm bánh hỏi là loại gạo thơm nổi tiếng của Long Điền, ngâm chung với nếp trong vòng 10 tiếng đồng hồ, rồi xay nhuyễn, hấp cách thủy 20 phút. Sau đó, đưa vào khuôn và ép thành từng mảng như những chiếc lưới mỏng đan vào nhau. Công thức làm bánh chung là vậy, nhưng so với bánh hỏi ở những nơi khác, bánh hỏi ở đây vừa có độ thơm, bùi, dai và dẻo hơn là do bí quyết gia truyền. Khi thưởng thức người ta ăn kèm thịt heo nướng, chả giò, phía trên có rắc thêm đậu phộng giã  dập. Miếng thịt nướng được tẩm ướp gia vị rất vừa miệng; chả giò bổ dọc đôi, nhân của chả giò chủ yếu là thịt, tôm, nấm mèo và rau thơm, luôn giòn và nóng hổi.

Nước chấm được pha chua ngọt, trộn lẫn với đồ chua gồm ngó sen, cà rốt và củ cải, ăn kèm với 7 loại rau sống như: cần, xà lách, rau húng, rau quế, cải xanh, diếp cá, ngò rí... và những lát dưa leo. Được thưởng thức bánh hỏi An Nhứt, tôi cho rằng: bánh hỏi An Nhứt ăn chỉ biết no mà không ngán…

Vui chơi, tắm biển và nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Thùy Dương  có một vẻ đẹp vừa hiện đại vừa gần gũi với thiên nhiên thơ mộng. Thùy Dương Resort sẽ đưa ta hòa mình vào thiên nhiên trời biển, thư thái tâm hồn giữa phong cảnh hữu tình thơ mộng. Ngồi bên cửa sổ của những căn villas, bungalow sát bờ biển ngắm bình minh hoặc nô đùa với sóng biển xanh, thưởng thức những món ăn đặc sản tươi sống của biển cùng những dịch vụ vui chơi, giải trí ở Thùy Dương Resort là cách thư giãn hiệu quả nhất mà tôi từng biết…



Đua chó ở  Vũng Tàu

Ngày thứ ba

Tiếp nối đam mê khám phá huyện Long Điền, tôi đến Di tích Lịch sử Căn cứ Cách mạng Minh Đạm là dãy núi có chiều dài 9km, chỗ rộng nhất là 4km, thuộc các xã Tam Phước, Phước Hưng, thị trấn Long Hải (Long Điền), Phước Hải, Long Mỹ (Đất Đỏ). Dãy núi này có các Hòn Đá Dựng cao 173m, Hòn Thung 217m, Chóp Mao 323m. Trên núi xây dựng hai ngôi chùa là Châu Viên và Châu Long nên cũng gọi là núi Châu Long - Châu Viên. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nơi đây là căn cứ kháng chiến của cách mạng. Ngày 17/11/1948, đồng chí Bùi Công Minh - Bí thư huyện ủy và đồng chí Mạc Thanh Đạm - Phó Bí thư huyện ủy Long Điền đã hy sinh tại đây. Để tưởng nhớ nhân dân lấy tên hai ông đặt cho dãy núi là Minh Đạm, nơi đây thật là lý tưởng cho nhưng tour du lịch về nguồn, du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên của vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong hành trình ngày thứ 3 này tôi còn được tham quan Dinh Ông Nam Hải; Nghĩa trang cá Ông (Phước Hải). “Nghĩa địa cá Ông”” ở làng chài Phước Hải. Theo những ngư dân Phước Hải, ngư dân ở đây chôn cất cá Ông rất cẩn thận và tập trung vào một chỗ. Nghĩa địa cá Ông nằm sát bờ biển Lộc An (thị trấn Phước Hải) hiện đang có gần 100 ngôi mộ, đầu các ngôi mộ đều có bát nhang và bia đúc xi măng ghi “Nam Hải chi mộ” cùng ngày tháng cá Ông chết. Hằng ngày có rất nhiều ngư dân đến đây dâng hương cầu xin cá Ông phù hộ cho chuyến đi biển may mắn. Theo một ngư dân trong vùng cho biết: hằng năm, vào hai ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch, ngư dân Phước Hải tổ chức lễ Nghinh Ông rất trang trọng và nghi thức với niềm tin vào sự phù hộ của Ông cho những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm…

3 ngày khám phá và trải nghiệm của tôi được kết lại bằng một bữa canh chua tương me ấn tượng khó quên, có lẽ chỉ có ở Phước Hải. Món ăn này trở thành niềm tự hào ẩm thực của người dân vùng biển về sự dịu mát, giải nhiệt và đầy hương vị biển. Ăn một lần nhớ mãi vương vấn hương vị theo suốt chặng đường, cũng như non nước phong cảnh Bà Rịa - Vũng Tàu, miền biển độc đáo du lịch của miền Đông Nam bộ.

(Theo baodulich.net.vn)

Hoa Mai
Bạn đang đọc bài viết "3 ngày khám phá và trải nghiệm Bà Rịa - Vũng Tàu" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.