Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9 (ngày 29/6/2001), có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009).
Việc ban hành và tổ chức thực thi Luật trong hơn 20 năm qua, đã thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đạt được những bước tiến quan trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, góp phần khẳng định rõ nét vài trò của di sản văn hóa trong đời sống xã hội và trên trường quốc tế.
Bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện Luật
Theo Cục Di sản Văn hoá, ngay sau khi Luật Di sản văn hóa ra được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật ở các cấp, các địa phương trong cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn Đề cương phổ biến nội dung của Luật để phổ biến tới các địa phương, các ngành; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức phổ biến Luật Di sản văn hóa tới đối tượng là các cán bộ làm công tác Đảng tại các tỉnh, thành phố, các quận, huyện; đăng tải trên Trang thông tin điện tử, xuất bản ấn phẩm văn bản pháp luật về di sản văn hóa để phổ biến rộng rãi tới các đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân.
Định kỳ hằng năm, các địa phương thưởng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật và hướng dẫn thi hành Luật và công tác di sản văn hóa. Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Di sản văn hóa dưới nhiều hình thức, một số cuộc thi được phát trên sóng truyền hình, truyền thanh đã có tác dụng tuyên truyền sâu rộng nội dung của Luật.
Bên cạnh đó, để các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến rộng rãi tới các cán bộ văn hóa huyện, xã và cộng đồng nơi di sản văn hóa tồn tại, hầu hết các địa phương cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ văn hóa và cho cộng đồng chủ thể di sản văn hóa.
Một số lớp tập huấn thí điểm cho giảng viên di sản văn hóa phi vật thể cũng được UNESCO tổ chức tại Việt Nam để cung cấp thêm kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng đào tạo cho đội ngũ hạt nhân, nòng cốt là một số cán bộ quản lý văn hóa tại các tỉnh, thành phố đại diện.
Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, giai đoạn 2001 – 2005, có 533 di tích được đầu tư, với kinh phí 518,35 tỷ đồng; giai đoạn 2006 – 2010, có 1.218 di tích được đầu tư, với kinh phí 1.510,47 tỷ đồng: giai đoạn 2011 – 2015, có 1.302 di tích được đầu tư, với kinh phí 1.436,844 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020, có 471 di tích được đầu tư, với kinh phí 245 tỷ đồng. Ngoài ra, một số di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thế giới được hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Ý thức tuân thủ quy định pháp luật về di sản văn hóa trong xã hội ngày càng được nâng cao
Theo Cục Di sản văn hoá, qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, những năm gần đây, nhận thức chung của đại đa số dân cư địa phương tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cả nước đã được nâng cao và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trước đây, trong các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, người dân thường có xu hướng làm mới, đưa thêm các yếu tố không phù hợp vào di tích, thì hiện nay, qua nhiều năm tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên môn và pháp luật, cộng đồng nhân dân đã hiểu rõ hơn và tham gia tích cực với cán bộ quản lý trong từng dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, do đó, chất lượng của hoạt động tu bổ di tích từng bước được nâng cao, vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích đã giảm hẳn so với những năm trước đây, các vi phạm được xử lý triệt để.
Trong hầu hết các văn bản thẩm định dự án, Bộ VHTTDL đều yêu cầu chủ đầu tư xin ý kiến nhân dân, công khai nội dung dự án trước nhân dân để tạo sự đồng thuận trước khi phê duyệt. Việc thực hiện quy định tham vấn và giám sát của các nhà khoa học và cộng đồng đã tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, ngành văn hóa, thể thao, du lịch và nhân dân.
Trong quá trình thực hiện dự án tu bổ di tích, chính quyền và ngành văn hóa, thể thao, du lịch có điều kiện để báo cáo, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định pháp luật và nguyên tắc tu bổ di tích, được nhân dân ủng hộ và giảm bớt khiếu nại, thắc mắc do không nắm được đầy đủ thông tin về dự án.
Hệ thống pháp lý hiện hành về cơ bản đã tạo ra cơ chế để gắn kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền và ngành văn hóa các cấp đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ.
Trong đó, với nhiệm vụ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể: Cả 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ và thống kê được khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, các địa phương chưa thực sự đầu tư nhiều cho việc này.
Đối với việc lựa chọn di sản tiêu biểu, xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Đã có 416 di sản thuộc cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên mọi miền đất nước được đưa vào Danh mục, thể hiện sự tôn trọng sự đa dạng văn hóa và sự khác biệt văn hóa giữa các cộng đồng quốc gia, dân tộc của Đảng Nhà nước.
Đối với nhiệm vụ truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể: Các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thế cũng được tổ chức tại nhiều địa phương, thu hút các nghệ nhân xuất sắc đến truyền dạy và các học viên thuộc nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi theo học.